Trong tháng 11, PNJ của "nữ hoàng" trang sức Cao Thị Ngọc Dung, đạt doanh thu thuần 3.111 tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 31% lên mức 199 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 9 tháng.

Lũy kế 11 tháng, PNJ ghi nhận doanh thu 29.495 tỷ đồng. Lợi nhuận lũy kế tăng gần 6% so với cùng kỳ, lên mức kỷ lục 1.732 tỷ đồng.

Năm 2023, PNJ đặt mục tiêu 35.598 tỷ đồng doanh thu, 1.937 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả kinh doanh sau 11 tháng, PNJ hoàn thành 83% chỉ tiêu doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Kể từ đầu tháng 12, giá vàng trong nước liên tục cán mốc kỷ lục mới. Giá vàng SJC tăng từ mức gần 74 triệu đồng/lượng hồi đầu tháng 12 lên 77 triệu đồng/lượng sau khi kết thúc phiên ngày 23/12. Nhiều chuyên gia dự báo, giá vàng vẫn duy trì đà tăng và có thể tiếp tục cán mốc lịch sử mới. Nhiều khả năng PNJ sẽ có doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng mạnh.

Trong phân tích cuối tháng 11, Chứng khoán SSI Research dự báo, mặc dù những thách thức của nền kinh tế vĩ mô dự kiến sẽ giảm bớt nhưng vẫn cần thêm thời gian để chi tiêu có thể phục hồi. Công ty chứng khoán dự báo biên lợi nhuận gộp của PNJ sẽ tăng từ 17,5% trong năm 2022 lên 18,4% - 18,2% vào năm 2023 - 2024. Lợi nhuận ròng năm 2023 - 2024 ước đạt lần lượt là 1.850 tỷ đồng, tăng 2,6% và 2.170 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ.

Kết phiên giao dịch ngày 22/12, cổ phiếu PNJ đạt 83.000 đồng/cp.

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* GVR: Ngày 22/12, HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam điều chỉnh kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023. Trong đó, doanh thu điều chỉnh giảm 12% so với kế hoạch ban đầu xuống còn 24.243 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 19% và 21% xuống còn 3.956 tỷ đồng và 3.363 tỷ đồng.

* PTH: CTCP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hà Tây điều chỉnh kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế được điều chỉnh giảm lần lượt còn 3,9 tỷ đồng và gần 3,1 tỷ đồng, tương ứng khoảng 69% và 68% so với kế hoạch năm 2023

* FPT: CTCP FPT công bố mang về 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài, chủ yếu từ ba thị trường trọng điểm là Nhật Bản, châu Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương. Các thị trường này đều tăng trưởng trên 30%. Trong đó, thị trường Nhật Bản tăng 54%, thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu cho CNTT lớn tại thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số.

* PLP: CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê thông báo nhận được quyết định của Cục thuế TP Hải Phòng về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế 214 triệu đồng do có hành vi kê khai sai dẫn đến tăng số thuế giá trị gia được hoàn và kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

* D2D: CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 sẽ chi hơn 125 tỷ đồng để thuê lại đất của CTCP Sonadezi Châu Đức (SZC) tại khu công nghiệp Châu Đức, trong thời hạn 35 năm.

* DAH: Ông Phạm Huy Thành đã mua thành công 2 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á trong ngày 18/12, qua đó, nâng tỷ lệ sở hữu từ 5 triệu cổ phiếu (5,94%) lên 7 triệu cổ phiếu (8,31%).

* FRT: Nhóm quỹ Dragon Capital đã sở hữu vượt ngưỡng 11% cổ phần tại CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT sau khi hai quỹ thành viên là Norges Bank và Hanoi Investments Holdings Limited mua vào tổng cộng 50.000 cổ phiếu.

* TDM: CTCP Nước Thủ Dầu Một sẽ tạm ứng cổ tức 2023 bằng tiền với tỷ lệ 14%. Thời gian thực hiện dự kiến là ngày 15/5/2024.

VN-Index

Kết phiên giao dịch ngày 22/12, VN-Index tăng 0,63 điểm (+0,06%) lên 1.103,06 điểm, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,09%) xuống 228,27 điểm, UpCOM-Index giảm 0,02 điểm (-0,03%), xuống 86,14 điểm.

Chứng khoán VNDirect cho rằng, trong bối cảnh nhiều thị trường phát triển đóng cửa một vài phiên để nghỉ lễ, áp lực bán của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hạ nhiệt. Tuy nhiên, xu hướng này có thể chỉ là tạm thời dẫn tới tâm lý dè dặt, thận trọng của nhà đầu tư nội chưa thể giải tỏa hoàn toàn.

Trong bối cảnh đó, các chỉ số chứng khoán khó có thể kỳ vọng bứt phá mạnh trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023. Chỉ số VN-Index có thể phục hồi nhẹ hướng tới vùng 1.120-1.130 điểm trong tuần tới. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy ở thời điểm này, đặc biệt là trong bối cảnh xu hướng tăng trung hạn của chỉ số VN-Index chưa được xác lập cho đến khi VN-Index vượt "thuyết phục" qua vùng kháng cự quanh 1.150 điểm.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, đà tăng điểm chưa thực sự mang tính thuyết phục khi thanh khoản vẫn đang duy trì ở ngưỡng thấp, sự phân hóa đang diễn ra giữa các nhóm ngành và giữa các cổ phiếu trong cùng ngành. Do vậy, chỉ số tiếp tục được dự báo có thể sẽ sớm gặp áp lực rung lắc tại vùng cản gần quanh 1.110 (+-5).

Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục sớm, có thể cân nhắc mua/bán linh hoạt hai chiều tỷ trọng thấp tại các vùng hỗ trợ/kháng cự kế tiếp, cụ thể là cận dưới 1.080 (+-15) và quanh 1.110 (+-5).