Theo TS. Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, vấn đề dân tộc gắn với tín ngưỡng, tôn giáo vùng DTTS là vấn đề nhạy cảm, luôn bị các thế lực chống đối triệt để lợi dụng để thực hiện mục tiêu chống phá Việt Nam.
Trong khi đó, đời sống của đồng bào DTTS còn khó khăn; trình độ văn hóa và nhận thức còn thấp nên dễ bị tác động, lôi kéo, tin theo luận điệu xuyên tạc. Bản sắc văn hóa truyền thống bị mai một nhưng lại “đón nhận” các loại hình văn hóa bên ngoài, trong đó không ít loại thiếu lành mạnh.
TS Lê Thị Liên nhấn mạnh, vùng DTTS đang đứng trước thách thức về sự cạnh tranh trong môi trường truyền giáo của các tôn giáo. Người dân dễ dàng bỏ tín ngưỡng truyền thống sang theo các đạo mới, lạ. Kéo theo đó là tình trạng cải đạo, tranh giành tín đồ, địa bàn và phạm vi ảnh hưởng giữa các tôn giáo, tín ngưỡng tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Khoảng trống tâm linh xuất hiện thì tôn giáo sẽ truyền đến và phá vỡ biên giới lãnh thổ về mặt tôn giáo dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ về an ninh, quốc phòng nếu không được kiểm soát.
Bên cạnh đó, các thế lực cực đoan lợi dụng tôn giáo vào các hoạt động ly khai, tự trị. Hoạt động của các “hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo, đạo lạ” liên tục thay đổi phương thức hoạt động với tên gọi thuần túy khó phân biệt. Hoạt động truyền giáo trên không gian mạng đang vượt qua các giới hạn về không gian, thời gian mà vùng DTTS là vùng khó kiểm soát nhất. Tình trạng đồng bào di cư tự do giữa các vùng, miền ảnh hưởng đến môi trường sống, tạo áp lực trong quản lý xã hội và quản lý hoạt động tôn giáo…
Trong bối cảnh đó, TS Lê Thị Liên cho rằng, công tác tôn giáo, dân tộc cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, Trung ương và địa phương. Trong đó, công tác tôn giáo cần tập trung vào việc: Quán triệt và thực hiện tốt hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước về tôn giáo tới cán bộ, chức sắc, tín đồ và người dân. Quá trình thực thi pháp luật cần đảm bảo đúng chủ trương, chính sách và khai thác những điểm tương đồng, giá trị đạo đức, nguồn lực của tôn giáo góp phần ổn định tình hình tôn giáo và đóng góp vào phát triển vùng. Hạn chế những dị biệt, cản trở, mâu thuẫn xung đột liên quan đến hoạt động tôn giáo thuần túy trong vùng.
Thực hiện tốt việc tuyên truyền và phổ biến Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các luật chuyên ngành đến cán bộ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo giúp họ nâng cao tính tự giác trong chấp hành pháp luật và để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc để phá hoại thành quả cách mạng của nhân dân Việt Nam. Để thực hiện tốt các giải pháp chung và giải pháp cụ thể thì việc đảm bảo cơ chế, bộ máy và nhân lực thực hiện cần được quan tâm hơn nữa.
Các giải pháp trên không chỉ đảm bảo hoạt động tôn giáo đúng qui định, tạo môi trường ổn định, đảm bảo an ninh khu vực, nhất là tuyến biên giới mà còn đảm bảo cuộc sống người dân. Làm cho tín đồ, chức sắc thấy được trách nhiệm và quyền lợi của họ đối với phát triển vùng, không tạo cớ để các thế lực phản động lợi dụng niềm tin tôn giáo gây bất ổn.
"Phát huy ảnh hưởng tích cực của tôn giáo còn nhằm tạo đồng thuận xã hội, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc - tôn giáo tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS từ chính nội lực của người dân', TS Lê Thị Liên lưu ý.