thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 4/5 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Theo đó, giá xăng RON 95 là 22.320 đồng/lít. Giá xăng E5 xuống 21.430 đồng/lít. Giá dầu diesel ở mức 18.250 đồng/lít. Giá dầu hoả là 18.520 đồng/lít.

Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:

Mặt hàng Giá từ 4/5 (đơn vị: đồng/lít) So với kỳ trước
Xăng RON 95-III 22.320 - 1.310
Xăng E5 RON 92-II 21.430 - 1.250
Dầu diesel 18.250 - 1.140
Dầu hỏa 18.520 - 960

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (9/5) đảo chiều đi xuống sau khi tăng nhẹ vào hôm qua.

Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h37' hôm nay (ngày 9/5, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 76,82 USD/thùng, giảm 0,19 USD, tương đương 0,25% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI xuống 73,02 USD/thùng, giảm 0,14 USD, tương đương 0,19% so với phiên liền trước.

Hôm qua (8/5), giá dầu thế giới có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau ba tuần lao dốc. Cả hai loại dầu phổ biến nhất thế giới đều tăng nhẹ ở phiên đầu tiên của tuần.

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h54' ngày 8/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 75,3 USD/thùng, giá dầu WTI ở mức 71,35 USD/thùng.

Đến 20h48' ngày 8/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 77,09 USD/thùng, tăng 1,79 USD, tương đương 2,38% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI đạt 73,31 USD/thùng, tăng 1,97 USD, tương đương 2,76% so với phiên liền trước.

Tuần trước, giá dầu thế giới trải qua tuần giảm thứ ba liên tiếp. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 6,67% còn giá dầu WTI giảm tới 7,05%

Giá xăng dầu tiếp tục tăng (Ảnh: Nguyễn Huế)

Giá dầu lao dốc do một loạt yếu tố, trong đó có nỗi lo sợ cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ sẽ lan rộng, tác động của việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, lo ngại về dữ liệu sản xuất và công nghiệp yếu từ Trung Quốc...

Tuy nhiên, sang đến tuần này, giá dầu đã quay đầu đi lên ngay ở phiên giao dịch đầu tuần.

Theo giới phân tích, giá dầu tăng trở lại do nỗi lo ngại nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái và áp lực tăng lãi suất đã giảm bớt.

Giá dầu phục hồi sau khi giá cổ phiếu của các doanh nghiệp năng lượng tăng trở lại vào phiên giao dịch cuối tuần trước. Mỹ báo cáo số liệu việc làm tháng 4 khả quan làm giảm bớt lo ngại về suy thoái kinh tế.

Bên cạnh đó, các nhà giao dịch ở Mỹ đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất để tránh đưa nền kinh tế vào tình trạng suy thoái, sau cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng trong thời gian gần đây.

Giá dầu tăng còn nhờ sự suy yếu của đồng USD. Chỉ số DXY đo lường biến động của đồng đô la Mỹ so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt hiện đã xuống mức 101 điểm.

ANZ Research thuộc Ngân hàng ANZ cho biết, trọng tâm của thị trường sẽ chuyển từ những lo ngại về kinh tế sang việc e ngại nguồn cung dầu bị thắt chặt.

Nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc Công ty Dịch vụ Tài chính OANDA (Mỹ) nhận định giá dầu đang dần ổn định khi các nhà đầu tư chờ xem liệu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (còn gọi là OPEC+) có phát đi tín hiệu sẵn sàng giảm sản lượng hơn nữa hay không.

Ngoài ra, các thương nhân trong tuần này cũng theo dõi sát sao các chỉ số kinh tế của Trung Quốc (gồm: thương mại, lạm phát, cho vay và số liệu cung tiền cho tháng 4). Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có tác động rất lớn đến giá dầu bởi đây là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.

Các chuyên gia dự báo giá dầu thế giới có thể tiếp tục đi lên trong thời gian tới.

Ngân hàng Goldman Sachs vẫn duy trì dự báo, giá dầu Brent sẽ đạt ngưỡng 95 USD/thùng vào tháng 12 tới và tiến tới mốc 100 USD/thùng vào tháng 4/2024.