Trong hơn ba thập kỷ vừa qua, xóa đói giảm nghèo luôn là mục tiêu và là lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Cùng với phát triển kinh tế cao là hàng loạt các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí huy động từ Chính phủ, cộng đồng và các tổ chức xã hội quốc tế. 63 tỉnh, thành phố chủ động ban hành bổ sung nhiều chính sách đặc thù trong lĩnh vực giảm nghèo để hỗ trợ người dân.

{keywords}
Tạo sinh kế cho hộ nghèo vùng biên Bình Phước

Quyết tâm vươn lên thoát khỏi đói nghèo không chỉ là ý chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương mà đã trở thành suy nghĩ của từng hộ nghèo.

Cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025. Chuẩn nghèo mới này có hai tiêu chí để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình là tiêu chí về thu nhập và tiêu chí về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Khoảng 16,6% hộ dân trên cả nước có thu nhập dưới chuẩn nghèo với gần 4,5 triệu hộ dân, tương ứng với trên 17 triệu người, chịu tác động từ chuẩn nghèo đa chiều mới này.

Theo Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới tập trung điều chỉnh, nâng tiêu chí về thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu tính tại thời điểm năm 2020; bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm. Chuẩn mới được xây dựng dựa trên cách tiếp cận đảm bảo quyền con người, đặc biệt là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân; hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm, bền vững cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Điểm đột phá mới trong giai đoạn 2021- 2025 là tập trung đầu tư con người, đặc biệt là người nghèo. Đồng thời, sẽ phải phân loại người nghèo, làm rõ nguyên nhân nghèo và xác định nhóm hộ nghèo có khả năng lao động. Thậm chí phân loại trong nhóm này thành các nhóm nghèo do lười lao động, nghèo do vướng tệ nạn xã hội, nghèo do thiếu sự hỗ trợ (thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn...). Việc phân loại này sẽ đưa ra được các biện pháp tác động phù hợp. Giảm nghèo gắn với đối tượng cụ thể, đặc điểm hộ gia đình cụ thể thì mới áp dụng các biện pháp thoát nghèo bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong bối cảnh mới, Bộ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bao trùm đến năm 2030. Chương trình Mục tiêu quốc gia mới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội toàn diện, đa tầng.

Cần tận dụng mọi nguồn lực tập trung cho giảm nghèo, đặc biệt quan tâm đến nhà ở, đất sản xuất, tạo việc làm cho người dân, kết nối việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân; tiếp tục hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động ở nước ngoài..., Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Huy Linh