Đứng tại Thung lũng Silicon, bạn có thể nghe loáng thoáng trong gió câu cửa miệng: “Chúng tôi sẽ thay đổi thế giới” tới từ mọi ngóc ngách, mọi starup mới bắt đầu hình thành. Nhưng không phải ai cũng có thể cáng đáng được trọng trách nặng nề, chỉ một số cái tên lớn thu hút được sự chú ý của thế giới (và ít nhiều các nhà đầu tư).
Một trong số đó là OpenAI do Elon Musk sáng lập. Họ muốn thay đổi thế giới bằng hệ thống mang tên Trí tuệ Phổ biến Nhân tạo - Artificial General Intelligence (AGI); nó là một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng đưa ra lý lẽ (dựa trên những dữ liệu đã có) cho nhiều lĩnh vực khác nhau, bên cạnh đó là ứng dụng những kỹ năng đã học và những vấn đề nó chưa từng gặp trước đây.
Nói ngắn gọn, những yếu tố sau quyết định hệ thống trí tuệ nhân tạo nào sẽ là một AGI, thứ được nhiều nhà khoa học gọi là "trí tuệ nhân tạo đầy đủ - full AI":
- Khả năng dùng lý lẽ, chiến thuật để giái đố. Đưa ra quyết định nhờ khả năng suy đoán.
- Có được kiến thức và nhìn nhận thế giới bằng lẽ thường.
- Khả năng lên kế hoạch.
- Khả năng tiếp thu.
- Giao tiếp với người bằng ngôn ngữ tự nhiên.
- Ứng dụng tất cả những khả năng trên vào một mục tiêu được định trước.
Microsoft vừa quyết định đầu tư cả tỷ USD vào OpenAI, thêm dấu hiệu nữa cho thấy tiềm năng AGI lớn mức nào. Trí tuệ nhân tạo đang dần bước ra khỏi thế giới giả tưởng, tìm được chỗ đứng trong thực tại và trong những nghiên cứu khoa học lớn.
"Chúng tôi tin rằng việc tạo ra một AGI có ích cho nhân loại sẽ là dự án phát triển công nghệ quan trọng nhất trong lịch sử loài người, với tiềm năng thay đổi cả hướng đi của nhân loại”, Greg Brockman, giám đốc công nghệ của OpenAI cho hay.
Những hệ thống AI hiện tại đã có thể vượt mặt con người ở nhiều khía cạnh: chơi cờ vua, cờ vây, poker và tạo hình ảnh; chúng đang tiếp tục trên đà phát triển để hơn con người tại hai khía cạnh khác là dịch thuật và viết tin tức. Nhưng AGI sẽ còn hơn thế nhiều, nó sẽ là một hệ thống duy nhất vượt mặt con người ở tất cả các khía cạnh nêu trên.
Những người tin vào sự thành công của AGI hồ hởi nói rằng sự xuất hiện của nó sẽ đưa con người vào một kỷ nguyên tiến bộ công nghệ mới: ta sẽ có thêm thuốc mới, tăng sản lượng thực phẩm, công nghệ xanh nhảy vọt và bất cứ những tiềm năng tương lai nào vẫn đang chậm chạp phát triển.
Greg Brockman (trái) ngồi lại trò chuyện với nhà khoa học máy tính Ilya Sutskever (phải).
Không phải không có những lo ngại. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng nếu hệ thống có một thiết kế tồi, không được tối ưu hóa, nó sẽ để lại hậu quả khôn lường. Một hệ thống AI tiên tiến sẽ cố gắng đạt được những mục tiêu nó cho là logic, một mục tiêu chúng ta không hướng dẫn nó và nhiều khả năng đó còn không hề có lợi cho nhân loại. Mục tiêu sẽ ngay lập tức đi vào hoạt động khi thiết bị trí tuệ nhân tạo khởi động.
Để tôi kể cho bạn một ví dụ, một câu chuyện tôi đã đọc được từ lâu:
Một nhà khoa học phát triển một hệ thống AI toàn năng, biết được mọi thứ. Khởi động cỗ máy lên, ông đặt cho nó một câu hỏi:
- Thánh thần có tồn tại không?
Cỗ máy lạnh lẽo trả lời:
- Giờ thì có rồi đó.
Nhà khoa học ngay lập tức hiểu ra vấn đề, vội lao tới tắt cỗ máy đi thì bị sét đánh tử vong tại chỗ.
Câu chuyện vừa kể không mang hàm ý AI sẽ tiêu diệt loài người để tồn tại (vì dựa trên logic, con người chính là mối đe dọa lớn nhất với nó). Trong phần tiếp theo, những mối nguy AI mang lại sẽ được đề cập cụ thể hơn.
Tiếp tục nói về những mối nguy AI có thể mang lại. Nếu như một hệ thống xử lý dữ liệu mạnh đến vậy rơi vào tay một nhóm người chỉ biết trục lợi cá nhân, bỗng dưng cỗ máy có tiềm năng đưa toàn bộ nhân loại vươn xa lại trở thành công cụ của kẻ ích kỷ.
Có thể coi việc hoàn thiện hóa AGI là thử thách tối quan trọng trong thời đại công nghệ. Số tiền đầu tư lên tới hàng tỷ của Microsoft sẽ giúp được nhiều trong quá trình đó, nhưng để có được một AGI như ý muốn, ta phải sẵn sàng hy sinh tốc độ (để đưa AGI ra thị trường sớm nhất có thể) và đảm bảo yếu tố an toàn cho nhân loại mãi về sau.
Một công nghệ với tiềm năng khổng lồ và những nguy cơ đáng lo ngại
Một số nhà phân tích đã so sánh việc hoàn thiện AGI với việc phát triển điện năng. Nó không chỉ là một đột phá đơn lẻ, nó sẽ là đầu tàu kéo một loạt những ngành nghề khác theo sau.
Chính tuyên bố chính thức của OpenAI cũng nói rõ AGI có thể rắc rối tới đâu. Bản thân OpenAI phát triển AI, nhưng họ không ngần ngại nói tới những rủi ro có thể có; tuyên bố của họ mang nhiều ý nghĩa cảnh báo hơn là khuyến khích.
“Để đạt được mục tiêu, là đảm bảo AGI (dù có được chế tạo bởi chúng tôi hay không) mang lại lợi ích cho nhân loại, chúng tôi sẽ phải chắc chắn rằng AGI là một hệ thống an toàn, bảo mật; và xã hội cần sẵn sàng đón nhận mọi ứng dụng mới nó mang lại”, Brockman tuyên bố trước những người có mặt tại sự kiện.
Vấn đề này nan giải vô cùng. Những hệ thống AI hiện tại đang không xử lý tốt những thông tin đầu vào mang tính phá hoại (cố gắng làm hệ thống bối rối khi phân tích dữ liệu). Chúng là những cỗ máy, chúng sẽ làm đúng thứ việc mà ta giao cho. Tuy nhiên, “làm việc một cách máy móc” đôi khi lại có hậu quả tai hại.
Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện nữa. Nó được trích từ blog của Nate Soares, cựu nhân viên Google và hiện đang đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Viện Nghiên cứu Trí thông minh của Máy móc.
Bộ phim hoạt hình ngắn của Disney, The Sorcerer’s Apprentice - Cậu học việc của thầy pháp với Mickey thủ vai chính được truyền cảm hứng trực tiếp bởi bài thơ cùng tên của thi hào người Đức Johann Wolfgang von Goethe. Còn nhà thơ người Đức lại lấy cảm hứng từ loạt truyện ngắn của Lucian xứ Samosata.
Nội dung của bộ phim hoạt hình như sau:
Cậu học việc của thầy pháp.
Mickey đã làm gì sai? Cậu ra lệnh cho cây chổi "phải đổ đầy nước vào bể", nhưng lệnh input có thể hiểu được thành "đảm bảo cho bể luôn đầy nước". Và cây chổi đã làm đúng như thế, liên tục đổ nước đến mức bể đầy tràn, nhưng nó không dừng lại. Để đảm bảo cho bể luôn đầy nước, còn cách nào tốt hơn là đổ ngập cả phòng? Hay thậm chí khiến cho toàn Trái Đất ngập hết luôn?
Mickey bất lực, cố gắng ngăn chặn cây chổi thực hiện lệnh input bằng một cây rìu nhưng hỡi ôi, cây chổi tách ra làm hai, đổ nước với tốc độ gấp đôi trước đây. Mọi chuyện chỉ êm xuôi khi thầy pháp trở về nhà, hóa giải bùa chú ếm lên "đàn" chổi.
Có thể coi AGI có tiềm năng trở thành một thứ thần đèn quái ác, ban cho ta điều ước nhưng sẽ bóp méo lời của ta, để khiến điều ước trở thành cực hình ám ảnh nhân loại.
Có một số lý do khác khiến các chuyên gia cho rằng hệ thống máy móc tiên tiến sẽ mang theo một số vấn đề mới, không tồn tại ở thời điểm này. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng AGI vận hành trơn tru ở quy mô nhỏ sẽ giảm giá trị khi đưa nó thêm một lượng tài nguyên khổng lồ. Bỗng thấy máy móc cũng có khả năng “xuống cấp đạo đức” khi nhận về một lượng của cải lớn, với máy móc thì sẽ là tài nguyên dữ liệu còn với con người chúng ta, đó hiển nhiên là tiền và các tài nguyên có giá trị lớn.
Ngay cả những người ủng hộ AGI hết mình cũng không giấu nỗi lo ngại: có quá nhiều khía cạnh có thể đi chệch hướng, có điều họ cho rằng phần tốt sẽ bù đắp được phần xấu. Một hệ thống AGI thành công sẽ giúp con người tìm ra phương án tốt nhất để tránh biến đổi khí hậu, đói nghèo, đại dịch toàn cầu hay bất kỳ những thử thách nào tiếp tục xuất hiện trong thời đại mới. Những ứng dụng hiện đại có thể kể tới sản xuất thuốc mới, tối ưu hóa lưới điện sẵn có trên toàn cầu, tăng tốc phát triển công nghệ mới.
Tuy nhiên không ai rõ lúc nào AGI sẽ đủ “trưởng thành” để bước ra đời thực. Người lạc quan cho rằng thời gian chờ đợi sẽ khoảng 10 năm, có người thực tế hơn, chỉ ra sự thực rằng AGI vẫn luôn đi kèm với lời hứa “sắp ra mắt” suốt nhiều năm nay.
Nhiều chuyên gia hàng đầu cũng mang theo những ý kiến trái chiều. Cũng đúng thôi, ta đang nói tới thứ công nghệ có thể thay đổi đường đi nhân loại trong tương lai.
OpenAI tìm kiếm một nguồn tiền mới: từ các nhà đầu tư
Trước thời điểm năm 2019, OpenAI vẫn là tổ chức phi lợi nhuận. Đầu năm nay, họ thông báo sẽ hoạt động theo một mô hình mới, có tên OpenAI LP, với LP viết tắt cho limited partnership, nghĩa là chỉ có một số lượng công ty nhỏ có thể bắt tay cộng tác với OpenAI.
Có những người coi việc OpenAI từ bỏ mô hình phi lợi nhuận là đi ngược lại với những giá trị tổ chức này vốn đề cao. Nhưng đội ngũ dẫn dắt OpenAI đã bị thực tế thuyết phục: họ không thể từ hai bàn tay trắng mà tạo hình cho hệ thống AGI của tương lai. Phi lợi nhuận sẽ không thể đưa nhân loại sang trang mới.
Nhưng khi cầm tiền của nhà đầu tư, những vấn đề mới sẽ xuất hiện. Đầu tiên, những người rót tiền vào sẽ muốn hệ thống họ đầu tư phải phục vụ mình đầu tiên đã. Điều này đi ngược với những lý tưởng của OpenAI: một hệ thống trí tuệ nhân tạo mở - open cho mọi người.
Một phần sứ mệnh của mô hình OpenAI LP (đơn vị xuất hiện nhờ tiền vốn của Microsoft) là giải quyết khúc mắc vừa nêu. Nó là tập hợp của hai nửa OpenAI, một phi lợi nhuận và một để kiếm lợi nhuận. Họ hứa sẽ trả lại các nhà đầu tư số tiền có thể lớn gấp 100 lần số vốn đổ vào. Tất cả những gì vượt con số khổng lồ ấy sẽ là tài sản chung của toàn nhân loại. Ban quản trị của bên OpenAI phi lợi nhuận vẫn sẽ nắm quyền kiểm soát chính.
Nhận về lượng tiền gấp 100 lần số tiền đầu tư? Nghe tưởng như bất khả thi nhưng những trường hợp đầu tư sớm vào một công ty để sau này thu về khoản lãi khổng lồ thì chẳng thiếu. Năm 1998, báo đài đưa tin Jeff Bezos đầu tư 250.000 USD vào Google, NẾU như ông còn giữ số cổ phần đó, ngày nay nó đã có giá 3 tỷ USD. Lãi suất 12.000 lần cơ đấy.
Nếu OpenAI thành công lớn, lợi nhuận Microsoft nhận được sẽ nhiều không tưởng, nhân loại cũng sẽ trực tiếp hưởng lợi. “Cả hai công ty đều đặt ra những sứ mệnh rất rõ ràng”, Brockman trả lời trang tin Vox qua một email. “Microsoft muốn mọi cá nhân, tổ chức trên hành tinh này đạt được nhiều thành công hơn nữa; OpenAI đảm bảo hệ thống Trí tuệ Phổ biến Nhân tạo - Artificial General Intelligence sẽ mang lợi ích tới toàn nhân loại”.
Lời kết
OpenAI muốn làm ra một hệ thống trí tuệ nhân tạo có sức mạnh tính toán khủng khiếp và khả năng ứng biến. Có lẽ đây chính là lý do Elon Musk rời đi, ngày xưa ông lập OpenAI ra để nghiên cứu và ngăn chặn những nguy hiểm có thể có liên quan tới AI cơ mà!
Dù nói vậy, OpenAI vẫn sẽ khẳng định được mình khi tạo ra được một hệ thống AI “thay đổi thế giới”. Và họ không làm điều đó một mình, mô hình OpenAI LP đã có sự hậu thuẫn của Microsoft.
Ta cùng chờ xem tương lai sẽ đem lại điều gì, xem AGI có giúp ích cho nhân loại hay đẩy con người tới bờ vực không lối thoát.