Trong khuôn khổ Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, chiều 3/8, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) báo cáo về tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước, các khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo tóm tắt về tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước, Thứ trưởng Trần Quốc Phương ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/7/2022 đạt 186.848,16 tỷ đồng, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (36,71%). 

Một đoạn cao tốc Bắc - Nam

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 1 cơ quan trung ương và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50% gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,6%), Thái Bình (67%), Tiền Giang (62,2%), Hưng Yên (61,1%), Ninh Bình (60,3%), Tây Ninh (60%)…

Có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (34,47%), trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao

Các dự án quan trọng quốc gia vẫn còn số vốn giải ngân lớn.

Trong đó, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã giải ngân là 15.776,589 tỷ đồng, đạt 69,03% kế hoạch đã giao. Số vốn còn lại chưa giải ngân là khá lớn (7.708.446 tỷ đồng) nhưng chỉ được giải ngân đến hết 31/12/2022 theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.

Do vậy, để đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao, đòi hỏi sự vào cuộc, nỗ lực rất lớn của chính quyền tỉnh Đồng Nai.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 ước giải ngân được 7.200 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm 2022 được giao. Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025: Bộ Giao thông - Vận tải đã quyết định phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần; dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao 257 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, ước giải ngân đến hết ngày 31/7/2022 là 185 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch.

Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm

Cũng tại Phiên họp, Bộ KH&ĐT đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương có liên quan nghiên cứu sửa tổng thể các Luật có liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công (một Luật sửa nhiều Luật); Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu các vướng mắc về đất đai theo phản ánh của các địa phương trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai; Bộ Xây dựng nghiên cứu, đơn giản hóa và phân cấp hơn nữa quy định liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng công trình theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương trong công tác kiểm tra, nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhóm A, B trên địa bàn, dự án thực hiện trên địa bàn 02 địa phương trở lên; Bộ KH&ĐT tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Thứ hai, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai dự án đầu tư công. Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải chủ động, thực sự vào cuộc và trả lời, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư công. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu san lấp; kiểm tra việc xây dựng, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định; kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.

Xuân An, Huyền Sâm Huy Linh