Ngành logistics có cơ hội tăng trưởng, nhưng chi quá cao
Theo báo cáo mới nhất do Bộ Công Thương công bố tháng 10/2024, dự kiến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ vượt mốc 25 tỷ USD.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ TT&TT), trong lần trả lời báo chí gần đây đã nhận định rằng: “Thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số. Mục tiêu doanh thu của thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi, khi mà tốc độ tăng trưởng hiện nay đang rất tích cực”. Điều này đang thúc đẩy ngành logistics tại Việt Nam tăng trưởng mạnh.
Theo ghi nhận mới nhất của J&T Express, tại Việt Nam, ngành logistics nói chung và lĩnh vực chuyển phát nhanh đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nhu cầu về dịch vụ chuyển phát nhanh ngày càng gia tăng với yêu cầu cao hơn về tốc độ, sự chính xác và độ tin cậy.
Phía Viettel cho biết, quy mô thị trường logistics toàn cầu đã đạt gần 9 nghìn tỷ USD năm 2023, dự kiến tăng lên 18,23 nghìn tỷ USD năm 2030. Trong đó, Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực có quy mô lớn nhất và phát triển năng động nhất. Việt Nam đã đứng trong top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới.
“Từ rất sớm, Chính phủ Việt Nam đã chú trọng vào việc xây dựng và phát triển hạ tầng logistics, thúc đẩy trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế. Hàng loạt các giải pháp được thực hiện quyết liệt, đồng bộ để tạo môi trường, cơ chế khuyến khích hạ tầng và dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ. Mục tiêu là đến năm 2025, ngành logistics sẽ đóng góp 5-6% vào GDP”, Chủ tịch Viettel Tào Đức Thắng cho hay.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, ngành logistics được đánh giá là một trong những ngành tăng trưởng cao nhất của Việt Nam trong 10-15 năm tới. Tốc độ phát triển của ngành những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.
Hiện nay, có khoảng trên dưới 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics, trong đó có hàng chục tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chi phí logistics ở Việt Nam hiện trung bình ở mức 16-17% GDP, nhiều năm trước đây còn là 18-19%. Đây là mức chi phí logistics tương đối cao so với các nước trong khu vực và châu lục.
Đại diện Viettel Post cho rằng, "điểm nghẽn" của ngành logistics là sự thiếu đồng bộ các phương thức vận chuyển, chưa được ứng dụng và cập nhật các công nghệ tiên tiến… làm tăng chi phí và hạn chế sự phát triển của ngành logistics toàn diện trên phạm vi cả nước.
Giải bài toán chi phí cao bằng công nghệ
Tháng 1/2024, Viettel đưa vào hoạt động Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên của Việt Nam, khẳng định chiến lược, cam kết của Viettel trong việc trở thành doanh nghiệp dẫn dắt về công nghệ logistics của đất nước.
Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh của Viettel Post có mức tự động hóa cao nhất Việt Nam, sử dụng robot tự hành chia chọn hàng hóa - robot AGV, hệ thống chia hàng lớn - Wheel Sorter Matrix và hệ thống chia chọn dạng băng tải (Cross-belt Sorter).
Viettel Post là công ty logistics đầu tiên tại Việt Nam triển khai công nghệ robot AGV. Với hơn 40 cổng xuất/nhập hàng, gần 1.200 cổng chia, tổ hợp có công suất xử lý lên đến 1,4 triệu bưu phẩm/ngày, tăng 40% so với trước đây, giúp nâng mức chịu tải toàn hệ thống Viettel Post lên 4 triệu bưu phẩm/ngày, tương đương đáp ứng 50% dung lượng thương mại điện tử tại Việt Nam.
Tỉ lệ sai sót của tổ hợp chia chọn thông minh gần như bằng 0, rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình từ 8-10 giờ, tăng 3,5 lần sản lượng. Nhờ tự động hoá, tổ hợp cũng giúp tối ưu 60% chi phí nhân sự.
Tiếp theo Viettel, J&T Express cũng khai trương Trung tâm Trung chuyển J&T Express tại Hà Nội tháng 1/2025. Đây là trung tâm mới của J&T Express được đặt tại vị trí chiến lược, thuận lợi cho việc giao nhận, phân luồng hàng hóa tại các tỉnh phía Bắc, và là trung tâm trung chuyển, phân loại hàng hóa lớn nhất miền Bắc của J&T Express Việt Nam.
Với diện tích 38.000m2, 23 cổng hàng vào và 150 cổng hàng ra, trung tâm có hàng chục băng chuyền và khu vực xử lý hàng hóa hiện đại với các lớp kiểm soát bằng hệ thống máy DWS tích hợp kiểm tra tự động quét barcode, cân nặng và kiểm tra kích thước, đảm bảo khả năng phục vụ tối ưu cho lượng hàng hóa lớn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, kể cả trong các dịp cao điểm.
Ngoài ra, trung tâm còn được trang bị các thiết bị chuyên dụng chuẩn e-logistics với hệ thống ma trận phân loại hàng tự động, hàng vào cho tới khi ra mất khoảng 3-5 phút cho 1 kiện. Hệ thống crossbelt giúp phân loại kiện hàng nhỏ tự động chuẩn xác tới 99%.
Các công nghệ được trang bị không chỉ giúp tăng tốc độ xử lý hàng hóa mà còn giảm thiểu sai sót, nâng cao độ chính xác trong giao nhận. Việc ứng dụng các công nghệ tự động đã nâng hiệu quả gấp 30 lần so với việc sử dụng nhân công trước đây và giảm được chi phí.
Ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express chia sẻ: Với việc ra mắt trung tâm trung chuyển mới, doanh nghiệp không chỉ nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa mà còn mở rộng các dịch vụ mới, như giao hàng trong ngày và giao hàng theo yêu cầu. Điều này giúp đơn vị đáp ứng nhu cầu hiện tại và sẵn sàng đón đầu sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong tương lai.