Theo chị Lù Thị Sen (trú tại Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang), năm 2017 khi chị đặt chân lên huyện Mèo Vạc để tìm cơ hội phát triển du lịch. Lúc này, Mèo Vạc còn kém phát triển thậm chí đi vào các thôn bản không có sóng điện thoại, không có tivi.
Tuy nhiên, sau 5 năm, đến nay vùng cao nguyên đá này đã thay lên mình lớp áo mới. Sự đổi thay ở đây giúp đời sống đồng bào dân tộc phát triển, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm.
Hiện nay, có nhiều người dân tộc Mông ở Mèo Vạc được tiếp cận, thụ hưởng thông tin và cũng trở thành những Facebooker, Tiktorer… quảng bá hình ảnh, đời sống bà con tới du khách trong và ngoài nước.
Chị Lủ Thị Dăm – sinh năm 1993, dân tộc Giáy người làng sông Nho Quế là một trong những người tham gia từ rất sớm dịch vụ chèo thuyền trên sông Nho Quế. Trước đây, làng chị Dăm cách xa đường quốc lộ 4C từ 7 – 8km, đường đi lại khó khăn. Đời sống thông tin, văn hóa, giải trí của người dân hầu như không có.
Người dân trong làng chỉ biết lên nương trồng ngô, sắn, nuôi gà, lợn tự cung tự cấp. Khi du lịch phát triển, người làng Nho Quế vươn lên thoát nghèo.
Đòn bẩy giúp họ phát triển đó là thông tin. Những người dân tộc vùng biên đã biết tới điện thoại thông minh, internet… họ tự tìm các thông tin về chính sách của Đảng, Nhà nước của địa phương về phát triển kinh tế xã hội. Những mô hình phát triển du lịch tại các địa phương khác cũng được họ học hỏi trên mạng.
Gia đình chị Dăm tự phát triển kinh tế, mua thuyền, tham gia hợp tác xã khai thác phát triển du lịch. Nhờ có sóng viễn thông, hình ảnh du lịch Mèo Vạc, Hà Giang cũng tới được khắp nơi.
Anh Lương Văn Tuyền, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc chia sẻ, trước đây ở trong xã chỉ cần sóng không chập chờn đã mừng nhưng hiện tại anh có thể truy cập tốc độ 4G mạnh mẽ.
Anh Tuyền tự chia sẻ các hình ảnh thông tin của bản làng mình lên mạng xã hội và tiếp nhận các thông tin từ mạng internet để phát triển kinh tế gia đình, tìm hiểu thêm về văn hóa, nhu cầu của khách du lịch để phục vụ tốt hơn.
Nhiều năm trước, Hà Giang gặp nhiều khó khăn trong giảm nghèo về thông tin do địa hình hiẻm trở, công tác truyền thông cung cấp thông tin chưa rộng khắp tới vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Các lĩnh vực công nghệ thông tin chưa triển khai rộng rãi. 5 năm trở lại đây, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp trong tỉnh, giảm nghèo về thông tin tại Hà Giang đã đóng góp tích cực vào giảm nghèo bền vững.
Để có hiệu quả như ngày nay, Hà Giang đã tích cực đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc với vùng khó khăn. Hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông nâng cấp, bảo dưỡng và xây mới mạng lưới viễn thông phủ sóng vùng khó khăn trên địa bàn tình, phổ cập thông tin qua internet tới đồng bào dân tộc thiểu số và chú trọng tới cả vấn đề giá cước để tất cả mọi người đều được thụ hưởng thông tin.
Khi trình độ cán bộ thông tin còn hạn chế, tỉnh Hà Giang đã mở các lớp bồi dưỡng, thi chứng chỉ kỹ năng truyền thông, thông tin cho các đơn vị như Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Ban dân tộc…
Đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở, đặc biệt ưu tiên cho cán bộ thông tin cơ sở thôn bản. Hỗ trợ sản xuất, biên tập phát sóng, truyền tải và lưu trữ cho các huyện. Các sản phẩm báo chí, thông tin quảng bá du lịch cũng được phổ biến kịp thời.
Hà Giang phối hợp với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho các hộ nghèo thuộc các dân tộc ít người, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, với các huyện, xã vùng sâu, vùng xa cũng được hỗ trợ trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tuyên truyền tại địa phương góp phân cao đời sống văn hóa, thông tin cho người dân.