Thực tiễn triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới cho thấy nguy cơ, một địa phương đã đạt nông thôn mới, nhưng nếu không may bị mất mùa diện rộng, hay bị thiên tai bão lũ hoành hành, cơ sở hạ tầng bị huỷ hoại, thu nhập của người dân về 0 hoặc âm... thì khi ấy, địa phương đó sẽ không còn là nông thôn mới nữa. Do đó, để xây dựng nông thôn mới bền vững, đặc biệt ở những vùng, những địa phương thường xuyên bị thiên tai cần giải bài toán ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Kịch tính này đã được đặt ra và bàn thảo tại tọa đàm “Bức tranh nông thôn sau 10 năm đổi mới” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 8/10, tại Hà Nội.

{keywords}
Để xây dựng nông thôn mới bền vững, đặc biệt ở những vùng, những địa phương thường xuyên bị thiên tai cần giải bài toán ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Theo ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới: Nhà nước đã triển khai rất tích cực và thành công vấn đề này.

Ông Hoàng Trọng Thủy chọn 5 vấn đề lớn để chia sẻ: Thứ nhất, chúng ta đã điều tra, khảo sát, lắp đặt ở một số vùng trọng điểm những thiết bị về mặt kỹ thuật, dự báo cảnh báo truyền tin về các trạm. Các trạm dự báo ở những khu vực miền núi phía Bắc, gần đây, dự báo thời tiết tương đối chính xác. Rõ ràng Nhà nước đã khảo sát và làm việc này tốt.

Thứ hai, Nhà nước hỗ trợ rất lớn về nguồn lực kinh tế để cho giao thông, thủy lợi, xây dựng các khu trung tâm thương mại... để kết nối giữa miền núi với miền xuôi, giữa nông thôn và thành thị, giữa nông nghiệp và công nghiệp. Sự định hướng trong quy hoạch và kiểm soát này cộng với nguồn lực, đối với các tỉnh miền núi, chúng ta có thể thấy rõ nét hơn sự thay đổi giữa sản xuất nông sản và kinh doanh nông sản.

Thứ ba, điều tra hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu về đất ở, đất sản xuất... Chính phủ và Quốc hội đang làm quyết liệt vấn đề này để các nông trường quốc doanh phải trả lại đất nếu chưa sử dụng hết và không có hiệu quả nhằm điều tiết lại cho địa phương và đồng bào dân tộc miền núi. Những khu vực điều tiết này phải thuận lợi và tạo ra giá trị cho nông sản phát triển. Tôi cho rằng đây là một sự quan tâm rất lớn và đáp ứng được nguyện vọng của người nông dân ở miền núi.

Thứ tư, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, chế biến, kết nối nông sản, đặc biệt là Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm, nhằm khuyến khích đồng bào dân tộc có nhiều sản phẩm địa phương để tham gia vào trục nông sản của quốc gia và toàn cầu. Đây là hướng để chúng ta khai thác triệt để nguồn lợi nông sản của vùng nhiệt đới, phát triển thị trường nông sản hướng ra xuất khẩu.

Thứ năm, sự hỗ trợ về thông tin, bao gồm báo chí, tuyên truyền, đưa khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây mới lên vùng cao, giúp cho đồng bào sản xuất bằng những dự án. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức đoàn thể, thanh niên, phụ nữ, nông dân, mặt trận… đều có những dự án để thực hiện. Đây là quá trình chuyển từ đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến từng người dân.

“Tôi tin rằng, rút được những bài học, kinh nghiệm giai đoạn 10 năm đã qua, những năm tiếp theo, chắc chắn những vẫn đề này sẽ được sửa đổi”, ông Hoàng Trọng Thủy chia sẻ.

Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai ở địa phương

Để xây dựng NTM bền vững, đặc biệt ở các khu vực thường xuyên hứng chịu thiên tai, tác động tiêu cực của BĐKH, trước tiên phải giải bài toán ứng phó thiên tai một cách hiệu quả, giảm thiệt hại.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, chương trình xây dựng NTM hoàn toàn có thể tạo điều kiện thuận lợi để gắn các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng BĐKH vào nội dung thực hiện, đặc biệt với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhằm bảo đảm tính bền vững cho những kết quả đạt được và tiêu chí đề ra, gópphần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ông Đặng Quang Minh, Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng (Tổng cục PCTT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, để nâng cao hiệu quả PCTT tại các địa phương cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PCTT các cấp từ Trung ương đến cơ sở theo hướng chuyên nghiệp, thường xuyên được đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư hiện đại hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai ở các địa phương.

Bài: Thu Thủy, Thu Hằng - Nhóm PV

Ảnh: Minh Thuý - Nhóm PV