Còn được gọi là vũ khí xung điện từ, vũ khí điện từ năng lượng cao có 4 ưu điểm lớn gồm trọng lượng nhỏ; giá thành hạ; dễ sử dụng và hiệu quả tiêu diệt, phá hủy mục tiêu cao; có thể sát thương cứng và sát thương mềm. 

Sát thương cứng là gây thương tổn cho cơ thể con người, các loại vũ khí và trang thiết bị. Sát thương mềm là gây nhiễu các hệ thống chỉ huy, trinh sát vệ tinh, thông tin liên lạc, mạng máy tính… và những thiết bị điện tử khác của đối phương, khiến các hệ thống, thiết bị này bị rối loạn chức năng, mất hiệu lực tác chiến tạm thời hay vĩnh viễn. 

Có 2 loại vũ khí điện từ năng lượng cao: Vũ khí sóng cực ngắn công suất cao và bom, đạn điện từ. 

Sơ đồ lý thuyết hoạt động của bom điện từ. Ảnh: The Sun 

Vũ khí sóng cực ngắn công suất cao

Đây là loại vũ khí năng lượng trực tiếp truyền sóng điện từ có tần số sóng cực ngắn, còn được gọi là vũ khí tia điện từ. Loại vũ khí này sử dụng ăng-ten để truyền sóng cực ngắn trực tiếp trong không gian để "phá huỷ mềm” hệ thống điện tử, hệ thống thông tin của đối phương, gây nhiễu cục bộ. 

Vũ khí phá huỷ mục tiêu dựa trên 2 nguyên lý. Một là, đốt cháy và phá hủy hệ thống điện tử của đối phương; làm hệ thống điện tử bị rối loạn tạm thời hoặc lâu dài, bị mất dữ liệu, bị treo dẫn đến rối loạn, mất kiểm soát. Hai là, tác động vào hệ thống điều khiển của tên lửa gây nhiễu loạn, nhầm lẫn dẫn đến thay đổi hướng phóng; gây rối thông tin liên lạc chiến thuật; gây nhiễu, phá hủy radar, hệ thống chỉ huy, điều khiển của đối phương...

Vũ khí sóng cực ngắn công suất cao có thể vô hiệu hóa, phá hủy ba loại mục tiêu: 

Thứ nhất, phá huỷ thiết bị điện tử trong các loại vũ khí trang bị. Khi cường độ sóng cực ngắn thấp hơn 0,01-1 microwatt/cm2, nó có thể gây nhiễu radar và trang bị thiết bị thông tin liên lạc hoạt động trong băng tần tương ứng. Khi công suất sóng cực ngắn tăng tới 0,01 watt/cm2, nó có thể khiến các thành phần của hệ thống liên lạc, radar và hệ thống định hướng mất hiệu quả hay bị cháy hỏng. 

Khi công suất sóng cực ngắn ở mức 10-100 watt/cm2, trường từ trường có thể gây ra dòng điện cảm ứng lên bề mặt mục tiêu kim loại, xâm nhập vào các mạch nội bộ của mục tiêu qua ăng-ten, đường dẫn và cáp dẫn... gây rối chức năng mạch của mục tiêu, gây ra mã lỗi và xoá thông tin bộ nhớ; đốt cháy các thành phần điện tử của mục tiêu.

Khi cường độ của sóng cực ngắn đạt tới 1.000-10.000 watt/cm2, nó có thể thiêu cháy, phá huỷ mục tiêu trong thời gian rất ngắn. Chủ yếu là hệ thống máy tính, hệ thống thông tin, vệ tinh quân sự, tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân tầm thấp, máy bay, xe tăng và tàu chiến các loại.

Thứ hai, để tấn công vũ khí, trang bị tàng hình của đối phương. Ví dụ, thân máy bay B-2 được phủ một lớp nhũ đặc biệt để chống hấp thu tín hiệu dò tìm của radar nhằm đạt được độ tàng hình cao. Tuy nhiên, nó vẫn có thể hấp thu sóng cực ngắn radar trong khung máy bay ở mức độ nhỏ. Khi bị vũ khí sóng cực ngắn tấn công, máy bay sẽ bị thiêu cháy và tan chảy trong thời gian rất ngắn. 

Thứ ba, để sát hại con người, dựa trên nguyên lý tác động nhiệt và phi nhiệt. Tác động nhiệt là khi sự chiếu sáng của sóng cực ngắn mạnh làm cháy da người, gây bỏng ở mức độ nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Tác động phi nhiệt là khi cường độ của sóng cực ngắn thấp khiến con người lo âu, đau đầu, rối loạn tinh thần, suy giảm trí nhớ; làm các chiến binh mất khả năng chiến đấu. 

Bom, đạn điện từ

Nguyên tắc hoạt động tương tự như vũ khí sóng cực ngắn công suất cao, khi nổ có thể tạo phóng xạ xung điện từ mạnh, gây hư hại hoặc phá hủy mục tiêu. Bom điện từ được thả từ trên máy bay; đạn điện từ được bắn, phóng bằng pháo mặt đất và tên lửa chiến thuật. Bom, đạn điện từ gồm 2 loại: bom, đạn tần số sóng điện từ trong băng sóng cực ngắn và bom, đạn quang phổ rộng.

Bom, đạn điện từ có ưu điểm hơn các loại vũ khí sóng cực ngắn khác là vẫn giữ nguyên được cường độ sóng khi tiêu diệt, phá hủy mục tiêu ở cự li xa. Vì các vũ khí sóng cực ngắn khác có nhược điểm là khi bắn các mục tiêu có khoảng cách xa, cường độ sóng sẽ yếu đi nhiều nên kết quả gây hại cho mục tiêu bị hạn chế.

Nguyên Phong

>> Xem thêm tin quân sự mới nhất hiện nay