Là một huyện miền núi, nằm ở phía tây nam tỉnh Yên Bái, Văn Chấn, có địa hình phức tạp, nhiều rừng, núi, hang động, suối khe chằng chịt. Đây cũng là vùng đất hội tụ của nhiều văn hóa với 18 dân tộc anh em cùng sinh sống. Sự đa dạng đem đến cho Văn Chấn nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức trong công cuộc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. 

Năm 2024, huyện Văn Chấn phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,56%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 33%, giải quyết việc làm cho 2.730 lao động. Cụ thể, phát triển kinh tế - xã hội địa phương 610 lao động; vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm 120 lao động; xuất khẩu lao động 240 lao động; cung ứng lao động đi tỉnh ngoài 1.760 lao động. Chuyển dịch 1.200 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

W-yen bai dan toc mien nui giam ngheo.jpg
Người dân Văn Chấn, Yên Bái được hỗ trợ các mô hình sinh kế, có được nguồn thu nhập ổn định, dần thoát nghèo bền vững.

Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, huyện Văn Chấn đã kết hợp với nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức đào tạo nghề trên địa bàn để có hướng đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tiễn, đặc biệt chú trọng tới các ngành là thế mạnh của huyện. 

Bên cạnh đó, huyện cũng chủ động trong việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông, thu hút học sinh tham gia học nghề ở các cấp trình độ.

Sự tập trung đúng đắn cùng với các chương trình đầu tư hệ thống đường giao thông, thủy lợi, cơ sở khám chữa bệnh, trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên cho các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Văn Chấn đang dần khoác áo mới cho quê hương.