Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Đại tá Đinh Ngọc Khoa không giấu niềm vui vì tới 0h ngày 4/3, xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) vượt thời hạn cách ly, các trường hợp dương tính đã được chữa khỏi.

XEM CLIP: 

Sơn Lôi có gần 1 vạn dân, ở vị trí cửa ngõ các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc.

Mỗi ngày, hàng ngàn công nhân đi qua đây để đến nơi làm việc. Trong làng, nhiều bà con làm nhà trọ cho công nhân thuê.

"Theo quy định của Bộ Y tế, một xã có 2 người dương tính với Covid-19 đã được coi là vùng dịch. Sơn Lôi có tới 6 trường hợp dương tính thì cách ly sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó” - Đại tá Khoa nói.

Trong thời gian cách ly, người dân Sơn Lôi không đơn độc bởi có cán bộ, bác sỹ, lực lượng quân đội, công an đồng hành....

{keywords}
 

 

{keywords}
Đại tá Đinh Ngọc Khoa (trái) kiểm tra tại chốt ra vào xã Sơn Lôi

Chia sẻ từ "điểm nóng" Sơn Lôi, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: Xã có hơn 1 vạn dân, chưa kể hàng trăm công nhân trọ nghỉ. Xã nằm ở vị trí trung điểm của nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy... nên mật độ qua lại rất lớn.

Những ngày đầu khi bắt đầu thực hiện cách ly, có 12 lối vào xã nên phải bố trí 12 điểm chốt giữ. Bà con ở trong làng vẫn đi làm đồng bình thường, có nhiều đường nội đồng, nếu không giám sát chặt thì không thể kiểm soát được.

{keywords}
Bà con vẫn ra đồng hàng ngày 

Chính vì thế, bên cạnh điểm chốt cố định, lực lượng cơ động đi tuần 24/24h kiểm tra, nhắc nhở để người dân hợp tác phòng chống dịch bệnh. 

Nhớ lại những ngày đầu lập chốt, Đại tá Khoa cho hay, có những trường hợp dù có người thân bị dương tính nhưng vẫn không chịu thực hiện cách ly theo quy định. Các chiến sỹ phải kiên trì thuyết phục, vận động, bà con mới hợp tác. 

"Đến giờ phút này, tôi có thể thở phào được rồi..."

Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, có những thời điểm phải huy động tới 500 cán bộ chiến sỹ công an chốt giữ các điểm ra vào Sơn Lôi. 

Lựa chọn những người làm nhiệm vụ ở xã có những tiêu chuẩn riêng: Phải có sức khỏe, có tinh thần trách nhiệm, không ngại vất vả…

“Anh em làm nhiệm vụ ở vùng dịch đồng nghĩa với việc chính họ cũng phải cách ly với người thân, gia đình mình. Đồn công an khu công nghiệp Bá Thiện được trưng dụng để đặt trụ sở Ban chỉ huy chống dịch.

Hàng ngày, những chiến sỹ hết ca trực thì về đó ăn nghỉ, tắm giặt, vệ sinh cá nhân". 

Bệnh xá được nâng cấp thành bệnh viện dã chiến, kiểm tra, theo dõi sức khỏe của anh em làm nhiệm vụ. Tôi luôn lo lắng lỡ có đồng chí không may bị dương tính Covid-19 do lây nhiễm từ vùng dịch nhưng đến giờ phút này, tôi đã có thể thở phào được rồi”, Đại tá Khoa chia sẻ.

{keywords}
Sơn Lôi trưa 2/3

 

{keywords}
Lều bạt dã chiến dựng dưới gầm cầu vượt làm chỗ nghỉ cho cán bộ chiến sỹ trực tại xã Sơn Lôi

3 tuần nay không ai rời vị trí 

Một trong những "cánh tay phải" của Đại tá Đinh Ngọc Khoa trong 3 tuần "chống dịch như chống giặc" là Thượng tá Hoàng Việt Lào - Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Phó trưởng Ban chỉ huy tại các chốt ở vùng dịch Sơn Lôi.

Thượng tá kể: Đồn công an Bá Thiện nguyên là đồn phụ trách an ninh Khu công nghiệp Bá Thiện được trưng dụng làm Ban chỉ huy chống dịch.

12 chốt giữ tại các tuyến đường chính vào Sơn Lôi, mỗi điểm có 6 cán bộ liên ngành (gồm công an, bộ đội, bác sỹ). Ngoài ra, các đường nội đồng, đường nhánh ra vào làng cũng có các tổ tuần tra cơ động, vừa giám sát, vừa vận động bà con tuân thủ chủ trương của tỉnh.

{keywords}
Lều dã chiến dựng ven đường quốc lộ là chỗ ăn nghỉ của cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ

 

{keywords}
Thượng tá Hoàng Việt Lào - Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Vĩnh Phúc

“Có những điểm đường nội đồng, đường nhánh, sợ bà con vì ham công tiếc việc mà rời làng không khai báo, anh em phải làm rào, thậm chí cuốc bỏ đường.

Những ngày đầu tháng 2, trời mưa, lạnh, lều bạt dã chiến bị gió lật thốc lên. Anh em chịu rét đứng giữa đồng. Bà con thương quá, mang củi khô ra đốt cho sưởi, rồi cho cả khoai sắn, hoa quả cho ăn. Thế là, chẳng ai thấy lạnh nữa…”.

Người chỉ huy cười nói: "Nhà tôi cách Sơn Lôi hơn chục cây số, từ mùng 2 Tết đến giờ chưa về nhà. Gần 500 cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ ở Sơn Lôi cũng như tôi hết. Anh em xác định, mình làm nhiệm vụ giám sát cách ly, cũng có nghĩa là cách ly cùng với bà con rồi".

Hơn ai hết, tâm sự này nhận được sự đồng cảm của chính Giám đốc Công an tỉnh. Bởi Đại tá Khoa, nhà ở Ninh Bình, cũng không về nhà từ ngày đầu chống dịch.

"Ở thời điểm nước sôi lửa bỏng, dường như tâm trí chúng tôi cũng dồn hết cho công việc nên thời gian trôi đi rất nhanh. Công việc cuốn mình đi, chỉ những lúc đêm xuống nằm một mình, nhớ đến gia đình, khi ấy thì đã sắp đi vào giấc ngủ. Những người lãnh đạo như chúng tôi dù xa nhà cũng không vất vả bằng anh em ở hiện trường. Chúng tôi vất vả 1 thì các chiến sĩ vất vả 10", Đại tá Đinh Ngọc Khoa nói.

Ông cho biết, Ban giám đốc sẽ khen thưởng đột xuất cho những cán bộ chiến sỹ có thành tích đặc biệt xuất sắc sau khi lệnh phong tỏa Sơn Lôi được dỡ bỏ. Mỗi cán bộ, chiến sỹ công an sẽ có 3 ngày nghỉ bên gia đình. 

Chàng cảnh sát cơ động trực chốt Sơn Lôi cách nhà 300m 3 tuần không về

Chàng cảnh sát cơ động trực chốt Sơn Lôi cách nhà 300m 3 tuần không về

 Nhìn thấy mẹ đeo khẩu trang, đi xe máy từ khu vực cách ly dịch Covid-19 của xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) ra, chiến sỹ cảnh sát cơ động Nguyễn Quốc Long từ trong lán chạy vội đến.

Kiên Trung - Đoàn Bổng