Hiện nay, tài chính số đang trở thành giải pháp hiệu quả để phục vụ người dân từ rừng núi đến biển khơi, từ quê nghèo lên phố lớn, giải quyết hiệu quả bài toán tài chính toàn diện quốc gia nhờ xóa nhòa những rào cản về thu nhập, chi phí và khoảng cách địa lý.
Sự bùng nổ các giải pháp tài chính công nghệ trong tài chính số đã tác động đáng kể đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, làm gia tăng cơ hội mở rộng tiếp cận tài cho người dân, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.
Các sản phẩm, dịch vụ tài chính số, các kênh phân phối ứng dụng công nghệ số (Internet Banking, Mobile Banking, QR Code…) phát triển đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa - những đối tượng là mục tiêu của tài chính toàn diện.
Tuy nhiên, đi cùng với đó là những rủi ro khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là các sản phẩm, dịch vụ tài chính số. Vì vậy, cần có những biện pháp bảo vệ người tiêu dùng.
Báo cáo của Viện Ngân hàng Phát triển châu Á đã chỉ ra các rủi ro khi áp dụng công nghệ tài chính. Đó là khả năng dễ bị tấn công mạng và tính pháp lý của các quyết định khi áp dụng. Vì vậy, muốn đạt được thành quả tích cực, chất lượng thể chế đóng vai trò quan trọng để hóa giải thách thức về kỹ thuật và hạ tầng pháp lý, hướng tới mục tiêu phát triển con người.
Nhiều chuyên gia đề xuất những kiến nghị về cơ chế chính sách tạo đòn bẩy cho việc gia tăng bao phủ dịch vụ tài chính chính thức cũng như chuyển đổi số dịch vụ tài chính thông qua việc kiến tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
Theo Viện Chiến lược Ngân hàng, các lỗ hổng quy định pháp lý của hoạt động fintech như cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng, tiền kỹ thuật số, thanh toán không dùng tiền mặt, chia sẻ và bảo mật thông tin cần nhanh chóng được xử lý.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo nền tảng quan trọng cho phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, nền kinh tế số; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin - viễn thông; đẩy mạnh phát triển nhân lực số ngành ngân hàng.
Thêm nữa, cần tạo lập thị trường cung ứng dịch vụ tài chính lành mạnh, minh bạch, hỗ trợ bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Trong đó, hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng tài chính; chú trọng đến cơ chế giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính, trong đó chú trọng tạo dựng một hạ tầng tài chính thiết lập chung các tiêu chuẩn, quy tắc và thủ tục giảm thiểu rủi ro cho nhà cung cấp và người dùng. Đẩy mạnh an ninh, an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn bảo mật mới, bảo đảm thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và chi phí hợp lý. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, nhằm tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, rửa tiền.
Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền về những rủi ro khi sử dụng các dịch vụ tài chính số, giúp người tiêu dùng tài chính tự mình hoặc sử dụng hiệu quả các cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.