Giá xăng dầu trong nước hôm nay 27/10/2023
Giá bán lẻ các loại xăng dầu hôm nay 27/10 ở thị trường trong nước được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 23/10 của liên bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng nhẹ.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng lên 22.360 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng RON 95 lên mức 23.510 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng lên 22.480 đồng/lít, còn giá bán lẻ dầu hỏa lên mức 22.750 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 23/10 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.510 | +470 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.360 | +460 |
Dầu diesel | 22.480 | +70 |
Dầu hỏa | 22.750 | +290 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 27/10/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 27/10 quay đầu đi lên sau khi giảm mạnh vào hôm trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h25' ngày 27/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 88,8 USD/thùng, tăng 0,87 USD, tương đương 0,99% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 83,97 USD/thùng, tăng 0,76 USD, tương đương 0,91% so với phiên liền trước.
Hôm 26/10, giá xăng dầu thế giới giảm tới hơn 2 USD, xuống mức thấp nhất trong hai tuần, do một loạt yếu tố tác động.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h32' ngày 26/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 89,95 USD/thùng, giảm 0,18 USD, tương đương 0,2% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 85,29 USD/thùng, giảm 0,1 USD, tương đương 0,12% so với phiên liền trước.
Đến 20h ngày 26/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mức 88,08 USD/thùng, giảm 2,05 USD, tương đương 2,27% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 83,09 USD/thùng, giảm 2,3 USD, tương đương 2,69% so với phiên liền trước.
Giới phân tích nhận định, giá dầu hạ nhiệt sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ tăng và đồng USD đi lên.
Ngày 25/10, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay tồn kho dầu thô của nước này đã tăng 1,4 triệu thùng trong tuần trước, lên 421,1 triệu thùng, vượt mức tăng 240.000 thùng mà các nhà phân tích dự đoán trong một cuộc thăm dò của Reuters.
Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng cho thấy nhu cầu suy yếu. Điều này khiến giá dầu đi xuống.
Bên cạnh đó, đồng USD mạnh lên làm giảm nhu cầu dầu mỏ vì nó khiến mặt hàng này trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá dầu giảm.
Cùng với đó, những lo ngại về kinh tế vĩ mô tiếp tục đè nặng lên triển vọng nhu cầu dầu mỏ. Đặc biệt, triển vọng kinh tế ảm đạm ở châu Âu gây áp lực lên giá dầu.
Giá dầu đi xuống sau một loạt dữ liệu kinh tế gây thất vọng từ Đức, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh.
Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho thấy hoạt động cho vay của các ngân hàng trên toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu gần như bế tắc vào tháng trước. Điều này cho thấy khu vực này có thể rơi vào suy thoái.