Giá xăng dầu trong nước hôm nay 14/12/2023

Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vào chiều nay (14/12) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết, giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều chỉnh chiều nay có khả năng giảm theo giá thế giới.

Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể giảm từ 720-850 đồng/lít, còn giá dầu diesel có khả năng giảm 700 đồng/lít.

Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giảm ít hơn.

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 7/12), giá bán lẻ các loại xăng dầu đều được điều chỉnh giảm.

gia xang dau 1 1416 1489 1338 1103 1095 1211 1327.jpg
 Giá xăng dầu trong nước dự báo giảm mạnh. (Ảnh: Nguyễn Huế)

Cụ thể, giá xăng E5 giảm 500 đồng/lít, giá bán là 21.290 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 670 đồng/lít, giá bán không cao hơn 22.320 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 470 đồng/lít, xuống mức 19.720 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 190 đồng/lít, giá bán lẻ còn 20.920 đồng/lít. 

Giá xăng dầu thế giới hôm nay 14/12/2023

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 14/12 đi lên sau khi xuống mức thấp nhất trong 6 tháng.

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 8h56' ngày 14/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 74,82 USD/thùng, tăng 0,56 USD, tương đương 0,75% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 69,98 USD/thùng, tăng 0,51 USD, tương đương 0,73% so với phiên liền trước.

Hôm 13/12, giá xăng dầu thế giới quay đầu tăng nhẹ sau khi lao dốc vào phiên trước đó.

Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 20h31' ngày 13/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 73,6 USD/thùng, tăng 0,36 USD, tương đương 0,49% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 69,01 USD/thùng, tăng 0,4 USD, tương đương 0,58% so với phiên liền trước.

Giá dầu thế giới trong phiên 12/12 giảm tới hơn 3%, xuống mức thấp nhất trong 6 tháng. Giá dầu lao dốc do lo ngại dư cung và nhu cầu giảm.

Giá dầu đi xuống khi số liệu lạm phát tại Mỹ trong tháng 11 làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chưa thể hạ lãi suất vào đầu năm tới. Việc này có thể gây sức ép lên nhu cầu tiêu thụ dầu.

Reuters cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11 bất ngờ tăng 0,1% do giá xăng giảm. Điều đó càng củng cố quan điểm Fed khó có thể cắt giảm lãi suất vào đầu năm sau. Lãi suất cao trong thời gian dài hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và cho thấy nhu cầu dầu đang yếu đi.

Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô trung bình hàng tuần của Nga vẫn ở mức cao kể từ tháng 7/2023. Điều này gây lo ngại về tình trạng dư cung và tạo nghi ngờ về thỏa thuận cắt giảm sản lượng gần đây của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+).

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã nâng dự báo nguồn cung năm 2023 thêm 300.000 thùng/ngày so với dự báo trước, lên 12,93 triệu thùng/ngày.

EIA cũng cho hay nhu cầu dầu thô trong năm 2024 được điều chỉnh giảm 100.000 thùng/ngày xuống 102,24 triệu thùng/ngày so với báo cáo trước. Giá dầu WTI giao ngay trung bình năm 2024 được hạ từ 89,24 USD/thùng xuống còn 78 USD/thùng.

Trong khi đó, báo cáo mới đây của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu giảm trong tuần kết thúc vào ngày 8/12 nhưng tồn kho xăng lại tăng mạnh hơn 5 triệu thùng, cho thấy tiêu thụ hạn chế.

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho hay tăng trưởng GDP của Anh trong tháng 10 vừa qua giảm 0,3% so với tháng trước. Thông tin này cũng tạo áp lực lên giá dầu.

Tuy nhiên, giá dầu nhận được sự hỗ trợ sau khi quân đội Mỹ cho biết có một tên lửa phóng từ lãnh thổ do Houthi kiểm soát ở Yemen đã tấn công một chiếc tàu chở dầu của Na Uy ở Biển Đỏ. Điều này làm gia tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu ở khu vực Trung Đông.

Giá dầu cũng được nâng đỡ trước thông tin Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sẽ tận dụng giá dầu thấp hơn để bắt đầu bổ sung vào kho dự trữ chiến lược của nước này.