Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Trưởng ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) Ngô Thị Thùy Linh xung quanh vấn đề này.

pho-truong-ban-quan-ly-rui-ro-tong-cuc-thue-ngo-thi-thuy-linh..jpg
Phó Trưởng ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) Ngô Thị Thùy Linh.

Cần thiết áp dụng chương trình quản lý rủi ro

Việc quản lý thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so với truyền thống do tính phức tạp, đa dạng và tính toàn cầu của hoạt động kinh tế. Bà có thể chia sẻ về vấn đề này?

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ của internet và các nền tảng số, đã tạo ra nền kinh tế số đầy tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng số, khiến cho việc theo dõi, kiểm soát và quản lý trở nên khó khăn hơn. Số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng, quy mô hoạt động ngày càng lớn, tính chất hoạt động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, như: Nguy cơ không tuân thủ pháp luật về thuế, phí, lệ phí; kê khai thuế không trung thực; gian lận hoàn thuế; bỏ trốn hoặc tẩu tán tài sản để trốn nghĩa vụ thuế…

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, hiện tại cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh và 27 triệu cá nhân thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chắc chắn số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ ngày càng tăng lên.

Để bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước cần những giải pháp quản lý nào phù hợp, hiệu quả, thưa bà?

Hiện nay, cơ chế doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp thuế là phương thức quản lý thuế được xây dựng dựa trên nền tảng là sự tuân thủ của doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan thuế quản lý, giám sát theo phương thức phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ. Quản lý rủi ro tuân thủ là phương thức hiện đại, được nhiều nước áp dụng, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, người nộp thuế tăng nhanh, tính chất hoạt động ngày càng phức tạp. Việc áp dụng quản lý thuế theo rủi ro giúp cơ quan thuế phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, tập trung quản lý nhóm doanh nghiệp có mức độ tuân thủ thấp nhất, khả năng gian lận thuế cao nhất, từ đó giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời vi phạm, nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của tổ chức, doanh nghiệp.

Bà có thể cho biết, ngành Thuế đã áp dụng quản lý thuế theo phương thức trên như thế nào?

Tổng cục Thuế chú trọng quản lý rủi ro tuân thủ thuế bắt đầu từ việc ban hành khung pháp lý. Hiện nay, cơ bản khung pháp lý đã đầy đủ. Tiếp đó, chúng tôi quản lý dữ liệu theo cơ chế tập trung. Dữ liệu thuế được chuyển từ các địa phương về Tổng cục Thuế. Tổng cục Thuế thu thập dữ liệu từ các nguồn, như: Đăng ký kinh doanh, hồ sơ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, sử dụng hóa đơn điện tử… Ngoài ra, ngành Thuế phối hợp với Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, ngân hàng và các cơ quan khác để thu thập, trao đổi thông tin phục vụ phân tích rủi ro, đánh giá lịch sử tuân thủ.

nguoi-dan-lam-thu-tuc-hanh-chinh-tai-chi-cuc-thue-quan-dong-da.-anh-nguyen-quang.jpg
Người dân làm thủ tục hành chính tại Chi cục Thuế quận Đống Đa. Ảnh: Nguyễn Quang

Ngành Thuế cũng xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số và quy trình quản lý rủi ro, từ việc lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro, từ đó xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của tổ chức, doanh nghiệp; lựa chọn hồ sơ khai thuế có dấu hiệu rủi ro nhằm kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế đến quản lý rủi ro hóa đơn, chứng từ, phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng để xây dựng kế hoạch kiểm tra sau hoàn thuế...

Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý cá nhân, hộ kinh doanh, dự kiến sẽ ban hành trong năm nay.

Để triển khai được các bộ chỉ số tiêu chí này, ngành Thuế đã xây dựng ứng dụng phân tích rủi ro tự động, đánh giá tuân thủ, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý thuế phù hợp. Nhóm tổ chức, doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ (rủi ro thấp) sẽ được ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong kê khai, nộp thuế, hoàn thuế… Nhóm luôn cố gắng tuân thủ (rủi ro trung bình) sẽ được hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể. Nhóm có xu hướng tránh né, không tuân thủ (rủi ro cao) cần được thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nhóm hoàn toàn không tuân thủ (rủi ro rất cao) sẽ có các chế tài xử lý phù hợp.

Trước yêu cầu chuyển đổi số, chúng tôi bước đầu nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ pháp luật thuế. Với trí tuệ nhân tạo, chúng tôi có thể phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử để phát hiện rủi ro giá bất thường, chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro.

Giảm chi phí tuân thủ của tổ chức, doanh nghiệp

Với những giải pháp ngành Thuế đã triển khai như trên, kết quả đạt được như thế nào, thưa bà?

Thứ nhất, hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu quản lý thuế hiện đại.

Thứ hai, việc kiểm tra, thanh tra hiệu quả hơn, tiết kiệm đáng kể chi phí, nguồn lực; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật.

Thứ ba, hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng được phân loại tự động, không có sự can thiệp của con người, bảo đảm khách quan, công bằng.

Thứ tư, việc sử dụng hóa đơn, chứng từ được quản lý chặt chẽ, hạn chế tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Thứ năm, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, giảm chi phí quản lý thuế và chi phí tuân thủ của tổ chức, doanh nghiệp.

Quá trình áp dụng quản lý rủi ro thuế hiện nay có gặp bất cập gì không, thưa bà?

Việc quản lý rủi ro mới được áp dụng tại một số nghiệp vụ đơn lẻ nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết, mà chưa có hệ thống quản lý toàn diện về phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ thuế. Ngoài ra, cơ cấu tổ chức bộ máy cũng như việc trao quyền và trách nhiệm quản lý rủi ro chưa phù hợp, chưa tương xứng với công tác quản lý rủi ro trong giai đoạn hiện nay.

Để thực hiện phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ pháp luật thuế một cách đồng bộ và hiệu quả hơn, bà có thể cho biết giải pháp trong thời gian tới là gì?

Tôi cho rằng, việc áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ thuế chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi xây dựng được cơ sở dữ liệu bảo đảm chính xác, đầy đủ và kịp thời; xây dựng được bộ chỉ số tiêu chí bảo đảm nhận diện được đầy đủ các dấu hiệu rủi ro và phải được thực hiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin phân tích dữ liệu lớn tự động.

Vì vậy, trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định nhằm thúc đẩy sự tuân thủ của người nộp thuế. Cùng với đó là xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quản lý tuân thủ tổng thể, toàn diện, với các công cụ thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển của công nghệ; đồng thời hoàn thiện hệ thống trung tâm phân tích dữ liệu, gồm: Tổ chức hệ thống phân tích dữ liệu theo thời gian thực, bố trí các máy chủ bảo đảm lưu trữ các dữ liệu cần cho phân tích rủi ro; triển khai các phần mềm hệ thống cho cơ sở dữ liệu lớn, phần mềm hệ thống thao tác cơ sở dữ liệu, phần mềm hệ thống hỗ trợ chạy phân tích dữ liệu.

Ngoài ra, chúng tôi xây dựng bộ chỉ số tiêu chí áp dụng phân tích rủi ro quản lý tuân thủ tổng thể với đầy đủ các chức năng nghiệp vụ; kết hợp giữa kết quả phân tích dữ liệu thực tế kê khai của tổ chức, doanh nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn. Thông qua việc xây dựng bộ chỉ số tiêu chí phân tích rủi ro, kết quả thanh tra, kiểm tra người nộp thuế kết hợp với quản lý trực tiếp để đánh giá mức độ tuân thủ đối với từng phân đoạn người nộp thuế (theo quy mô, sắc thuế, khâu quản lý thuế, loại hình kinh tế, ngành nghề kinh doanh…).

Bên cạnh đó, bộ phận quản lý rủi ro được củng cố với địa vị pháp lý đủ tầm, bảo đảm đủ nguồn lực, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ và năng lực thực tế làm đầu mối chủ trì việc xây dựng và thực hiện chương trình quản lý rủi ro tuân thủ tổng thể ngành Thuế.

Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Hương Thủy (Báo Báo Hànộimới)