Giá xăng dầu trong nước hôm nay
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/7 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, giá xăng RON 95-III tăng 1.300 đồng/lít, lên mức 22.790 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92-II tăng 1.220 đồng/lít, giá bán là 21.630 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 890 đồng/lít, giá ở mức 19.500 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 860 đồng/lít, lên mức 19.180 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/7 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.790 | + 1.300 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.630 | + 1.220 |
Dầu diesel | 19.500 | + 890 |
Dầu hỏa | 19.180 | + 860 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (31/7) bất ngờ đi xuống sau tuần tăng thứ 5 liên tiếp.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h47' ngày 31/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 84,57 USD/thùng, giảm 0,42 USD, tương đương 0,49% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 80,34 USD/thùng, giảm 0,24 USD, tương đương 0,3% so với phiên liền trước.
Tuần qua, giá dầu thế giới ghi nhận đà tăng mạnh mẽ. Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu tăng tới 4 phiên và giảm duy nhất 1 phiên.
Thị trường dầu thế giới tuần qua khởi sắc do nguồn cung bị thắt chặt trong khi nhu cầu tăng lên, cộng với kỳ vọng về các biện pháp kích thích nền kinh tế của Trung Quốc đã thúc đẩy tâm lý các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong các phiên giao dịch của tuần qua, giá dầu không ngừng biến động. Giá dầu nhiều hôm giảm đầu phiên, sau đó bật tăng về cuối phiên.
Ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu mở đầu phiên trong sắc đỏ nhưng đến cuối phiên lại tăng cao. Giá dầu tăng do nguồn cung thắt chặt, nhu cầu xăng của Mỹ tăng và kỳ vọng về các biện pháp kích cầu của Trung Quốc. Ở phiên này, giá dầu tăng 2%, lên mức cao nhất gần 3 tháng.
Đà tăng của giá dầu kéo dài sang phiên giao dịch thứ hai của tuần. Trong phiên này, giá dầu Brent có thời điểm đã chạm mức 83,87 USD/thùng, còn giá dầu WTI có lúc tăng lên mức 79,9 USD/thùng. Đây là mức cao nhất của 2 loại dầu chuẩn này kể từ ngày 19/4.
Tới phiên giao dịch thứ ba của tuần, giá dầu đảo chiều giảm 1% bởi quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ. Đây là phiên giảm duy nhất của giá dầu trong tuần qua.
Đến phiên giao dịch thứ tư của tuần, giá dầu đã nhanh chóng lấy lại được đà tăng. Kết thúc phiên này, giá dầu đã tăng hơn 1 USD. Đáng chú ý, ở phiên giao dịch này, giá dầu Brent lần đầu tiên vượt mốc 84 USD/thùng kể từ tháng 4.
Giá dầu tiếp đà tăng ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần do các nhà đầu tư lạc quan rằng nhu cầu lành mạnh và việc cắt giảm nguồn cung sẽ giữ giá ổn định. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đã tăng gần 1%.
Sự leo dốc của giá dầu được hỗ trợ bởi nguồn cung khan hiếm sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cắt giảm sản lượng cùng với triển vọng tăng trưởng mới về nhu cầu của Trung Quốc cũng như tăng trưởng toàn cầu.
Theo dữ liệu từ Oilprice, giá dầu Brent chốt tuần qua ở mức 84,99 USD/thùng, còn giá dầu WTI kết tuần ở mức 80,58 USD/thùng.
Tính chung trong tuần qua, giá dầu Brent và dầu WTI đều tăng gần 5%. Như vậy, giá xăng dầu thế giới tuần qua ghi nhận tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp.
Theo CNN, kể từ cuối tháng 6 đến nay, giá dầu đã tăng hơn 16%. Đây là đợt tăng dài nhất kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine làm đảo lộn thị trường năng lượng.
Giới chuyên gia nhận định, thiếu hụt nguồn cung sẽ vẫn là nhân tố khiến giá dầu tăng trong thời gian tới.
Cơ quan Năng lượng quốc tế cho hay, nhu cầu dầu toàn thế giới dự kiến sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày lên mức kỷ lục 102 triệu thùng trong năm 2023. Trong khi sản lượng dầu toàn cầu được dự báo chỉ tăng 1,5 triệu thùng/ngày lên 101,5 triệu thùng trong cả năm nay.