- Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, ông Nguyễn Hoàng Anh khẳng định: Muốn quản lý tốt lĩnh vực khoáng sản ở Cao Bằng phải có giải pháp căn cơ, giải pháp tận gốc chứ không phải giải pháp tình thế!

“DN làm mỏ không có hòa, chỉ có lãi!”

- Thưa ông, từ năm 2010 đến nay, công tác quản lý, cấp phép, khai thác khoáng sản tại Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến. Hiệu quả của những chuyển biến này là gì?

Ông Nguyễn Hoàng Anh: "DN làm mỏ không có hòa, chỉ có lãi!"

Hai năm qua (từ khoảng giữa 2010 đến nay – p.v), Cao Bằng đã dừng cấp mới tất cả các dự án xin khai thác mỏ, tập trung việc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá lại tình hình cấp phép, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Việc này được tiến hành nghiêm túc và chặt chẽ.

Đối với những dự án vẫn còn thời hạn và đang tiến hành khai thác, tiến hành đánh giá lại tất cả các dự án xem hiệu quả khai thác như thế nào, có tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên hay không, mục tiêu dự án phục vụ mục đích gì…?

 Những dự án chậm tiến độ, khai thác không hiệu quả gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường… sẽ bị thu hồi. Trên thực tế, Cao Bằng đã tiến hành thu hồi nhiều dự án không có hiệu quả kinh tế và không thực hiện theo đúng cam kết trong hồ sơ dự án.

- Một trong những điều kiện bắt buộc để được cấp phép khai khoáng, doanh nghiệp phải có nhà máy chế biến sâu. Khi triển khai, những dự án chế biến sâu này có mang lại hiệu quả thực sự, thưa ông?

Đây là chủ trương chung chứ không phải riêng của Cao Bằng, và đã được Cao Bằng thực hiện trước năm 2010. Ngoài ra, nhiều điểm mỏ Sở TNMT cũng tiến hành đấu thầu công khai. Việc đấu thầu này mang lại nguồn thu nhiều hơn cho ngân sách nhà nước và tăng trách nhiệm đối với khai thác điểm mỏ của chính doanh nghiệp.

Đối với các dự án chế biến sâu (các nhà máy luyện kim), nhiều dự án chỉ tồn tại trên giấy, đắp chiếu để đấy. Những dự án này Cao Bằng sẽ có hướng xử lý. Nhiều dự án đang vận hành hiệu quả không cao, vì hầu hết sử dụng dây chuyền, công nghệ chế biến lạc hậu của Trung Quốc.

Cao Bằng đã thuê chuyên gia nước ngoài đến thẩm định, đánh giá về chất lượng, hiệu quả của những công nghệ chế biến này, sẽ có báo cáo vào cuối tháng 10/2011.

"Mua bán, vận chuyển quặng thô khai thác trái phép là vi phạm pháp luật!"
 

Một nguyên tắc mà ai cũng biêt: khai thác khoáng sản từ dưới lòng đất bán đi đã có lãi. Do đó, nếu sản xuất (chế biến sâu) thì không có hòa và lỗ, phải có lãi. DN lập dự án xin mỏ kèm theo dự án chế biến sâu thì phải đầu tư vốn.

Nếu anh không đủ năng lực phải tiến hành cổ phần, liên doanh liên kết là việc tất yếu. Tỉnh đang có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án chế biến sâu để khoáng sản mang lại hiệu quả kinh tế chứ không phải tình trạng ăn xổi.

- Một trong những tồn tại của vấn đề khoáng sản, đó là tình trạng xuất lậu quặng thô. Đó có phải là do các nhà máy chế biến trong tỉnh đã thừa nguyên liệu đầu vào hay không, thưa ông?

Rất nhiều nhà máy kêu thiếu. Trước đây, muốn được cấp mỏ phải có nhà máy chế biến. Nhiều chủ dự án không thăm dò trữ lượng nên dẫn đến việc thiếu nguyên liệu khi vận hành.

Có một thực tế là các doanh nghiệp bán quặng cho nhau, nhưng lại nảy sinh một vấn đề: nếu mua theo giá thị trường thì DN chế biến sâu sẽ mất thêm chi phí đầu vào. Nếu thấp hơn giá thị trường thì DN khai thác lại không bán. Trong khi đó, giá thu mua quặng thô của Trung Quốc cao hơn nhiều so với Việt Nam.

Trong vấn đề này cần có sự phân khúc rõ ràng: DN khai thác phải nộp thuế theo sản lượng khai thác; còn chế biến sâu sẽ có những ưu đãi dành cho chế biến sâu, không thể lấy ưu đãi của chế biến sâu làm bình phong cho việc khai thác.

Do đó, bài toán đặt ra vãn là hiệu quả của công nghệ chế biến.

Xuất quặng thô là trái pháp luật

- Một trong những ưu đãi mà Cao Bằng dành cho các DN chế biến sâu mấy năm trước đây, đó là cấp quota cho DN bán quặng thô sang Trung Quốc để đổi lấy than cốc (nhiên liệu vận hành nhà máy chế biến). Thực tế này còn được duy trì hay không, vì rất nhiều DN lợi dụng quota này để hợp pháp hóa xuất quặng thô?

"Quản lý tận gốc của vấn đề cần giải pháp căn cơ. Người dân sống trên vùng có khoáng sản cũng phải được hưởng lợi. Cốt yếu là hài hòa các lợi ích!"
 

Hai năm nay Cao Bằng đã dừng cơ chế này. Những hành vi xuất quặng thô qua biên giới (dù chính ngạch hay tiểu ngạch) đều vi phạm pháp luật. Cao Bằng không hạn chế việc mua bán quặng trong nội địa.

Cao Bằng đang đề nghị Bộ Công thương xin giữ lại hai DN nhà nước không cho cổ phần hóa. Đây sẽ là mô hình DN hoạt động công ích, trong đó sẽ khai thác hiệu quả của khoáng sản.

Những điểm mỏ nào không có khả năng khai thác, một là sẽ thu hồi, hai là chủ mỏ phải liên doanh liên kết với doanh nghiệp này, tỷ lệ ăn chia cụ thể. Phần lợi nhuận kinh tế này nhằm phục vụ các công trình phúc lợi.

Phải quản lý căn cơ và người dân phải được hưởng lợi!

- Đối với những điểm mỏ quy mô vừa và nhỏ không có khả năng khai thác công nghiệp sẽ được quản lý như thế nào thưa ông, vì đây là gốc của tình trạng khai thác thổ phỉ, khai thác trái phép?

Đây là một trong những đặc điểm của phân bố khoáng sản tại Cao Bằng: nhiều loại khoáng sản, phân bố trên diện rộng và quy mô nhỏ. Những điểm mỏ này không có giá trị khai thác công nghiệp, nhưng nếu không khai thác thì người dân sẽ vẫn tiến hành khai thác lén lút, trái phép… sinh ra tình trạng khai thác thổ phỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Vấn đề này đang có phương án: sẽ giao cho cấp cơ sở (cấp huyện, cấp xã). DN muốn khai thác phải kết hợp với địa phương, đóng góp ngân sách cho địa phương, khai thác hết rồi thì phải hoàn thổ. Một điểm mỏ như thế, nếu cho khai thác thì 1-2 năm là xong, nhưng nếu không khai thác, dân khai thác tự phát kéo dài vài ba năm, chính quyền mất thời gian đi dẹp, mà dẹp khai thác tự phát thì không khác gì bắt cóc bỏ đĩa.

Vì thế, quản lý tốt vấn đề khoáng sản ở Cao Bằng phải là giải pháp căn cơ, trong đó quan trọng nhất là giải pháp tận gốc. Người dân ở trên vùng có khoáng sản, người dân cũng phải được hưởng lợi, nhưng đã làm thì phải làm nghiêm, làm tốt, phải theo đúng cam kết thì tỉnh cho làm. Ai làm tốt hơn thì sẽ được cấp phép cho làm.

Điều quan trọng, là phải bảo đảm hài hòa lợi ích.

- Xin cảm ơn ông!

- Ngày 27/9/2011, lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng đã tiến hành cưỡng chế đốt 7 lán trại của người dân khai thác tự phát dọc con suối Pác Bó, xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình.

- Từ đầu năm 2011 đến nay, Cao Bằng đã ban hành nhiều văn bản nhằm siết chặt công tác quản lý, cấp phép, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh: Công văn số 2707/UBND-CN ngày 24/12/2010 về việc giải tỏa hoạt đông khoáng sản trái phép; Công văn 131/CV-VP ngày 28/02/2011 về việc quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tình; QĐ số 473/QĐ-UBND ngày 15/3/2011 về việc ban hành quy định tạm thời xử lý vi phạm khoáng sản; QĐ 674/QĐ-UBND ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định đề án khảo sát, thăm dò; Báo cáo kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản; QĐ số 1594/QĐ-UBND ngày 19/10 về quy chế phòng chống tham nhũng trong hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Cao Bằng…


Kiên Trung (thực hiện)