- Nhìn lại những công việc đã làm trong năm 2013, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng không có quyết định nào là dễ dàng.

  {keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Không có quyết định nào là dễ dàng

Trong năm vừa qua, với vai trò quản lý ngành, ông tâm đắc với vấn đề nào nhất? Quyết định nào khiến ông cảm thấy khó khăn nhất?

- Điều tâm đắc nhất đối với tôi trong năm 2013 là Ban chấp hành TƯ Đảng đã thảo luận, ban hành Nghị quyết số 29 NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đề án này kết tinh trí tuệ và tình cảm của toàn Đảng và cả xã hội, trong đó có sự đóng góp của các thầy cô giáo, các nhà khoa học và quản lý giáo dục.

Còn về quyết định khó khăn nhất… Tôi muốn nói rằng, trước bất kỳ quyết định nào tôi cũng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, và không có quyết định nào là dễ dàng.

Khi ra một quyết định, ông cân nhắc đến lợi ích của ai đầu tiên?

- Chủ thể và khách thể của giáo dục đều là con người. Các quyết định trong giáo dục đều liên quan trực tiếp đến con người, đến học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và sau đó là đông đảo phụ huynh học sinh. Khi ra quyết định, tôi luôn phải cân nhắc đến lợi ích của con người, trước hết là học sinh sinh viên, kế đến là giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; cân nhắc cả lợi ích trước mắt và nhất là lợi ích lâu dài.

Trong thời gian đầu khi tôi mới là Bộ trưởng, các quyết định của Bộ GD&ĐT phần lớn nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, sửa chữa những lệch lạc, thiếu sót, khuyết điểm, tạo điều kiện cho cả hệ thống phát triển đúng hướng và ổn định. Gần đây, các quyết định nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới hoạt động của ngành đã xuất hiện nhiều hơn.

Kết quả tham gia khảo sát PISA của giáo dục VN khiến nhiều người, ngay cả lãnh đạo Bộ cũng bất ngờ. Phản ứng tức thì của dư luận là có phần không tin vào kết quả khảo sát, ít nhiều có thái độ phê phán giáo dục VN. Ông cảm thấy như thế nào?

- Với kết quả PISA, đúng là cá nhân tôi hơi bất ngờ với vị trí cao của giáo dục Việt Nam trong bảng xếp hạng, vì đặt trong mối tương quan giữa giáo dục với kinh tế, chúng ta ở vị trí thấp hơn nhiều về phát triển kinh tế, khoa học công nghệ. Nhưng từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn tin rằng giáo dục Việt Nam dù có những điểm yếu, thiếu sót, khuyết điểm và bức xúc, nhưng cũng có những điểm mạnh. Có niềm tin này bởi vì tôi đã tới một số nước để xem xét, nghiên cứu. Đồng thời, cũng có minh chứng đơn giản là các cháu học sinh của chúng ta sau khi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam ra nước ngoài vẫn theo học được ở các trường đại học, nhiều em còn đạt được kết quả học tập cao, nằm trong nhóm học sinh dẫn đầu trường. Thậm chí, không ít học sinh trượt đại học ở Việt Nam đi du học vẫn theo được. Nói vậy để diễn tả ý: Phải có “bột” thì các cháu mới gột nên “hồ” như các cụ ta vẫn nói.

Nói đến việc này, tôi xin bổ sung một ý để tránh hiểu nhầm và suy diễn: PISA (và các cuộc đánh giá khác) dù có chính xác và có độ tin cậy cao đến đâu, cũng chỉ là kết quả đánh giá một số khía cạnh của vấn đề, chứ không phải toàn bộ vấn đề. Giống như đây là bức ảnh chân dung chứ không phải con người thật bằng xương bằng thịt. Cho nên, chúng tôi không chủ quan, tự mãn với kết quả này. Vui một chút thôi rồi phải gạt sang một bên ngay để tập trung tâm sức vào nhiều công việc khác quan trọng của ngành hiện nay.

Những “việc khác” này, trước mắt là chuyện gì, thưa ông? Ông có thể cho biết 3 việc nổi bật mà giáo dục cần làm ngay trong thời gian tới?

- Nói riêng trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, trong thời gian qua, chúng tôi đã thực nghiệm nhiều việc để có cơ sở vững chắc đề xuất với Trung ương, bởi vì giáo dục là con người, đã làm là phải chắc thắng. Ví dụ, việc chuyển đổi phương pháp dạy và học từ truyền thụ kiến thức một chiều sang phương pháp hình thành năng lực, kỹ năng và phẩm chất người học; chuyển từ cách truyền đạt chủ yếu là đọc chép sang lấy người học làm trung tâm đã được thực nghiệm không chỉ ở một tỉnh, thành phố hoặc ở những địa phương có điều kiện thuận lợi, mà được triển khai cả ở các tỉnh rất khó khăn, như Lào Cai, Kon Tum, Bắc Kạn, Cà Mau, Kiên Giang... Các mẫu triển khai đã khắc phục được hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan và tình trạng quá tải; bước đầu đã thay đổi được phương pháp dạy và học, nâng cao được tính chủ động và sáng tạo của học sinh. Những việc này sẽ được tiếp tục trong năm 2014.

Trong năm 2014, ba việc ưu tiên lớn nhất của tôi là: thứ nhất, phải thiết kế cho xong chương trình, trên cơ sở đó biên soạn SGK phổ thông; thứ hai, thay đổi đào tạo của các trường sư phạm và thứ ba, tìm mọi cách nâng cao chất lượng của giáo dục đại học, theo hướng tăng cường kỹ năng mềm, kỹ năng sáng tạo cho HSSV.

"Kiên trì vì những nơi cần tôi nhất"

  {keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong năm vừa qua, có lẽ người dân nhớ nhiều đến tên của Bộ trưởng GD-ĐT qua sự việc Bộ trưởng đến chia sẻ cùng thầy cô giáo ở Bản Khoang. Ông có chia sẻ gì về sự kiện này?

- Về chuyến công tác Bản Khoang, sau khi lũ quét xảy ra, chúng tôi có đến bệnh viện thăm hỏi các giáo viên bị nạn, trong đó có một cô giáo đang mang thai 7 tháng tuổi, tưởng như đã mất mạng vì bị đá đè nước cuốn. Nhưng cô giáo được bình an, dù chân tay bầm dập nhưng thai nhi vẫn an toàn. Và mới đây cô giáo đã sinh được một bé trai nặng 2,7 kg. Điều này để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc: Sự sống rất mãnh liệt; trong cái chết cận kề luôn có mầm sống vươn lên.

Xin nói thêm là sau đó, Bộ GD-ĐT cùng với Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các tổ chức khác đã đóng góp (không phải bằng tiền ngân sách nhà nước) để xây cho các thầy cô giáo ở bản Khoang một nhà công vụ mới. Tôi nghiệm ra rằng mình được tiếp thêm sức mạnh khi đến với đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào ở các vùng đang tạm thời còn nhiều khó khăn, gian khổ.

Vậy thì, năm vừa qua đã có quyết định nào mà ông thấy hài lòng, đã đem lại lợi ích cho học sinh và giáo viên ở những nơi mà ông cho rằng cần ông nhất?

- Mới đây, sau một thời gian chúng tôi cùng các bộ, ngành khảo sát, phân tích, kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học, theo đó, các em học sinh dân tộc thi đỗ đại học được hưởng chế độ như sinh viên cử tuyển, giúp các em có thêm điều kiện thuận lợi để theo học và sau đó trở về phục vụ quê hương.

Một quyết định khác cũng khiến tôi rất mừng là khi Thủ tướng ký ban hành Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ bổ sung chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo quy định trước đây, giáo viên miền xuôi tình nguyện lên miền núi dạy học được hưởng phụ cấp thu hút trong 5 năm, sau thời gian này các thầy cô sẽ được trở về miền xuôi. Trên thực tế có phát sinh vấn đề: sau 5 năm, nhiều thầy cô ở lại miền núi công tác với nhiều lý do khác nhau như không tìm được chỗ làm việc dưới xuôi; có thầy cô đã lập gia đình, tạo dựng cuộc sống mới và gắn bó với các cháu và đồng bào nên không trở về xuôi… Nhưng dù với lý do gì, phải ở lại hay tự nguyện, thì những thầy cô này bị cắt phụ cấp thu hút sau 5 năm được hưởng. Điều này dẫn đến nghịch lý là người có thâm niên dạy học ở miền núi lại có thu nhập thấp hơn những giáo viên trẻ mới lên vùng núi nhận công tác.

Trong quá trình xây dựng Nghị định mới này, Bộ GD-ĐT đã phải giải trình rất nhiều. Tôi đã từng nói: Chúng ta phải có lời xin lỗi đối với các giáo viên ở lại miền núi, khi các thầy cô đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và cả cuộc đời công tác của mình cho sự nghiệp giáo dục ở những nơi xa xôi này, trong khi chúng ta không thể bố trí “trả” cho các thầy cô một chỗ dạy ở quê hương dưới xuôi. Với các thầy cô, chúng ta đã không thể tăng thêm thu nhập thì thôi, không nên cắt giảm.

Với Nghị định 19 được ban hành, các đồng nghiệp của chúng tôi là người miền xuôi làm việc ở vùng cao có thêm nguồn thu nhập, nhưng quan trọng hơn là họ nhận được sự ghi nhận và tôn vinh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, và chắc chắn họ sẽ có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

"Bên cạnh tôn vinh đãi ngộ, sẽ là xử lý, loại bỏ"

Cải tiến thang bậc lương của nhà giáo là định hướng đã được đưa ra từ 17 năm trước, nhưng đến nay vẫn không thực hiện được. Trong Nghị quyết 29, vấn đề này lại được đặt ra. Theo ông, cần phải có biện pháp gì, Bộ GD-ĐT đóng vai trò thế nào để thúc đẩy việc này? Ngoài lương thưởng, phụ cấp Bộ sẽ có những cải tiến gì khác về chế độ, môi trường để giáo viên làm việc tốt hơn?

- Vấn đề lương giáo viên được đặt ra từ Nghị quyết TƯ2 khoá VIII năm 1996 nhưng chưa làm được do nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan. Tôi không có điều kiện hiểu hết giai đoạn trước, nhưng tôi biết giải quyết bài toán tiền lương liên quan đến nhiều nhân tố và điều kiện thuộc các lĩnh vực khác nhau và phải giải quyết từng bước theo nhịp điệu tăng trưởng  và phát triển của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết 29 NQ/TW nêu lại vấn đề này với quyết tâm và giải pháp triển khai mới để sớm đưa chủ trương đúng đắn này vào thực hiện.

Ngoài vấn đề lương, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới các chế độ đối với giáo viên như phụ cấp nghề nghiệp, thâm niên, phụ cấp thu hút cho thầy cô giáo miền xuôi lên miền núi giảng dạy, chế độ, điều kiện làm việc cho các GS, PGS…

Tuy nhiên, cùng với những đãi ngộ, sẽ có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các thầy cô giáo vi phạm kỷ luật của ngành. Bên cạnh việc tôn vinh đãi ngộ, chúng tôi sẽ kiên quyết quyết đưa ra khỏi ngành những người không đủ phẩm chất, năng lực; không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

Chi Mai

“Bộ GD-ĐT có một bộ phận chuyên lắng nghe, tập hợp ý kiến từ dư luận, cũng như các nhóm dân sự hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Bản thân tôi cũng có những cuộc tiếp xúc riêng với không ít thầy cô giáo, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trên nguyên tắc, tôi lắng nghe tất cả các ý kiến đa chiều, và thu thập tư liệu một cách có hệ thống. Các bài khen, tôi chọn lọc đọc qua. Những bài chê đích đáng, tôi tập hợp lại. Trước đây, tôi hay đọc những bài viết này vào ban đêm, thành ra nhiều lúc trăn trở, không ngủ được. Sau rút kinh nghiệm, tôi thường đọc vào lúc rảnh rỗi nhất, ví dụ như trên máy bay khi đi công tác. Phải nói rằng, nhiều quyết định của chúng tôi trong thời gian qua liên quan đến việc đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT đã dựa trên việc tiếp nhận và xử lý thông tin của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội qua các kênh khác nhau”