Trong tuần qua, giá vàng SJC đã tăng lên mức cao nhất từ đầu năm 2012 đến nay với mức giá bán ra vượt 46 triệu đồng/lượng. Kết thúc ngày giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC mua vào và bán ra lần lượt là 45,90 và 46,25 triệu đồng/lượng.
Lập sàn vàng: Chưa phải lúc
Tuần tới, vàng lên 47 triệu/lượng?
Vàng giảm giá mạnh, lỡ mua sẽ lỗ nặng
Mức chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi là 2,46 triệu đồng/lượng. Dù ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho SJC gia công 1.723kg (gần 50.000 lượng vàng) nhưng thị trường vàng trong nước vẫn chưa có tín hiệu hạ nhiệt.
Giá vàng thế giới gia tăng kích thích người dân giữ vàng
Giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh từ đầu tháng 8.2012 đến nay. Trong tuần qua, giá vàng đã tăng gần 3% từ 1.690 USD/oz lên 1.740 USD/oz vào cuối tuần. Giá vàng thế giới tăng mạnh do các nhà đầu tư kỳ vọng vào ECB và Mỹ sẽ sớm bơm thêm tiền. Trong cuộc họp ngày 6.9.2012, chủ tịch ECB tuyên bố ECB đã thông qua chương trình mua trái phiếu mới nhằm hạ thấp chi phí đi vay của các thành viên eurozone. Không chỉ có vậy, tình hình kinh tế Mỹ cũng đang tiếp tục có dấu hiệu trì trệ hơn khiến cho các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ sớm thực hiện gói QE3 để kích thích kinh tế, tạo ra nhiều việc làm hơn. Số lượng việc làm mới tạo ra trong tháng 8.2012 chỉ có 96.000 việc làm, thấp hơn dự báo và thấp hơn so với số lượng 141.000 việc làm tháng 7.2012.
Giá vàng thế giới tăng mạnh khiến giá vàng trong nước cũng tăng theo. Một số ngân hàng thương mại (NHTM) bất ngờ tăng mạnh lãi suất huy động vàng có phần khuyến khích người dân mua vàng gửi vào ngân hàng. Tại ACB, STB và EIB, lãi suất huy động vàng đã tăng gần gấp đôi lên mức cao nhất là 1,4 – 1,6%/năm cho kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống.
Các ngân hàng có thể đang đẩy mạnh mua về trạng thái vàng
Sức mua từ phía người dân dường như không phải là nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho giá vàng tăng mạnh. Sự gia tăng nhu cầu về vàng của các NHTM để đảm bảo thanh khoản về vàng mới có thể là nguyên nhân chính.
Theo số liệu trong báo cáo tài chính của bảy NHTM trên thì trạng thái vàng nội bảng ròng của các NHTM này hiện nay có thể đang âm. Nếu điều này đúng thì có thể các ngân hàng đang sử dụng nguồn vốn huy động bằng vàng để tài trợ cho các tài sản bằng các đồng tiền khác, trong đó có thể là VND và ngoại tệ. Do thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới không liên thông với nhau nên nếu muốn bù đắp lại trạng thái vàng này, các NHTM chỉ còn một cách duy nhất là mua lại vàng ở trong nước. Hơn nữa, việc mua về trạng thái sẽ phải là vàng SJC (đối với các khách hàng đã gửi bằng vàng SJC) nhưng các NHTM không thể chủ động về nguồn cung vàng này mà chỉ có thể mua được từ SJC.
Theo ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc CTCP kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam VGB, sau ngày 23.8.2012, NHNN đã cho SJC gia công một lượng vàng miếng tới 1.723kg (khoảng 50.000 lượng) nhưng chưa rõ lượng vàng thực sự được cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, số vàng mà NHNN cho SJC gia công chỉ có giá trị khoảng 2.300 tỉ đồng (tính theo giá 46 triệu đồng/lượng), có thể vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá trị vàng mà bảy NHTM bị âm trạng thái vàng nội bảng ròng.
Thực tế, trạng thái tiền tệ vàng nội bảng ròng của bảy NHTM còn có thể âm lớn hơn con số ước tính tham khảo, gần 11.000 tỉ đồng, rất nhiều. Nhìn vào thuyết minh báo cáo tài chính của các NHTM, giá trị các tài sản khác bằng vàng rất lớn. Tổng giá trị các tài sản khác bằng vàng của bảy NHTM trên lên tới 42.819 tỉ đồng, chiếm gần 34% tổng giá trị nguồn vốn bằng vàng và 37% tổng giá trị tài sản bằng vàng. Thực chất các tài sản này là như thế nào, liệu trong đó có các khoản uỷ thác đầu tư bằng vàng để rồi các khoản này cũng được chuyển đổi sang tiền đồng hoặc ngoại tệ khác? Điều này chỉ có bản thân các ngân hàng này mới rõ. Nếu một phần các tài sản có này được chuyển đổi sang tiền đồng hoặc ngoại tệ khác không thông qua ngân hàng thì lượng vàng thực tế phải mua để bù lại trạng thái của các NHTM này sẽ rất lớn.
Sức ép phải đóng trạng thái vàng của các NHTM từ nay đến cuối năm đang gia tăng. Theo thông tư số 12/2012/TT-NHNN và chỉ thị số 05/CT-NHNN, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng chấm dứt vào ngày 25.11.2012. Trong khi đó, huy động vàng qua giấy tờ có giá (chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng, phát hành trái phiếu) chiếm tới hơn 60% nguồn vàng huy động của các NHTM. Thời gian từ nay đến ngày phải đóng trạng thái không còn lâu. Nếu giá vàng tiếp tục tăng mạnh thì lực cầu mua vàng đóng trạng thái của các NHTM sẽ có thể khiến cho giá vàng tiếp tục leo thang lên những mức giá cao mới.
Các cơn sốt vàng thường có xu hướng xảy ra vào dịp cuối năm. Trong năm 2009, giá vàng đã tăng mạnh từ giữa năm và bắt đầu tăng mạnh lên mức đỉnh của năm gần 29 triệu đồng/lượng vào tháng 11.2011 rồi mới giảm trở lại. Năm 2010 giá vàng đạt đỉnh vào tháng 11, và trong năm 2011 giá vàng cũng tăng lên mức cao nhất vào cuối tháng 8. Trong năm nay, dù chưa vượt được đỉnh cũ nhưng giá vàng đã có những chuỗi ngày tăng mạnh từ đầu tháng 8.2012 đến nay. Nếu NHNN không nhanh chóng gia tăng nguồn cung vàng thì sự biến động của giá vàng sẽ có thể kéo theo những biến động lớn về tỷ giá ngoại tệ USD/VND trong những tháng cuối năm.
Rút vàng, gửi tiền Ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc ngân hàng Eximbank cho biết trong mấy ngày qua, khi giá vàng lên cao, nhiều người đã rút vàng gửi ngân hàng để bán ra, và gửi tiết kiệm lại bằng tiền đồng. Những tháng trước, khi lãi suất cho vay tiền đồng lên cao và lãi suất cho vay USD thấp hơn, nhiều ngân hàng đã huy động vàng bán ra để lấy tiền đồng và USD để cho vay. Theo quy định, ngân hàng được chuyển đổi tối đa 40% lượng vàng tồn quỹ (là phần còn lại sau khi cho vay, hay gửi ngân hàng khác và dùng vào mục đích khác). Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, một vài tháng trước ngân hàng ông bán vàng với giá 41 – 42 triệu đồng/lượng, và để bù đắp lượng vàng đã bán, nay ông phải mua vào giá 45 – 46 triệu đồng/lượng. Ngân hàng đã mua vàng tài khoản nước ngoài cân bằng trạng thái thì mức lãi là 2,1 triệu đồng/lượng, như vậy lỗ chênh lệch là gần 2 triệu đồng/lượng. Trong tuần qua, nhiều ngân hàng lại tích cực tăng lãi suất huy động vàng. Cụ thể ngân hàng Á Châu (ACB) tăng lãi suất chứng chỉ huy động vàng từ 0,8%/năm lên 1,6%/năm. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), đưa ra lãi suất huy động vàng cũng lên tới 1,6%/năm; mức 1,4%/năm được áp cho các khoản dưới mười lượng. Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tăng lãi suất huy động vàng từ 0,5%/năm lên 1,6%/năm. |
(Theo SGTT)