Giá xăng dầu trong nước hôm nay 14/5/2024
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 14/5 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 9/5.
Theo đó, giá xăng dầu được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm mạnh.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm còn 22.620 đồng/lít. Giá xăng RON 95 hạ xuống 23.540 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel giảm xuống 19.840 đồng/lít. Giá dầu hỏa hạ còn 19.700 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 9/5 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.540 | - 1.410 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.620 | - 1.290 |
Dầu diesel | 19.840 | - 760 |
Dầu hỏa | 19.700 | - 840 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 14/5/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 14/5 có triển vọng đi lên theo đà tăng từ phiên giao dịch đầu tuần.
Giá xăng dầu tiếp tục đi lên do nhu cầu ở Mỹ, Trung Quốc (2 nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới) tăng và khả năng tồn kho dầu của Mỹ giảm.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 8h45' ngày 14/5 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 83,43 USD/thùng, tăng 0,08% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 79,19 USD/thùng, tăng 0,09% so với phiên liền trước.
Tại phiên giao dịch 13/5, giá dầu giảm nhẹ vào đầu phiên sau đó đảo chiều đi lên.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 8h17' ngày 13/5 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 82,45 USD/thùng, giảm 0,41% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 77,95 USD/thùng, giảm 0,4% so với phiên liền trước.
Đến 21h39' ngày 13/5 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng lên mức 83,72 USD/thùng, tăng 1,12% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI lên mức 79,36 USD/thùng, tăng 1,41% so với phiên liền trước.
Giá dầu đi xuống giữa bối cảnh nhu cầu nhiên liệu yếu và kỳ vọng Mỹ cắt giảm lãi suất giảm bớt.
Theo bình luận của một số quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), nhiều khả năng, cơ quan này sẽ duy trì mức lãi suất cao thêm một thời gian thay vì bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 6.
Lãi suất cao được duy trì trong thời gian dài có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, qua đó khiến giá dầu giảm.
Các nhà phân tích của Ngân hàng ANZ cho rằng, giá dầu cũng chịu sức ép giảm do nhu cầu yếu, khi dự trữ xăng dầu và nhiên liệu chưng cất của Mỹ tăng trong tuần trước, khi mùa lái xe ở Mỹ đang tới gần.
Tại Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm trong tháng 4. Điều đó cho thấy nhu cầu kinh doanh vẫn ảm đạm.
Tuy nhiên, thị trường "vàng đen" vẫn nhận được sự hỗ trợ bởi kỳ vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể gia hạn chương trình cắt giảm nguồn cung sang nửa cuối năm nay.
Ngày 12/5, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq (nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của OPEC) cho biết nước này cam kết cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện theo thỏa thuận của OPEC và mong muốn hợp tác với các nước thành viên trong nỗ lực đạt được sự ổn định hơn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.