Ban đầu là thương vụ chuyển nhượng một mầm lan (dân trong nghề gọi là: kie) lan đột biến "Bướm đại ngàn" 15 tỷ đồng, tiếp đến là giao dịch bí ẩn chậu lan Juliet 83 tỷ đồng, và mới đây nhất là buổi chuyển nhượng gây sốc 2 chậu lan đột biến với giá lên tới 1.400 tỷ đồng ở Thái Bình. Tuy nhiên, sau khi thương vụ này gây sốt mạng xã hội, người trong cuộc đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên.

Anh Trần Thiêm, người mua 2 chậu lan này giải thích giá trị thương vụ 1.400 tỷ đồng như hình ảnh trên mạng xã hội chia sẻ thực chất chỉ là 1,4 tỷ đồng. Do hàng in viết thừa số 0 dẫn đến mọi người hiểu nhầm là 1.400 tỷ.

Giao dịch lan đột biến giá tiền tỷ có phải nộp thuế?

Những giao dịch với con số tăng lên khủng khiếp gần đây khiến cộng đồng chơi lan khẳng định chiêu trò thổi giá ảo của giới kinh doanh lan đột biến là có thật.

{keywords}
Hình ảnh giao dịch với con số khủng khiến nhiều người khẳng định chiêu trò thổi giá ảo của giới kinh doanh lan đột biến là có thật. Ảnh: H.B

Và bên cạnh nghi vấn thổi giá, câu hỏi nhiều người đặt ra là với những giao dịch các mầm lan, giò lan đột biến giá lên tới hàng chục tỷ đồng thì người bán có phải nộp thuế?

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết muốn làm rõ những giao dịch này có phải nộp thuế hay không, cần xác định cụ thể người bán lan có đăng ký giấy phép kinh doanh hay không.

Theo vị này, trường hợp chủ cây lan đột biến là cá nhân kinh doanh có hoạt động mua đi bán lại lan thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Trường hợp người bán đơn thuần là nông dân trồng lan, giò lan đáp ứng đủ điều kiện là sản phẩm nông nghiệp không qua sơ chế, chế biến thì không phải nộp thuế.

Còn trường hợp nữa, nếu xác định đó là tài sản, người bán tài sản (ở đây không phải là bất động sản) thì không phải chịu thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác.

"Nếu nhà vườn có đăng ký kinh doanh, là doanh nghiệp thì việc phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng là điều đương nhiên", vị này cho hay.

Luật sư Nguyễn Văn Thanh, Đoàn luật sư TP. Hà Nội - Công ty luật Thái An cũng cho rằng về nguyên tắc người bán nếu đăng ký kinh doanh thì phải nộp thuế. Cụ thể, mua rồi bán lại cho một bên khác có giá trị cao hơn thì phải nộp thuế đối với phần giá bán chênh lệch cao hơn đối với giá mua vào.

Hiện, trồng và kinh doanh cây cảnh là hoạt động kinh doanh rất phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc mua bán cây cảnh, đặc biệt là loại hoa lan đột biến này vẫn còn tương đối tự do và chưa có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Hỗn loạn thị trường lan đột biến

Là người chơi lan có tiếng ở Hà Nội, anh X. Chiến, chủ một vườn lan ở Mê Linh khẳng định những chậu lan đột biến to và đẹp như vậy có giá chục tỷ đồng là bình thường.

"Lan đột biến có vẻ đẹp khác lạ, độc đáo, không giống bất cứ loại hoa nào. Cũng giống như chơi chim cảnh, cá cảnh, những người đam mê mới hiểu được giá trị của chúng", anh Chiến cho hay.

Khác với anh Chiến, anh V. Anh, một người chơi lan lâu năm lại cảm thấy bất ngờ khi biết được những giao dịch lan có giá 5 tỷ, 10 tỷ, 15 tỷ thậm chí 83 tỷ đồng gần đây. Chơi lan lâu như anh nhưng rất hiếm khi anh gặp được một chậu lan đột biến đẹp xuất sắc để có mức giá đắt đỏ như vậy.

Anh tỏ ra lo ngại về tình trạng nâng giá ảo của nhiều thương vụ lan đột biến gần đây. "Nếu tình trạng này còn diễn ra sẽ khiến xã hội có cái nhìn sai lệch về thú chơi lan của chúng tôi, thậm chí sẽ tác động xấu đến nền kinh tế", anh chia sẻ.

{keywords}
Lan đột biến làm "dậy sóng" thị trường cây cảnh khi được công bố bán với giá quá cao. Ảnh: Nguyễn Thanh Xuân.

Chia sẻ về tình trạng "sốt" lan đột biến gần đây, ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội Sinh vật cảnh thành phố Hà Nội cho biết lan đột biến có số lượng rất ít, giá lên đến trăm triệu, tiền tỷ là có nhưng đến hàng chục tỷ thì cần xem lại. Bởi rất có thể đây là hành động nâng giá ảo, nhằm mục đích tạo “sóng” và làm tăng giá trị lan đột biến một cách bất hợp lý.

Theo ông, một bộ phận kinh doanh lan có mục đích khiến thị trường lan đột biến trở nên sôi động, để nhiều người tin tưởng mà xuống tiền mua về nhằm nhân giống bán lại kiếm lời.

"Tình trạng này đang làm mất đi tính ổn định, cân bằng của thị trường và có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế vĩ mô", vị này đánh giá.

Ông Nguyên cho hay nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, các giao dịch hoa lan đột biến có thể biến tướng theo mô hình đa cấp hoặc rửa tiền của nhiều tổ chức, cá nhân. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc, thanh tra, kiểm tra các giao dịch.

(Theo Zing)