Nhưng nếu nhìn sâu về chiến lược tập trung cho R&D của tập đoàn này thì kết quả đó lại không quá khó để lý giải. Theo xếp hạng của WIPO, Huawei với 3.442 đăng ký đã vượt qua Panasonic của năm 2013 để xếp vị trí thứ nhất, tiếp đến là Qualcomm với 2.409 đăng ký. Trong 50 tổ chức dẫn đầu về đăng ký nhiều sáng chế thì Huawei cũng là hãng có số lượng tăng nhanh nhất với số lượng tăng là 1.332 hồ sơ đăng ký.

Không chỉ là WIPO, nhiều đánh giá xếp hạng của các tổ chức khác cũng cho thấy sức mạnh sáng tạo “đáng gờm” của Huawei. Tháng 11/2014, Huawei đã được vinh danh trong danh sách Top 100 Nhà Sáng tạo Toàn cầu 2014 (Top 100 Global Innovators of 2014) của Thomson Reuters. Bảng xếp hạng này được đánh giá qua các chỉ số chuyên ngành, bao gồm tổng số lượng bằng sáng chế của công ty, tỷ lệ thành công của số bằng sáng chế được cấp, danh mục bằng sáng chế đạt được ở cấp độ toàn cầu và tầm ảnh hưởng của sáng chế thông qua sự đánh giá của các công ty khác.

Với 7.000 bằng sáng chế phát minh và 1.000 hồ sơ bằng sáng chế thiết kế do riêng Nhóm Kinh doanh Tiêu dùng (Consumer BG) của Huawei đăng ký tính đến tháng 8/2014, những đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của công ty đã thu được quả ngọt với những sản phẩm hàng đầu thành công như Huawei Mate7 được giới thiệu gần đây. Chiếc Mate7 đã nhận được sự đánh giá cao trong giới ở công nghệ vân tay đơn chạm chính xác của nó, sử dụng đầu đọc tỉ lệ 508PPI, cho phép người dùng mở khóa điện thoại nhanh hơn ít nhất 80% so với các thiết bị sử dụng các tùy chọn nhận diện quét.

Tại Châu Âu, Huawei cũng trở thành một trong những công ty đứng đầu trong việc đăng ký bằng sáng chế tại Cơ quan Cấp bằng Sáng chế Châu Âu (EPO - European Pantent Office). Theo một báo cáo của cơ quan này công bố vào tháng 3/2014, trong năm 2013, EPO đã nhận được 1.077 hồ sơ đăng ký bằng sáng chế của Huawei. Tính đến tháng 12/2013, Huawei đã được cấp tổng cộng 7.300 bằng sáng chế tại các quốc gia Châu Âu. Và đến tháng 6/2014, Huawei Technologies đã đăng ký hơn 65.000 bằng sáng chế tại Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu.

“Huawei là một trong những hãng sở hữu bằng sáng chế hàng đầu trên thế giới”, Cindy Bian, Luật sư bằng sáng chế thuộc Phòng Quyền sở hữu Trí tuệ của Huawei cho biết. “Việc chúng tôi đứng ở tốp đầu đăng ký sáng chế tại Châu Âu chứng minh sự tập trung của chúng tôi cho sáng tạo, cũng như cam kết của chúng tôi đối với môi trường kinh doanh Châu Âu”.

Huawei hiện có hơn 7.700 nhân viên hoạt động tại Châu Âu, trong đó có 850 người đang làm việc trong lĩnh vực R&D, vận hành 14 cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) đặt tại 8 quốc gia Châu Âu (Bỉ, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Italy, Thụy Điển và Anh) và hợp tác với các đối tác viễn thông – ICT cùng vận hành nhiều trung tâm sáng tạo liên hợp tại Châu Âu. Tập đoàn này cũng là một trong những công ty Trung Quốc đầu tiên ký kết các thỏa thuận cấp phép chéo (cross-licensing) với các đối tác Phương Tây. Công ty đã chi trả khoảng 300 triệu USD tiền phí bản quyền mỗi năm cho việc sử dụng một cách hợp pháp các công nghệ được cấp bằng sáng chế.

Với Huawei, giải pháp sáng tạo chính là chìa khóa thành công của công ty trong giai đoạn mới đi vào hoạt động. Hơn nữa, sau này chiến lược của Huawei là lấy khách hàng làm trung tâm của sự sáng tạo. Trong thời đại ngày nay, khách hàng là trung tâm của sự sáng tạo đã trở thành quan điểm cốt lõi của tập đoàn này.

Huawei hiện có trên 76.000 nhân viên (chiếm 45% tổng số nhân viên) chuyên tập trung vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Huawei cũng mở 16 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D centers) tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tập đoàn đứng đầu thế giới về công nghệ di động 4G/LTE với 665 bằng sáng chế chủ chốt đăng ký (chiếm 25% tổng số bằng sáng chế của thế giới trong lĩnh vực này), đã giành được trên 320 hợp đồng xây dựng mạng LTE thương mại, tham gia triển khai thương mại 174 mạng di động 4G/LTE tại hơn 140 thành phố thủ đô và 9 trung tâm tài chính trên khắp thế giới. Huawei cũng thành lập các trung tâm nghiên cứu và sáng tạo công nghệ di động thế hệ thứ 5 (5G) tại 9 quốc gia và có kế hoạch đầu tư 600 triệu USD để nghiên cứu về công nghệ này đến năm 2018, với mong muốn thương mại hóa công nghệ 5G vào năm 2020.

Ông Eric Xu, Giám đốc điều hành (CEO) luân phiên của Huawei chia sẻ: “Sáng tạo là một cuộc hành trình liên tục. Trong khi chúng tôi tiếp tục phát triển các công năng của hệ thống mạng 4G hiện có thì chúng tôi cũng lên kế hoạch để đầu tư tối thiểu 600 triệu USD trong 5 năm tới cho các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo về các công nghệ mạng di động 5G để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ đáp ứng được các nhu cầu về kết nối ngày càng nhanh hơn và chất lượng tốt hơn của các khách hàng. Các mạng di động 5G với khả năng đạt tốc độ truyền dữ liệu đỉnh tới trên 10Gbps sẽ cho phép mọi người tải về các bộ phim độ phân giải cao (HD) trong một giây và mang đến trải nghiệm truyền thông video như thật”.

Những đánh giá, xếp hạng nêu trên của WIPO và các tổ chức khác được xem như là một quả ngọt cho chiến lược “đầu tư lâu dài cho sáng tạo” của Huawei mà hãng rất coi trọng và xem như là một cuộc chạy marathon. Trong hơn 10 năm vừa qua, mỗi năm Huawei đều dành trên 10% doanh thu của mình để đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo Báo cáo kết quả kinh doanh thường niên mà Huawei công bố ngày 31/3 vừa qua, riêng trong năm 2014, Huawei đã đầu tư 6,6 tỉ USD vào các hoạt động (R&D), chiếm 14,2% trong tổng doanh thu 46,5 tỉ USD của năm 2014 và tăng 29,4% so với năm 2013. Tính trong hơn một thập kỷ vừa qua, Huawei đã đầu tư trên 30,7 tỉ USD vào các hoạt động R&D và sáng tạo.