Giá xăng dầu trong nước hôm nay 13/4/2024
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 13/4 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/4 của liên bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được điều hành theo hướng giảm giá xăng E5 RON 92, tăng giá xăng RON 95 và các mặt hàng dầu (trừ dầu mazut).
Cụ thể, giá xăng E5 giảm về mức 23.840 đồng/lít.
Ở chiều ngược lại, giá xăng RON 95 tăng lên mức 24.820 đồng/lít.
Giá dầu diesel được điều chỉnh tăng lên 21.610 đồng/lít. Giá dầu hoả được nâng lên 21.590 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 11/4 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 24.820 | + 20 |
Xăng E5 RON 92-II | 23.840 | - 70 |
Dầu diesel | 21.610 | + 630 |
Dầu hỏa | 21.590 | + 580 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 13/4/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 13/4 tiếp đà tăng cao từ phiên trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 8h31' ngày 13/4 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 90,45 USD/thùng, tăng 0,71 USD, tương đương 0,79% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 85,66 USD/thùng, tăng 0,64 USD, tương đương 0,75% so với phiên liền trước.
Trong phiên 12/4, giá xăng dầu thế giới quay đầu đi lên sau khi giảm nhẹ vào phiên trước.
Giá dầu có xu hướng tăng cao khi căng thẳng ở Trung Đông kéo dài gây nguy cơ gián đoạn nguồn cung tại một trong những khu vực sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Bất ổn địa chính trị leo thang ở Trung Đông gây ra tâm lý lo ngại trong giới đầu tư. Điều này tác động đến thị trường "vàng đen".
Tuy nhiên, việc lãi suất có thể được duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn đã hạn chế đà tăng của giá dầu.
Theo Reuters, biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức của nước này lo ngại rằng lạm phát có thể bị đình trệ ở mức cao và cần có một thời gian dài hơn để thắt chặt chính sách tiền tệ.
Nhiều nhà đầu tư từng kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ bắt đầu vào tháng 6. Nhưng căn cứ vào chỉ số lạm phát tiêu dùng liên tiếp vượt quá dự báo thì khả năng cao tháng 9 tới đây mới là thời điểm Fed tiến hành cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, tại châu Âu, các quan chức thuộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn giữ chi phí đi vay ở mức cao kỷ lục nhưng phát tín hiệu cơ quan này có thể sớm cắt giảm lãi suất.
Việc cắt giảm lãi suất chậm hơn có thể làm giảm nhu cầu dầu và tác động tiêu cực lên giá dầu.
Nhưng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu toàn cầu đạt 2,25 triệu thùng/ngày vào năm 2024 và 1,85 triệu thùng/ngày vào năm 2025.