Trả lời VTC News, ông Đỗ Quốc Huy, lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội, cho rằng, với mức giá hiện nay, nếu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, giá xăng RON95 sẽ giảm gần 2.400 đồng/lít. Trường hợp giảm thêm 50% thuế VAT, mỗi lít xăng RON95 sẽ giảm gần 1.500 đồng nữa. Như vậy, chỉ với 2 sắc thuế này, giá xăng có thể giảm 3.900 đồng mỗi lít.

Nếu cộng thêm mức giảm 1.000 đồng thuế môi trường, giá xăng RON95 bán ra chỉ khoảng 27.800 đồng/lít.

Như vậy, mỗi lít xăng có thể giảm khoảng gần 5.000 đồng.

Ông Huy nhấn mạnh, trong bối cảnh giá dầu thế giới chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nếu không giảm thuế sẽ khó “làm nguội” giá xăng dầu trong nước. “Việc giảm thuế có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng đây là việc cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, người dân ổn định cuộc sống, từ đó hỗ trợ kinh tế phát triển”, ông Huy nói.

Giá xăng còn bao nhiêu nếu được giảm loạt thuế? - 1

Ông Đỗ Văn Bằng, đại diện thương hiệu xe khách Sao Việt cho rằng đây là thời điểm ngành vận tải hành khách cơ hàn nhất, rất cần được nhà nước hỗ trợ.

Theo ông Huy, mỗi lít xăng RON95 đến tay người tiêu dùng hiện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10% và thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng (đã được giảm 50% từ 1/4). Tính ra, tỷ trọng thuế trong cơ cấu tính giá xăng dầu khoảng trên 30% (chưa tính các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển...). 

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng, giá xăng dầu thế giới được dự báo có thể tiếp tục tăng nóng trong thời gian tới sẽ tác động tiêu cực đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Việc cân nhắc giảm các loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu là rất cần thiết để bình ổn giá xăng dầu trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế vốn đang kiệt quệ sau đại dịch COVID-19.

Chuyên gia cho rằng hiện nay mặt hàng xăng dầu đang chịu cùng lúc nhiều sắc thuế. Đã có không ít ý kiến băn khoăn việc áp dụng cả thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với xăng dầu. Trong khi xăng dầu không phải là hàng hóa xa xỉ, đã phải chịu thuế bảo vệ môi trường, lại phải gánh cả thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng chắc chắn giúp “hạ nhiệt” giá bán mặt hàng chiến lược này, giảm áp lực lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp”, ông Long nhấn mạnh.

Hàng không lo mất nghìn tỷ, xe khách lao đao

Giá xăng dầu leo thang vùn vụt từ đầu năm đến nay khiến các doanh nghiệp vận tải từ hàng không đến xe khách đều điêu đứng. Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết giá dầu đã cao gấp đôi so với giá dự báo đang khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn. Theo đó, tại thời điểm ngày 10/3, giá nhiên liệu bay tăng mạnh với mức giá giao ngay lên tới 161 USD/thùng, trong khi giá bình quân 2021 chỉ khoảng 73 USD/thùng).

Vietnam Airlines có thể mất thêm hàng nghìn tỷ do giá nhiên liệu tăng cao. Ảnh: Hoàng Hà.

Với mức tăng hơn gấp đôi này, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị tác động rất mạnh. Hãng nào càng bay nhiều thì chi phí càng lớn và số lỗ càng nhân lên. Theo tính toán, chỉ cần với 1 USD/thùng/năm tăng hoặc giảm thì chi phí tăng hoặc giảm tương ứng 87 tỷ đồng/năm. Hiện, chi phí nhiên liệu bay của Vietnam Airlines trong quý I/2022 chiếm hơn 30% chi phí hoạt động và dự kiến còn tăng sốc trước xu thế tăng giá xăng dầu thế giới.

Ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc hãng hàng không Vietravel Airlines, đánh giá chi phí nhiên liệu biến động là thách thức cực lớn cho các hãng hàng không, thậm chí một số hãng có thể phải dừng bay nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao.

Tương tự, đại diện Bamboo Airways cũng cho biết, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải hàng không nên việc giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng lớn tới giá thành và chi phí kinh doanh của tất cả các hãng bay trong nước.

Đây là là điều bất lợi cho toàn ngành giao thông vận tải nói chung khi đang trên đà phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu cũng giống như dịch bệnh, đều là các yếu tố khách quan bất khả kháng và đòi hỏi các doanh nghiệp linh hoạt ứng biến, thích nghi.

Với ngành vận tải đường bộ, ông Nguyễn Văn Quýnh, đại diện hãng Vận tải Bắc Nam cho biết, trước đây mỗi ngày đơn vị vận chuyển trên 100 tấn hàng hóa. Nhưng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và giá xăng dầu leo thang, nên nay mỗi ngày hãng chỉ vận chuyển khoảng 40 – 50 tấn hàng, tức giảm khoảng 50% khối lượng.

“Doanh nghiệp vận tải như chúng tôi đang hết sức khó khăn. Nhiên liệu tăng làm tăng chi phí, kéo giảm doanh thu và lợi nhuận. Với mức giá xăng dầu như hiện nay, kinh doanh may lắm chỉ cầm hòa, nếu tiếp tục tăng thì chắc chắn thua lỗ, nguy cơ phá sản cận kề”, ông Quýnh nói.

Theo ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí vận tải, trong thời gian qua giá mặt hàng này tăng mạnh đã khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên rất nhiều, thu không đủ bù chi.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/7, Thứ trưởng bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, ngay hôm nay, sau khi được Chính phủ đồng ý, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký tờ trình số 244 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Nội dung tờ trình nêu rõ, Bộ Tài chính đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, dự kiến áp dụng từ 1/8/2022.

Cụ thể, giảm 1.000 đồng đối với xăng, xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Giảm 500 đồng đối với nhiên liệu bay, xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Giảm 500 đồng đối với dầu diesel, xuống mức sàn 500 đồng/lít. Giảm 1.000 đồng với dầu mazut, dầu nhờn, xuống mức sàn 300 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng xuống mức sàn 300 đồng/lít. Riêng dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Bộ Tài chính đồng thời chuẩn bị các phương án khác trong các chính sách thuế đối với mặt hàng xăng, dầu, gồm cả thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt…

 

(Theo VTC News)