Hơn 1/3 các hãng công nghệ hàng đầu Mỹ do một người không sinh tại Mỹ sáng lập. Câu chuyện thành công của họ là động lực để nhiều người nhập cư đến Mỹ với hi vọng hiện thực hóa “giấc mơ Mỹ”. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào thành công của họ, chúng ta có thể quên mất thực tế họ đã phải vượt qua cuộc sống chật vật đến mức nào khi mới bước chân đến quốc gia thịnh vượng nhất thế giới này - từ rào cản ngôn ngữ đến tài chính eo hẹp – để đạt được thành công đột phá.

Dưới đây là câu chuyện của 9 lãnh đạo công nghệ nhập cư nổi tiếng của Mỹ:

Sergey Brin (Google)

Đồng sáng lập Google mới 6 tuổi khi cả nhà ông chuyển từ Liên bang Xô-viết đến Maryland (Mỹ). Ký ức đầu tiên của ông về Mỹ là “ngồi ghế sau xe hơi, kinh ngạc trước tất cả những chiếc xe hơi khổng lồ trên đường cao tốc”. Mẹ của ông, bà Eugenia Brin, cho biết Brin gặp khó khăn để hòa nhập khi mới đến. Cậu bé Sergey khi ấy rất vụng về, phát âm tiếng Anh nặng nề.

Trẻ em được ví như "miếng bọt biển", chúng có thể ngay lập tức học ngôn ngữ mới và không gặp vấn đề gì cả. Tuy nhiên, trường hợp của đồng sáng lập Google không thuận lợi như vậy. Brin mất thời gian dài hơn để học tiếng Anh nhưng cuối cùng ông cũng có bằng Tiến sỹ Khoa học máy tính tại Stanford, nơi ông gặp Larry Page. Hiện tại, Google trị giá 366 tỷ USD và bản thân Brin có tài sản ròng 30 tỷ USD.

Max Levchin

Đồng sáng lập dịch vụ thanh toán PayPal Max Levchin sinh ra tại Ukraine nhưng chuyển tới Mỹ năm 16 tuổi. Ông cho biết gia đình mình rất nghèo khi đến đây năm 1991 và trọng âm của ông cũng rất nặng khi nói tiếng Anh. Dù thành thạo tiếng Anh, Levchin trải qua thời kỳ khó khăn để hiểu hết những gì mà mọi người nói đến ở trường.

Để tiếp nhận văn hóa nhanh hơn, ông xem các chương trình truyền hình của Mỹ. 7 năm sau, Levchin đồng sáng lập PayPal cùng Peter Thiel và Elon Musk. Sau đó, công ty được eBay mua lại năm 2002 với giá 1,5 tỷ USD.  

Chamath Palihapitiya

Chamath Palihapitiya sinh tại Sri Lanka, chuyển tới Canada năm 6 tuổi. Ban đầu, bố ông thất nghiệp và gia đình phải sống trong tiệm giặt là, dựa vào phúc lợi xã hội. Nhưng đây chính là động lực để cậu bé Palihapitiya nỗ lực nhiều hơn. Palihapitiya ám ảnh với danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes và mơ ngày nào đó có thể có tên trong danh sách.

Cuối cùng, ông cũng tốt nghiệp kỹ sư điện tại Đại học Waterloo, nhanh chóng trở thành 1 trong những lãnh đạo công nghệ trẻ thành công nhất. Palihapitiya là Phó Chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử AOL khi mới 26 tuổi. Ông cũng theo sát Facebook từ những ngày đầu tiên và là 1 trong những lãnh đạo cao cấp gắn bó lâu năm nhất. Năm 2011, ông bỏ Facebook để thành lập hãng đầu tư mạo hiểm (VC) riêng có tên Social+Capital Partnership, nay là 1 trong những VC phát triển nhanh nhất Silicon Valley.

Jan Koum

Đồng sáng lập WhatsApp sinh tại Ukraine, sống trong ngôi nhà không có nước nóng. Năm 16 tuổi, gia đình chuyển đến Mỹ và sống nhờ tem phiếu. Mẹ anh xin được việc trông trẻ, còn anh làm nhân viên vệ sinh của cửa hàng thực phẩm địa phương. Bố anh mất năm 1997 còn mẹ anh mất năm 2000 vì ung thư.

Bất chấp những khó khăn này, Koum đủ thông minh để tự học về mạng máy tính qua cuốn sách mua ở hiệu sách cũ. Sau đó, anh theo học Đại học San Jose, trở thành nhân viên thứ 44 của Yahoo. Đến năm 2009, Koum thành lập WhatsApp, ứng dụng nhắn tin di động vừa được Facebook mua lại với giá 19 tỷ USD. Hiện tài sản ròng của anh ước tính 7,2 tỷ USD.

Jerry Yang

Đồng sáng lập Yahoo Jerry Yang sinh tại Đài Loan, chuyển đến San Jose năm 8 tuổi. Khi ấy, ông chỉ biết một chữ tiếng Anh duy nhất là “shoe”. Mất 3 năm để ông thành thạo ngoại ngữ này. Tuy vậy, điều đó không ngăn cản ông gặt hái những thành công trong học tập. Ông có cả bằng cử nhân lẫn tiến sỹ kỹ thuật điện tại Standford. Sau đó, ông gặp David Filo và cùng nhau sáng lập Yahoo, cổng Internet lớn nhất những năm 1990.

Yang từ chức CEO Yahoo năm 2009, rời công ty năm 2012. Trong thời gian tại Yahoo, ông kịp gây dựng khối tài sản 1,15 tỷ USD và vẫn là một nhà đầu tư tích cực tại thung lũng Silicon.

Sanjay Mehrotra

Với Sanjay Mehrotra, đồng sáng lập SanDisk, mọi thứ còn khó khăn ngay cả trước khi đến Mỹ. Sinh ra và lớn lên tại Ấn Độ, ông được vào học trường UC Berkeley năm 18 tuổi. Tuy nhiên, lãnh sự quán Mỹ tại New Delhi từ chối đơn xin cấp visa của ông 3 lần cho tới khi bố của ông đứng thuyết trình trước lãnh sự trong 20 phút.

Cuối cùng, Mehrotra cũng kết thúc khóa học khoa học máy tính và kỹ sư điện tại Berkeley. Sau khi ra trường, ông làm cho Intel, nơi gặp đồng sáng lập SanDisk Eli Harari. Năm 1988, họ thành lập SanDisk chuyên sản xuất thẻ nhớ và 26 năm sau, công ty có giá trị khoảng 18 tỷ USD với hơn 8.700 nhân viên khắp thế giới.

Andy Grove

Andy Grove sinh tại Hungary, trải qua nhiều năm lẩn trốn Phát xít trước khi đến Mỹ năm 1957. Với vốn tiếng Anh có hạn, Grove gặp khó khăn khi bắt đầu cuộc sống tại đây. Ông làm công việc dọn dẹp trong những năm học đại học tại New York, trong khi bạn gái và vợ sau này, Eva Kastan, làm bồi bàn.

Sau cùng, ông nhận bằng Tiến sỹ kỹ thuật hóa học tại UC Berkeley và tìm được việc tại hãng sản xuất bán dẫn Fairchild Semiconductor. Công việc đó đã giúp ông có được vị trí lãnh đạo tại Intel những năm đầu thành lập và đưa ông lên chiếc ghế Tổng Giám đốc trong hơn thập kỷ sau đó. Dưới sự dẫn dắt của Grove, Intel trở thành nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới. Steve Jobs, người thường gọi cho Grove để xin tư vấn, xem ông như một thần tượng.

Vinod Dham

Vinod Dham được xem là “cha đẻ của Pentium” vì những gì ông đã làm tại Intel khi phát triển chip nhớ flash đầu tiên. Trước khi nổi danh, Dham là sinh viên nghèo khổ. Theo Venturebeat, khi Dham lần đầu tới Mỹ những năm 1970, chính phủ Ấn Độ chỉ cấp cho mỗi người 8 USD, sinh viên được thêm 20 USD nếu họ hối lộ đúng người. Nhưng ông từ chối làm điều đó và chỉ có 8 USD trong túi khi đến Mỹ.

Tuy nhiên, ông có thể thoát khỏi cảnh nghèo túng nhờ khoản vay từ văn phòng của Đại học Cincinnati. Ông còn tìm được việc làm trợ lý nghiên cứu với mức lương 325 USD. Sau khi tốt nghiệp, ông xin vào Intel và tạo nên lịch sử. Sau này, Dham trở thành Tổng Giám đốc của Silicon Spice và bán nó năm 2002 với giá 1,2 tỷ USD. Hiện ông là nhà đầu tư mạo hiểm.

Mike Krieger

Mike Krieger đã đề nghị đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom thay thế mình trước khi thành lập công ty do không nhận được visa làm việc tại Mỹ. Năm 2010, Krieger, người Brazil, xin cấp visa loại H1-B để làm việc hợp pháp tại Mỹ. Tuy nhiên, sau 3 tháng nộp đơn, anh không được phản hồi và đã cân nhắc quay lại Brazil.

Dù vậy, cuối cùng anh cũng nhận được visa H1-B và bắt đầu làm việc tại Instagram, mạng xã hội hình ảnh mà anh chỉ mất vài tuần để phát triển. Instagram hiện là công ty con của Facebook và có hơn 150 triệu người dùng toàn cầu.