Vậy nhưng, ít người - kể cả người Mỹ, biết rằng trước vụ khủng bố ngày 11/9/2001, xứ Cờ hoa từng là mục tiêu khủng bố của nước Đức phát xít trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ II.
Một trong những nhân vật đầu tiên nảy ra ý định tấn công Mỹ là Bộ trưởng Thông tin Joseph Goebbels. Với chủ trương đánh sập toà nhà Empire State, một biểu tượng của nước Mỹ thời bấy giờ, Goebbels cho rằng đây không chỉ thuần tuý là hành động quân sự, mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn là gây hoang mang cho dân chúng Mỹ.
Goebbels đảm bảo với Hitler rằng, nếu bị tấn công vào khu nhà chọc trời, nước Mỹ và kéo theo nó là các nước Đồng minh sẽ bị tê liệt ý chí tiếp tục chiến tranh, tiến đến kí hoà ước riêng rẽ với nước Đức.
Phương tiện mà Goebbels đề nghị dùng cho cuộc tấn công là tên lửa A9-A10 do Tổng công trình sư Herman Obert - cha đẻ của ngành khoa học vũ trụ Đức thiết kế. Đây là loại tên lửa có cánh, trọng lượng cất cánh 10 tấn, hoạt động theo chế độ dẫn đường bằng vô tuyến, có tầm bay tối đa 4.800km, đủ để bay đến các bang của Mỹ như New York, Washington...
Trùm phát xít Joseph Goebbels. Ảnh: Wikiepdia |
Những người tiếp theo nêu ý đồ tấn công nước Mỹ là chuyên gia chế tạo tên lửa Wernher von Braun và Tư lệnh lực lượng biệt kích Otto Skorzeny. Lúc bấy giờ Đức đang triển khai công việc thử nghiệm tên lửa Paul-2, và trong đầu hai vị này chợt nảy ra ý nghĩ gắn thêm cho tên lửa một ca-bin dành cho phi công điều khiển, thành lập các phi đội tên lửa Paul-2 cảm tử đánh vào các biểu tượng của nước Mỹ.
Chủ trương của Goebbels và Skorzeny khi báo cáo lên Hitler lập tức được “Quốc trưởng” tán thưởng và phê duyệt. Y gộp hai kế hoạch vào làm một, đặt tên là chiến dịch Pastorius và do y đích thân chỉ đạo. Vấn đề tìm phi công cảm tử không khó khăn gì, vì có rất nhiều người tình nguyện hi sinh vì “Quốc trưởng”.
Công việc chuẩn bị được xúc tiến khẩn trương, tháng 3/1944 đã thành lập được nhóm phi công cảm tử đầu tiên, trong đó có cả một nữ phi công tên là Hanna Ray. Thế nhưng, những khó khăn về mặt kĩ thuật đã ngăn cản Hitler thực hiện ý đồ và giúp nước Mỹ tránh được thảm hoạ.
Vấn đề là ở chỗ, tên lửa A9-A10 được điều khiển vô tuyến. Muốn vậy, tại các mục tiêu đã lựa chọn, tức trên nóc các toà nhà chọc trời phải có hệ thống hoa tiêu dẫn đường vô tuyến. Phái các điệp viên mang theo thiết bị định vị vô tuyến sang nước Mỹ, rồi tổ chức cho những điệp viên này xâm nhập vào các toà nhà, trèo lên nóc và lắp các trạm thu phát... là việc không khả thi.
Còn về phần các tên lửa Paul-2, muốn nhanh chóng vượt quãng đường từ Đức tới Mỹ thì phải bay ra ngoài khoảng không vũ trụ gần Trái đất. Thế nhưng trình độ khoa học kĩ thuật lúc đó chưa đủ sức chế tạo phương tiện đảm bảo sự sống cho phi công trước khi tên lửa bay đến mục tiêu.
Trong khi các nhà khoa học Đức đang gấp rút tìm cách khắc phục yếu tố này thì tiếng súng tấn công Berlin của các đơn vị Hồng quân Liên Xô đã vang lên, chiến dịch Pastorius theo đó cũng tan thành mây khói.
Trong khi đó, tướng Valter Selenberg – Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại chủ trương tuyển chọn, huấn luyện các đơn vị đặc nhiệm thực hiện các vụ khủng bố trên đất Mỹ. Đô đốc Kanaris – Giám đốc Tình báo Quân sự đưa ra kế hoạch tấn công phá huỷ nhà máy thuỷ điện trên thác Niagara, phá đập nước ở bang Ohio và hàng loạt ngân hàng, trung tâm thương mại trên đất Mỹ. Một nhóm biệt kích được tuyển chọn và tập trung huấn luyện ở ngoại ô Brandenburg.
Kế hoạch của hai tên trùm tình báo tưởng chừng đã thành công. Các chuyến tàu ngầm chở các toán biệt kích đã lần lượt rời cảng Bordeaux (Pháp) lúc này còn bị quân Đức chiếm đóng và đổ quân vào các cảng nước Mỹ.
Thật vô phước cho Hitler, ngay trong lần đổ bộ đầu tiên trên tàu ngầm U-584, tên chỉ huy toán biệt kích do lóng ngóng đã ngã từ boong tàu xuống nước và bị lạc đồng bọn. Khi y hỏi thăm đường về một quán bar - điểm hẹn của cả toán, trang phục ướt như chuột lột của tên này đã gây nghi ngờ cho viên trung sĩ Mỹ đang đi tuần tra.
Lệnh báo động được phát ra, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ toàn bộ toán biệt kích Đức bị bắt giữ. Các toán biệt kích sau cũng thay nhau bị cơ quan phản gián Mỹ giăng lưới và tóm gọn. Một thời gian sau, bọn chúng bị đưa ra toà xét xử và nhận các án tù khác nhau, trong đó có đến 6 tên nhận án tử hình.
Như vậy, từ chiến dịch Pastorius đến kế hoạch xâm nhập bằng tàu ngầm, mọi ý đồ của bọn phát xít đã theo chân những người sinh ra chúng mà tan như bong bóng xà phòng. Tuy nhiên, vì lo sợ người dân bị hoảng loạn nên Chính phủ Mỹ cũng giữ bí mật thông tin về vụ việc này và mãi gần đây mới công bố.
Nguyên Phong