Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1/6 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng RON 95 là 22.010 đồng/lít. Giá xăng E5 RON 92 tăng lên mức 20.870 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm xuống mức 17.940 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm về mức 17.770 đồng/lít.
Mặt hàng | Giá từ 1/6 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.010 | +520 |
Xăng E5 RON 92-II | 20.870 | +390 |
Dầu diesel | 17.940 | -10 |
Dầu hỏa | 17.770 | -190 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (8/6) giảm nhẹ sau khi tăng khoảng 1% vào phiên trước nhờ kế hoạch giảm sản lượng sâu hơn của Arab Saudi.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h02' ngày 8/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 76,86 USD/thùng, giảm 0,09 USD, tương đương 0,12% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 72,46 USD/thùng, giảm 0,07 USD, tương đương 0,1% so với phiên liền trước.
Hôm 7/6, giá dầu thế giới giảm nhẹ vào buổi sáng nhưng sau đó có xu hướng đi lên.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h20' ngày 7/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 76,14 USD/thùng, giảm 0,15 USD, tương đương 0,2% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 71,65 USD/thùng, giảm 0,09 USD, tương đương 0,13% so với phiên liền trước.
Đến 20h02' ngày 7/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 77,17 USD/thùng, tăng 0,88 USD, tương đương 1,15% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 72,65 USD/thùng, tăng 0,91 USD, tương đương 1,27% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu thế giới tăng do lo ngại rủi ro về nguồn cung sau cuộc họp ngày 4/6 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
OPEC+ đã đồng thuận gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thô 3,66 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm 2024. Còn Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới - tuyên bố sẽ cắt giảm tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và có thể gia hạn trong trường hợp cần thiết.
Như vậy, tổng mức cắt giảm của nhóm OPEC+ trong tháng 7 có thể lên tới 4,66 triệu thùng/ngày, tương đương 4,57% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng, việc cắt giảm bổ sung của Saudi Arabia có khả năng làm thâm hụt nguồn cung dầu mỏ trong tháng 7 và có thể đẩy giá dầu cao hơn trong những tuần tới.
Tuy nhiên, lo ngại tăng trưởng kém tích cực tại 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đè nặng lên triển vọng tiêu thụ dầu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 6/6 cho hay sản lượng dầu thô Mỹ trong năm nay sẽ tăng nhanh hơn nhưng nhu cầu sẽ hạ nhiệt so với dự đoán trước đó.
Trong khi đó, Viện Xăng dầu Mỹ ngày 6/6 đưa ra số liệu cho thấy dự trữ xăng của nước này đã tăng khoảng 2,4 triệu thùng và dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng khoảng 4,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 2/6. Điều này dấy lên lo ngại về lượng tiêu thụ của nước sử dụng dầu hàng đầu thế giới này.
Còn ở Trung Quốc, hoạt động sản xuất tiếp tục thu hẹp. Theo đó, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 giảm về mức 48,8 điểm; chỉ số PMI phi sản xuất về mức 54,5 điểm. Điều đó phản ánh sức sản xuất ở quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới suy yếu, khiến nhu cầu dầu giảm.