Ngành Thuỷ sản Việt Nam là ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước với quy mô ngày càng mở rộng, đạt tốc độ tăng trưởng cao, tạo ra giá trị sản xuất lớn. 

Trong tham luận gửi tới Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” được tổ chức mới đây, đại diện Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong 5 năm (2018-2022), sản lượng thủy sản tăng từ 7,9 triệu tấn lên 9,1 triệu tấn. Sản phẩm thủy sản được xuất khẩu tới 53 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8,5 tỷ USD lên 10,6 tỷ USD, tương ứng gần 3% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước. Cơ cấu ngành thuỷ sản được thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, sản phẩm có giá trị cao, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. 

Tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2022 đạt 3,87 triệu tấn vào năm 2022, giảm 1% so với năm 2020 là 3,89 triệu tấn (thời điểm trước triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021), trong đó khai thác hải sản là 2,86 triệu tấn (giảm 1% so với năm 2020). Đây là kết quả bước đầu trong triển khai định hướng Chiến lược là giảm dần cường lực khai thác để đạt mục tiêu vào năm 2030 sản lượng khai thác thủy sản đạt 2,8 triệu tấn.

Tính đến năm 2022, tổng số tàu cá hoạt động là 89.722 chiếc, giảm 2,9% so với năm 2021 (92.422 chiếc) và giảm 5,1% so với năm 2020 (94.572 chiếc). Cơ cấu tàu thuyền khai thác theo chiều dài tàu: tàu từ 6 đến dưới 12m là 43.000 chiếc (giảm 6,4% so với năm 2020); tàu từ 12 đến dưới 15m là 17.000 chiếc (giảm 7,7%); tàu từ 15 đến dưới 24m là 27.100 chiếc (giảm 1,7%); tàu từ 24m trở lên là 2.622 chiếc (cơ bản bằng với năm 2020).

4 giam cuong luc khai thac nghe ca ok.jpg
Việt Nam đang đạt những kết quả bước đầu trong triển khai Chiến lược phát triển thủy sản là giảm dần cường lực khai thác.

Thông tin từ Cục Thủy sản cũng cho biết, cơ cấu tàu theo nghề cũng có sự thay đổi: tàu nghề lưới kéo có 14.000 tàu (giảm 7%); tàu nghề lưới vây có 7.200 tàu (giảm 0,2%); tàu nghề lưới rê có 30.800 tàu (giảm 7,3%); tàu nghề câu có 14.300 tàu (giảm 1,5%); tàu nghề câu cá ngừ đại dương có 2.100 tàu (giảm 1,5%); các nghề khác có 18.272 tàu (giảm 5,3%); tàu dịch vụ hậu cần có 3.050 tàu (giảm 2,5%).

Về số lượng tổ đội, nghiệp đoàn tham gia khai thác trên biển cũng có sự biến động rõ ràng, năm 2022 số lượng tổ đội khai thác trên biển là 4.800 tổ đội (tăng 13,6% so với năm 2020) với 38.000 tàu (tăng 28,4%) và khoảng 200.000 lao động (tăng 11,4%) tham gia sản xuất trên biển.

Công tác quản lý cảng cá đã được triển khai từ Trung ương đến địa phương, đã công bố mở 80 cảng cá đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật (bao gồm: 03 cảng cá loại I, 60 cảng cá loại II và 17 cảng cá loại III); công bố 53 cảng cá đủ điều kiện hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; 62 cảng cá cho tàu cá vùng khơi cập cảng; đã có 74 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được công bố năm 2023 (gồm: 16 khu cấp vùng, 52 khu cấp tỉnh, 03 khu khác) với tổng sức chứa khoảng 47.000 tàu cá neo đậu.

Thời gian qua, các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ về khai thác thủy sản đã được ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả, góp phần làm tăng sản lượng khai thác hải sản hàng năm cũng như phục vụ cho việc triển khai các chương trình khai thác hải sản xa bờ, chương trình tái cơ cấu ngành thủy sản. Trong đó, các nghiên cứu đã tập trung vào: nghiên cứu và cải tiến ngư cụ, quy trình kỹ thuật khai thác phục vụ sản xuất; nghiên cứu về các trang thiết bị phục vụ khai thác; nghiên cứu ứng dụng ngư cụ chọn lọc phục vụ cho công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Các nghiên cứu đã mang lại nhiều kết quả đáng kể khi ứng dụng vào thực tế sản xuất.

Bên cạnh việc tổ chức sản xuất, tàu cá và lực lượng ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân khai thác xa bờ đã có những đóng góp quan trọng trong các hoạt động huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước ta. 

Huệ Anh