Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu từ chiều nay (22/5) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành hôm nay có khả năng đi lên theo giá xăng dầu thế giới.
Theo dự báo, nếu cơ quan quản lý không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể tăng từ 350-410 đồng/lít. Còn giá dầu có thể tăng ít hơn.
Nếu dự báo trên là chính xác, giá các mặt hàng xăng trong nước vào hôm nay có lần tăng đầu tiên sau 3 lần giảm liên tiếp.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 14 lần điều chỉnh, trong đó có 7 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 11/5), giá xăng dầu được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm.
Cụ thể, giá xăng RON 95 giảm 1.320 đồng/lít, giá bán là 21.000 đồng/lít. Giá xăng E5 giảm 1.300 đồng/lít, xuống mức 20.130 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 600 đồng/lít, ở mức 17.650 đồng/lít. Giá dầu hoả giảm 550 đồng/lít, giá bán là 17.970 đồng/lít.
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (22/5) có xu hướng đi lên theo đà tăng từ tuần trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h35' ngày 22/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 75,07 USD/thùng. Còn giá dầu WTI ở mức 70,97 USD/thùng
Tuần qua, giá dầu thế giới đảo chiều tăng sau 4 tuần giảm liên tục. Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu tăng 2 phiên và giảm nhẹ 3 phiên. Dù số phiên giảm nhiều hơn số phiên tăng nhưng tốc độ tăng mạnh hơn đã kéo giá dầu đi lên.
Giá dầu trong tuần qua chịu tác động bởi những thay đổi xoay quanh việc đàm phán tăng trần nợ của Mỹ và nguồn cung dầu mỏ đang thắt chặt.
Tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá của hai loại dầu phổ biến nhất thế giới đã tăng hơn 1% do lo ngại nguồn cung thắt chặt và triển vọng nhu cầu tăng.
Cháy rừng ở Alberta, Canada khiến cho việc sản xuất ít nhất 300.000 thùng dầu/ngày bị gián đoạn. Thêm vào đó, việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bắt đầu cắt giảm sản lượng tự nguyện cũng khiến nguồn cung trở nên eo hẹp. Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu tại các nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới có dấu hiệu khởi sắc.
Tới phiên giao dịch thứ hai của tuần, giá dầu quay đầu giảm nhẹ khi những dữ liệu kinh tế của Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới - cho thấy đà phục hồi chậm hơn dự kiến. Sản lượng công nghiệp tháng 4 của Trung Quốc chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng chậm hơn nhiều so với mức dự báo tăng 10,9%. Cùng với đó, doanh số bán lẻ tăng ít hơn dự kiến ở Mỹ cũng đẩy giá dầu đi xuống.
Đến phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá dầu thế giới tăng gần 3% nhờ sự lạc quan về trần nợ của Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy nhấn mạnh quyết tâm sớm đạt được thỏa thuận để tránh một vụ vỡ nợ thảm khốc.
Ngoài ra, giá dầu khởi sắc nhờ dự báo tích cực về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). IEA đã nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay thêm 200.000 thùng/ngày, lên mức kỷ lục 102 triệu thùng/ngày
Trong 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đi xuống do sự mạnh lên của đồng USD cùng với khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 6 tới và việc đàm phán trần nợ Mỹ tạm dừng. Tính chung trong hai phiên giao dịch này, giá dầu đã giảm hơn 1%.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, giá dầu Brent chốt tuần ở mức 75,58 USD/thùng, còn giá dầu WTI kết tuần ở mức 71,55 USD/thùng.
Theo Reuters, tính chung cả tuần qua, cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều tăng khoảng 2% so với tuần trước.
Đây là tuần tăng đầu tiên sau 4 tuần giảm liên tiếp của giá dầu thế giới. Vào tuần trước đó, giá dầu Brent và dầu WTI đều giảm khoảng 1,5%.