Ngày 26/8, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Diễn đàn quốc tế "Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ tại Việt Nam và nước ngoài".
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội có Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh, Phó hiệu trưởng Lâm Quang Đông cùng toàn thể giảng viên Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Nam Á cùng đại diện các đơn vị khác. Đặc biệt, sự kiện đã thu hút đông đảo diễn giả khách mời cùng đại biểu trong và ngoài nước tham gia.
Diễn đàn quốc tế "Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ tại Việt Nam và nước ngoài" nhằm giới thiệu, quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho kiều bào và người nước ngoài trên khắp thế giới. Đồng thời tạo cầu nối giao lưu, trao đổi học thuật và xin ý kiến phản biện của các học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học trong và ngoài nước cho Đề án mở ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam (chuyên ngành Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ). Sự kiện cũng là hoạt động hưởng ứng Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài của Chính phủ.
Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội - Lâm Quang Đông cho biết: “Đây là sự kiện khoa học đầu tiên, là sự kiện quốc tế mở màn cho chuỗi sự kiện Hội thảo khoa học quốc gia 2025: Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam (UNC2025)”. Diễn đàn cũng hướng đến kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ.
Với vai trò trưởng nhóm giáo viên Câu lạc bộ Tiếng Việt tại Hà Lan, cô giáo Nguyễn Lan Hương tham gia tham luận ngắn về “Thực trạng dạy và học tiếng Việt tại Hà Lan, các kiến nghị”.
Nhiều năm qua, cô Lan Hương đã dành tâm huyết để gây dựng các lớp học tiếng Việt miễn phí, lan tỏa và truyền tải văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt đến các em nhỏ kiều bào sinh ra và lớn lên ở Hà Lan.
Cô cho biết, các giáo viên dạy tiếng Việt cho cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các lớp học tiếng Việt ở Hà Lan do cô Lan Hương dùng bài giảng riêng tự biên soạn theo từng trình độ, lứa tuổi; phần lớn cô đều tự tìm tài liệu, giáo trình… Vì vậy, mong muốn lớn nhất của cô là được kết nối với các chuyên gia, các nhà chuyên môn, từ đó có thể học hỏi kinh nghiệm, phương pháp để công tác truyền bá ngôn ngữ Việt và văn hoá Việt ngày càng tốt và hiệu quả hơn.