Những năm qua, dù đã có nhiều chính sách, giáo dục tại Điện Biên vẫn luôn là một bài toán khó khi đường đến với con chữ còn vô vàn khó khăn với các em và chính các thầy cô vùng dẻo cao.

Những khó khăn nằm sau khung cảnh thiên đường

Hơn 500km từ Hà Nội đến Điện Biên trong 12 giờ đồng hồ di chuyển là một chặng đường dài và đáng nhớ với các thành viên trong đoàn thiện nguyện Gỗ Minh Long. Đồi tiếp núi, mây nối mây đã đem đến cho đất trời Tây Bắc một vẻ đẹp khó tả. Bóng núi “nhàn rỗi” nghiêng nghiêng trong nắng chiều vàng như mật ong rừng thấm đẫm hương lúa mùa thu. Tất cả hoà quyện tạo nên bức tranh thuỷ mặc có một không hai.

{keywords}
Cảnh sắc Tây Bắc vào thu đẹp đến nao lòng

Những con đường ngoằn ngoèo lên xuống, cua dốc liên tục tưởng như bất tận sẽ khiến cho những ai lần đầu đến Điện Biên không khỏi choáng ngợp, thấy mình thật nhỏ bé trước đại ngàn hùng vĩ. Núi rừng mênh mang, vắng lặng trông thật hiền hoà nhưng đầy bí ẩn đến ma mị. Giữa đêm tối chạy xe vào bản Nậm He, cảm giác đơn độc, bâng khuâng dâng lên nhưng sẽ kịp lắng xuống khi ngước lên bầu trời có ánh trăng vằng vặc đồng hành, bởi lẽ, đó là người bạn kéo ta gần với miền xuôi hơn.

Nhưng sau những phút giây ngây ngất với vẻ đẹp đất trời, sẽ là nỗi day dứt khẽ nhói khi nhận ra mọi khó khăn còn thường trực. Nhìn sâu vào cảnh vật, đó là những quả núi đang rỉ máu vì sạt lở, những vùng tối tăm chưa có điện kéo về, những bản nghèo cơm chưa đủ ăn, quần áo không đủ mặc. Và chính vì nghèo nên trẻ em không được đi học. Những đứa trẻ băng rừng, lội suối nửa ngày mới tới trường, quay quắt trong nỗi nhớ mẹ cha, thấy bóng thầy cô lại chạy vào rừng, thầy cô “mai phục” trên rừng, dưới suối để các em không trốn về.

{keywords}
Những đứa trẻ trốn trường về dù nhà xa mấy giờ đi bộ

Giáo dục nơi đây cũng còn vô vàn khó khăn khi “vừa dạy, vừa dỗ”. Học sinh và phụ huynh vùng sâu vẫn còn chưa hiểu được ý nghĩa của việc học. Với họ, không học cũng biết làm nương! Các em mới lớp 4, lớp 5 đã là lao động chính. Thầy cô có những lúc phải vượt rừng lên đón học sinh mỗi cuối tuần; góp tiền, góp gạo đem đến nhà để cha mẹ cho các em đi học… Chính bản thân thầy cô cũng phải hi sinh những hạnh phúc cá nhân để đem con chữ đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa.

Đường lên Tía Tâu

Chặng đường với những khúc quanh, cua gấp, bị đất đá sạt lở chắn đường khi đến với Điện Biên vẫn không thể so sánh với gian truân trên con đường đi học của học sinh Nậm He. Những đứa trẻ mới 6, 7 tuổi nhưng phải vượt núi để đi học. Những ngày mưa, đường lầy lội, trơn trượt ẩn chứa đầy nguy hiểm vì sạt lở, cây đổ, thú rừng…

{keywords}
 Điểm trường Tía Tâu rách nát, đơn độc trên núi cao

Điểm trường Tía Tâu nằm chênh vênh trên núi, được dựng từ những tấm gỗ nay đã mục nát. Dù thiên nhiên có đẹp đến thế nào cũng không thể cứu vãn được sự tiêu điều, thiếu thốn nơi đây. Quanh trường chỉ còn vài nóc nhà xiêu vẹo, trong đó phần lớn là bỏ hoang vì người dân đã rời bản xuống núi. Trường học xa, lại làm các em càng nhụt chí, không muốn đi học, bữa đi, bữa nghỉ.

Tía Tâu chưa có điện, đường đi trắc trở, nguồn nước xa, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng các thầy cô vẫn không nản lòng. Những khi mưa lớn, thầy cũng không thể đi xe lên trường, phải để xe dưới đường và đi bộ hàng giờ lên núi.Có những điểm trường xa hơn, các thầy cô phải đi bộ vài ngày, gặp khi thời tiết xấu, không còn cách nào khác là để xe dưới đường, thứ 6 cuối tuần mới xuống lấy xe để về nhà.

{keywords}
Điểm trường mới được Gỗ Minh Long tài trợ ở vị trí thuận lợi hơn

Điểm trường quá xa, địa hình khó khăn nhưng nay đã được chuyển về vị trí gần đường lớn, thuận lợi hơn. Nhà trường và trưởng bản đã vận động người dân dành một khoảng đất để xây dựng. Hi vọng khi có trường mới do công ty Gỗ Minh Long tài trợ kinh phí, đường đến trường sẽ nhanh hơn và ánh sáng của con chữ sẽ đến gần hơn với các em.

Doãn Phong