Để hướng tới một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và có thể độc lập, không bị phụ thuộc vào kinh tế nước ngoài, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng nên đề cập rõ đến cơ khí chế tạo với tầm nhìn dài hạn để từ đó xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí chế tạo với tư duy mới. Ảnh minh họa. |
Bàn về giải pháp phát triển ngành cơ khí chế tạo, ông Phùng Quốc Hiển, Phùng Quốc HiểnỦy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội góp bàn: Để hướng tới một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và có thể độc lập, không bị phụ thuộc vào kinh tế nước ngoài, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng nên đề cập rõ đến cơ khí chế tạo với tầm nhìn dài hạn để từ đó xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí chế tạo với tư duy mới.
Chúng ta sẽ không chỉ phát triển cơ khí phụ trợ, cơ khí ôtô mà còn phải phát triển cơ khí biển, cơ khí đường sắt, cơ khí nông nghiệp, luyện kim hay các ngành phục vụ cơ khí khác. Phải khai thác được thế mạnh, lợi thế so sánh của nền kinh tế, thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.
Trong bài viết đăng trên tờ Tạp chí Cộng sản, ông Hiển nói rõ: về phía Nhà nước, vai trò “bà đỡ” đối với ngành cơ khí chế tạo là rất cần thiết, nếu không nói là vô cùng quan trọng. Ngành cơ khí chế tạo Việt Nam nếu không có sự giúp đỡ của Nhà nước thì không thể phát triển, tuy nhiên, sự hỗ trợ đó phải phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh lành mạnh trong một môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng. Do đó, cần lựa chọn các chính sách “bảo hộ mềm” thông qua chính sách thuế, tín dụng, cơ chế đặt hàng của Nhà nước, kể cả đối với sản phẩm cơ khí quốc phòng, đào tạo nguồn nhân lực hay hàng rào kỹ thuật hợp lý,... giúp cho ngành cơ khí chế tạo trong nước phát triển.
Vốn là nước có trình độ khoa học - kỹ thuật và thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, song Chính phủ Mỹ có chủ trương, chính sách để phục hồi một số lĩnh vực cơ bản. Ví dụ điển hình là sự phục hồi của Trung tâm Công nghiệp ô-tô ở thành phố Đơ-troi (Detroit), cái nôi của ba đại gia sản xuất xe hơi Mỹ là Ford, Chrysler và General Motors sau khi Mỹ tiến hành thay đổi chính sách đối với ngành ô-tô, Tổng thống Đô-nan Trăm (D. Trump) yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ điều tra tác động của việc nhập khẩu xe hơi đối với an ninh quốc gia.
Quốc hội và Chính phủ cần có các quy định pháp luật, chính sách, cơ chế cụ thể cho ngành cơ khí chế tạo trong nước khi thẩm tra, quyết định các công trình trọng điểm quốc gia có sử dụng ngân sách nhà nước, như các dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ USD và phải xác định mục tiêu là ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam sẽ tham gia bao nhiêu phần trăm giá trị xây lắp, chế tạo và sau các dự án này sẽ nâng tầm của ngành cơ khí chế tạo. Đó là những cơ hội lớn mà ngành cơ khí chế tạo Việt Nam không thể bỏ lỡ. Và cho dù chúng ta đã có quá nhiều các ban chỉ đạo, nhưng với tầm quan trọng của cơ khí chế tạo vẫn cần mạnh dạn đề nghị Chính phủ sớm thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về phát triển cơ khí chế tạo.
Chúng ta cũng nên tập trung lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm thay vì làm một lúc nhiều chủng loại. Ngành dầu khí nên đầu tư làm giàn khoan biển, đóng tàu chở dầu cỡ lớn, ngành khoáng sản đầu tư sản xuất máy khai thác quặng, tuyển khoáng... Có thể nghiên cứu những chính sách về vốn và thuế để giảm lãi suất vay đầu tư cơ khí xuống dưới 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp cơ khí chế tạo còn 10% - 15%, thấp hơn so với thuế suất phổ thông, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có cơ hội bứt phá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, Nhà nước nên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không nên đầu tư dàn trải. Trong giai đoạn đầu, có thể tập trung ưu tiên vào lĩnh vực chế tạo nguyên liệu đầu vào, như các sản phẩm đúc, rèn và thép chế tạo, giúp chủ động về nguyên liệu và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Các sản phẩm, lĩnh vực chủ yếu mà ngành cơ khí Việt Nam nên được chú trọng có thể là máy công cụ, máy động lực, máy kéo và máy nông nghiệp, thiết bị toàn bộ, cơ khí xây dựng, thiết bị điện, cơ khí ô-tô, đường sắt và công nghiệp tàu thủy,...
Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và Tổng hội Cơ khí Việt Nam là hai tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tập hợp các doanh nghiệp, chuyên gia, những người tâm huyết với ngành cơ khí chế tạo của đất nước cần phải làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp cơ khí chế tạo với Nhà nước, nắm bắt tình hình để tham mưu cho Nhà nước ban hành chính sách và đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cơ khí trên cơ sở những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về chính sách thuế, tạo bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp cơ khí; làm cầu nối giữa các doanh nghiệp với nhau, bảo vệ lợi ích và quyền lợi chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cơ khí chế tạo cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, xây dựng một triết lý kinh doanh phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế số trên nền tảng của ý chí và khát vọng, thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí chế tạo phù hợp với thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; có cách đi phù hợp, kết hợp giữa “kế thừa” và “đi tắt đón đầu” một cách hợp lý. Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất, chiếm lĩnh thị trường; đoàn kết, lựa chọn “con chim đầu đàn” để cùng hợp lực tạo ra hướng đi mới theo hướng “buôn có bạn, bán có phường”, tạo nên chuỗi giá trị sản xuất, bởi chỉ liên kết tốt mới tạo ra sức mạnh, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Các doanh nghiệp cơ khí cần tiếp tục vươn lên làm chủ khoa học - công nghệ mới, vốn và thị trường, ba yếu tố quyết định sự thành công của ngành cơ khí chế tạo; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam; tạo lập và gắn kết mối quan hệ liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và thị trường, trong đó lấy thị trường làm trung tâm; xây dựng thương hiệu, truyền thông, quảng bá cũng là những vấn đề mà doanh nghiệp cơ khí chế tạo hiện đại không thể không quan tâm.(lược trích)