Ngày 11/9, Đoàn giám sát Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam do Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn. Tham gia cùng đoàn có Thứ trưởng Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc BHXH Việt Nam, đại diện lãnh đạo BHXH Bộ Quốc phòng.
Về phía tỉnh Lạng Sơn có ông Hồ Tiến Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các Sở Y tế, LĐ-TB&XH, Tài chính, Ban Dân tộc, Bộ Chỉ huy quân sự, Công an, Văn phòng UBND, Liên đoàn Lao động và BHXH tỉnh.
Thượng tướng Lê Chiêm - Trưởng đoàn Giám sát phát biểu tại buổi giám sát. |
Nhiều kết quả trong thực hiện nhiệm vụ
Trong chương trình làm việc, Đoàn Giám sát tiến hành khảo sát tình hình KCB BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm y tế huyện Cao Lộc; sau đó Đoàn làm việc với UBND tỉnh và một số sở, ngành có liên quan của tỉnh về tình hình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Lê Chiêm cho biết: Chương trình giám sát nhằm khảo sát thực tế, trên cơ sở đó tổng kết các chủ trương, chính sách về BHXH, BHYT. Qua đó, đánh giá chính xác việc lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo quyền lợi của người dân; đồng thời, chỉ ra những vấn đề làm chưa tốt; những vướng mắc hiện nay ở cơ sở chưa giải quyết. Từ đó, tiếp tục xây dựng chính sách BHXH, BHYT, tiến tới xây dựng an sinh bền vững.
Báo cáo với Đoàn Giám sát về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Giám đốc BHXH tỉnh Đỗ Văn Khoan cho biết, BHXH tỉnh Lạng Sơn đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các ngành và chủ động tổ chức triển khai, thực hiện công tác khai thác, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện các chính sách BHXH, BHYT được đẩy mạnh; mạng lưới thu BHXH, BHYT mở rộng; công tác thanh tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động được chú trọng...
Kết quả, năm 2016, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 699.480 người, tăng 48.338 người (tăng 7,4%) so với năm 2015; năm 2017, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 744.093 người, tăng 44.613 người (tăng 6,38%) so với năm 2016; đến hết tháng 6/2018, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 737.626 người, tăng 30.472 người (tăng 4,31%) so với cùng kỳ năm 2017, đạt 97,54% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc. |
Hàng năm, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, cụ thể: Năm 2016, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,8% dân số, vượt 2,8%; năm 2017, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 96,05% dân số, vượt 6,05% và đến hết tháng 6/2018 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số, vượt 4,23% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016. Từ năm 2016 đến nay, BHXH tỉnh đã giải quyết chế độ BHXH cho 131.032 người/lượt người, với tổng số tiền đã chi trả trên 3.294,5 tỷ đồng.
Số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch (năm 2016 toàn tỉnh thu được 1.196 tỷ đồng - đạt 101,9 % kế hoạch; năm 2017, thu được 1.347,8 tỷ đồng - đạt 108,8% kế hoạch và trong 6 tháng đầu năm 2018, thu được 669,3 tỷ đồng - đạt 47,3% so với kế hoạch giao). Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan BHXH, các đơn vị trên địa bàn vẫn còn nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 44,730 tỷ đồng, nhất là ngân sách nhà nước vẫn còn nợ trên 17,3 tỉ đồng; các đơn vị sử dụng lao động nợ trên 27,3 tỷ đồng, trong đó có 159 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên 12 tháng với trên 4,6 tỷ đồng và 45 đơn vị nợ khó thu hồi với gần 3 tỷ đồng (35 đơn vị mất tích; 6 đơn vị đang giải thể, phá sản; 4 đơn vị đã giải thể, phá sản).
Báo cáo của BHXH tỉnh cũng cho thấy, trên địa tỉnh bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả nên trong công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp gặp rất nhiều khó khăn; Nhiều doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho người lao động, chậm nộp, nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Nguồn ngân sách Nhà nước cấp chưa đủ kinh phí đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện căn cứ trên mức chuẩn nghèo nông thôn nên số tiền hỗ trợ còn thấp, chưa thu hút được người dân trên địa bàn tỉnh tham gia. Bên cạnh đó, tuy tỷ lệ người dân có thẻ BHYT đạt trên 95% dân số, nhưng trong đó có trên 81% là đối tượng được Ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT, nếu Nhà nước thay đổi chính sách đóng, hỗ trợ đóng BHYT sẽ tác động lớn đến tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện toàn diện và đồng bộ các giải pháp quản lý quỹ BHYT
Về công tác quản lý quỹ KCB BHYT, Giám đốc BHXH tỉnh Đỗ Văn Khoan cho biết, năm 2016 - 2017, BHXH tỉnh Lạng Sơn ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 23 đầu mối, gồm 234 cơ sở y tế. Năm 2018 ký hợp đồng với 28 đầu mối, gồm 239 cơ sở y tế.
Giai đoạn năm 2010-2015, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tỷ lệ sử dụng quỹ KCB BHYT so với quỹ KCB tính trên số thu khoảng dưới 60%, hàng năm có kết dư từ 100 tỷ đến 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2016, do chính sách BHYT có nhiều thay đổi nên chi phí KCB BHYT trên địa bàn có gia tăng đáng kể và đã bội chi. Trong đó, điều đang lưu ý là riêng chi đa tuyến đi của bệnh nhân có thẻ BHYT do BHXH tỉnh Lạng Sơn phát hành đi khám chữa bệnh tại các cơ sở KCB tuyến Trung ương và các tỉnh khác vượt 22 tỷ đồng so với dự toán BHXH Việt Nam giao. Năm 2018, chi phí đa tuyến đi của bệnh nhân do tỉnh Lạng Sơn phát hành thẻ BHYT có xu hướng tăng cao, nguy cơ sử dụng quỹ trong phạm vi dự toán được phân bổ lớn, như vậy sẽ khó khăn cho nguồn kinh phí sử dụng trong tỉnh.
Giám đốc BHXH tỉnh Đỗ Văn Khoan báo cáo tại buổi làm việc. |
Trong năm 2017, đặc biệt là 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh có số chi KCB BHYT tăng nhanh so với cùng kỳ. Trước tình hình đó, BHXH tỉnh đã chủ động, tích cực áp dụng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm kiểm soát sự gia tăng chi phí trong các tháng cuối năm 2017, đưa số chi BHYT trong phạm vi dự toán được BHXH Việt Nam giao và không bội chi quá lớn. Năm 2018, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Y tế và Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2018 và giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành có liên quan và các cơ sở KCB trong việc tổ chức thực hiện dự toán chi KCB BHYT trên địa bàn tỉnh. Do đó, theo dõi số chi KCB BHYT trong các tháng đầu năm 2018, cho thấy số chi KCB BHYT của người có thẻ BHYT do BHXH tỉnh Lạng Sơn phát hành cơ bản trong phạm vi dự toán được Chính phủ giao, dự báo đến hến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh sẽ không vượt dự toán.
Trong 02 năm qua, BHXH tỉnh Lạng Sơn và Sở Y tế đã tích cực phối hợp chỉ đạo các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về việc chuẩn hóa danh mục, liên thông và gửi dữ liệu... giữa cơ sở KCB với hệ thống thông tin giám định BHYT. Tính đến tháng 8/2018, tỷ lệ hồ sơ gửi lên hệ thống giám định đúng ngày đạt 90%, số còn lại chủ yếu là đẩy chậm 01 ngày hoặc là do dữ liệu sai đơn vị đẩy lại nên hệ thống báo đẩy chậm thời gian theo quy định; danh mục dùng chung còn sai sót nhỏ, những sai sót phát sinh cơ bản đã được 02 bên phối hợp chỉnh sửa kịp thời.
Đặc biệt, BHXH tỉnh rất chú trọng đến công tác đấu thầu thuốc. Xác định chi phí sử dụng thuốc BHYT hàng năm chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 32%) trên tổng chi khám chữa bệnh, do vậy BHXH tỉnh xác định công tác phối hợp, tham gia đấu thầu một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của ngành. Thực hiện hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã tham gia đầy đủ vào các công đoạn của quá trình đấu thầu, thành lập Tổ tham gia đấu thầu do Lãnh đạo BHXH trực tiếp làm Tổ trưởng. Do đó, đã đem lại hiệu quả rõ rệt qua các năm: Mỗi năm với sự tham gia của BHXH tỉnh thì tổng giá trị các gói thầu được điều chỉnh giảm từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng so với giá kế hoạch ban đầu; kết quả trúng thầu sử dụng tại các cơ sở KCB hầu hết không có các thuốc giá thành bất hợp lý. Việc tham gia có hiệu quả trong công tác đấu thầu thuốc đã góp phần không nhỏ trong công tác quản lý và sử dụng quỹ KCB BHYT trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát đã đề nghị tỉnh làm rõ hơn về tình hình phát triển đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện còn thấp; các giải pháp quản lý quỹ KCB BHYT; chế tài xử lý vi phạm về BHXH; tình trạng xã hội hóa trong y tế; công tác phối hợp giữa các sở, ngành liên quan trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp;…
Quang cảnh buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh ghi nhận và đánh giá cao công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Mặc dù là tỉnh miền núi nhưng tỷ lệ liên thông dữ liệu đạt cao, tỷ lệ nợ thấp dưới 2% số thu, công tác phối hợp giữa BHXH và Y tế trong đấu thầu thuốc tốt,… Tuy nhiên, việc thực hiện BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại do nhiều nguyên nhân.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh đề nghị, UBND tỉnh cũng như các ngành, cấp trên địa bàn cần tiếp tục quan tâm đến chính sách BHXH, BHYT. Sở Tài chính quan tâm chuyển kinh phí cho cơ quan BHXH trong dự toán và liên quan đến công tác KCB BHYT cho các đối tượng. Cần quan tâm hỗ trợ ngân sách địa phương chi cho sự nghiệp y tế. Đề nghị Sở Y tế quan tâm đến các vấn đề KCB BHYT, chỉ đạo các bệnh viện đẩy dữ liệu kịp thời, giảm ngày điều trị, công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân tham gia BHXH, BHYT.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh Lạng Sơn luôn nhận thức được tầm quan trọng của BHXH trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, cũng làm rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế và phương hướng, biện pháp khắc phục trong thời gian tới như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH; chỉ đạo thống nhất trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế; tăng cường quản lý quỹ BHXH, BHYT; kiềm chế bội chi; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh, BHXH, BHYT là hai chính sách an sinh xã hội quan trọng, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo chính quyền và các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh. Khi việc thực hiện các chính sách này gặp khó khăn, vướng mắc, Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ trực tiếp mời các Sở, Ngành có liên quan bàn giải pháp thực hiện. Qua đó, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả, đảm bảo quyền lợi cho người dân, người lao động. Qua chương trình giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng Quản lý và của BHXH Việt Nam trong việc tạo điều kiện tổ chức thực hiện để Lạng Sơn ngày càng thực hiện tốt hơn các chính sách BHXH, BHYT.
Kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Lê Chiêm ghi nhận kết quả của tỉnh Lạng Sơn đạt được trong những năm qua. Đồng thời đề nghị, cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, ngành tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xác định chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT hằng năm; chủ động cân đối kinh phí ngân sách địa phương để hỗ trợ đóng BHXH cho đối tượng chính sách; tiếp tục đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế; tăng cường chỉ đạo, phối hợp của các ngành liên quan trong thanh, kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ ngành BHXH...
Các ngành liên quan cần quan tâm đến công tác quản lý, tăng cường hơn nữa phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT; xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, phát hiện những vướng mắc phát sinh tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, một số địa phương đã lập hồ sơ gửi cơ quan công an điều tra xử lý hình sự đơn vị nợ đóng, đóng không đúng BHXH cho NLĐ, tỉnh Lạng Sơn cân nhắc việc triển khai thí điểm một vài đơn vị.
(Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam)