Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 21/4 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng RON 95 là 23.630 đồng/lít. Giá xăng E5 xuống mức 22.680 đồng/lít. Giá dầu diesel không cao hơn 19.390 đồng/lít. Giá dầu hỏa xuống 19.480 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/4 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.630 | - 610 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.680 | - 490 |
Dầu diesel | 19.390 | - 750 |
Dầu hỏa | 19.480 | -250 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay lao dốc.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h40' hôm nay (ngày 3/5, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 75,3 USD/thùng, giảm 0,02 USD, tương đương 0,03% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI xuống mốc 71,6 USD/thùng, giảm 0,06 USD, tương đương 0,08% so với phiên liền trước.
Hôm qua (2/5), giá dầu thế giới tăng nhẹ vào đầu phiên nhưng đến cuối phiên lại quay đầu giảm mạnh.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 8h15' hôm qua (ngày 2/5, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 79,38 USD/thùng, tăng 0,03% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 75,75 USD/thùng, tăng 0,12% so với phiên liền trước.
Đến 21h13' ngày 2/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 77,03 USD/thùng, giảm 2,28 USD, tương đương 2,87% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI xuống mốc 73,16 USD/thùng, giảm 2,5 USD, tương đương 3,3% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu đi xuống do lo ngại về tác động kinh tế của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất và dữ liệu sản xuất yếu hơn của Trung Quốc.
Fed nhóm họp vào ngày 2-3/5, dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Việc Fed tăng lãi suất có thể tác động tiêu cực tới giá dầu bởi nó làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu năng lượng.
Cùng với đó, giá dầu cũng chịu tác động từ dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ. Theo Reuters, dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố vào ngày 27/4 cho thấy mức chi tiêu cho hàng hóa của nước này giảm nhiều hơn dự kiến. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã chậm lại trong quý I/2023 dù số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm trong tuần kết thúc vào ngày 22/4.
Bên cạnh đó, những lo ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng đã đè nặng lên giá dầu. Ngày 1/5, Ngân hàng JPMorgan Chase đã chính thức mua lại tất cả khoản tiền gửi và phần lớn tài sản của First Republic Bank sau khi Chính phủ Mỹ tịch thu toàn bộ tài sản của ngân hàng này.
Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ, sau Washington Mutual vào năm 2008. Đây là ngân hàng thứ 4 của Mỹ phá sản kể từ tháng 3/2023 sau Silvergate Bank, Silicon Valley Bank và Signature Bank.
Ngoài ra, giá dầu suy giảm còn do dữ liệu kinh tế yếu kém từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 được cho là sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng trong năm nay. Song dữ liệu mới đây từ Chính phủ Trung Quốc cho thấy, hoạt động sản xuất của nước này bất ngờ giảm trong tháng 4 vừa qua.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành chế tạo Trung Quốc đã giảm từ 51,9 điểm trong tháng 3 xuống 49,2 điểm trong tháng 4. Chỉ số này thấp hơn so với mức kỳ vọng 51,4 điểm mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc thăm dò mới đây của Reuters.
Tuy nhiên, giá dầu cũng được hỗ trợ khi dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh. Theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dự trữ dầu thô của nước này đã giảm khoảng 6,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 21/4. Trong khi đó, các nhà phân tích dự đoán mức giảm chỉ vào khoảng 1,5 triệu thùng.
Thêm nữa, đà giảm của giá dầu cũng được hạn chế nhờ việc cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có hiệu lực từ tháng này. Trước đó, vào đầu tháng 4, OPEC+ thông báo sẽ cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,16 triệu thùng/ngày. Việc này đã đẩy giá dầu tăng liên tiếp 4 tuần.
Nhưng gần đây, giá dầu đã quay đầu giảm 2 tuần liên tiếp. Giá dầu Brent đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 31/3, trước khi OPEC+ công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng gây sốc thị trường.