Bài viết là những phân tích và quan điểm của phóng viên gốc Nhật Mariko Oi hiện đanglàm việc cho BBC News.
Người Trung Quốc thường biểu tình vào những ngày kỉ niệm các xung đột lịch sử với Nhật Bản |
Từng là giáo viên dạy Lịch sử, bà Tamaki Matsuoka cho rằng hệ thống giáo dục Nhật Bản cần phải chịu trách nhiệm về những khó khăn trong quan hệ đối ngoại của đất nước.
“Hệ thống giáo dục của chúng ta đang tạo ra những người trẻ luôn cảm thấy khó chịu về những lời cáo buộc mà Trung Quốc và Hàn Quốc đưa ra, bởi vì họ không được dạy về những gì mà láng giềng của chúng ta phàn nàn” – bà nói.
“Thật nguy hiểm bởi vì một số trẻ có thể phải tìm đến Internet để có thêm thông tin, rồi sau đó họ tin vào quan điểm của những người theo chủ nghĩa dân tộc, nói rằng Nhật Bản không làm gì sai trái cả”.
Bà Matsuoka đã dành nhiều thời gian để phỏng vấn các lính Nhật từng xâm chiếm Nam Kinh.
“Đã có nhiều lời khai của các nạn nhân, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần nghe từ phía những người lính” – bà nói.
“Mất nhiều năm trời nhưng tôi đã phỏng vấn được 250 người trong số họ. Ban đầu nhiều người từ chối tiếp chuyện, nhưng cuối cùng họ cũng thừa nhận đã giết hại, trộm cắp và hãm hiếp”.
Khi tôi được xem video phỏng vấn các binh sĩ, điều làm tôi “sốc” không phải chỉ là việc họ thừa nhận tội ác mà còn là tuổi tác của họ. Họ đã cao tuổi vào lúc bà Matsuoka phỏng vấn, nhưng vào thời điểm hành động, nhiều người mới chỉ 20 tuổi.
Tôi thấy nghẹn ngào với một cảm xúc vô cùng phức tạp. Tôi buồn khi thấy Nhật Bản luôn bị xem là hung dữ. Tôi lo lắng khi tự hỏi có bao nhiêu người xung quanh tôi sẽ giận dữ nếu họ biết tôi là người Nhật Bản. Nhưng tôi cũng có một câu hỏi lớn là tại sao, điều gì đã khiến những người lính trẻ đó làm những việc tồi tệ.
Khi Matsuoka xuất bản cuốn sách, bà nhận được nhiều lời đe dọa từ các nhóm chủ nghĩa dân tộc.
Bà và ông Fujioka đại diện cho 2 phe đối lập trong một cuộc tranh luận về những gì cần được giảng dạy trong nhà trường ở Nhật Bản.
Ông Fujioka và Hiệp hội Cải cách sách giáo khoa Lịch sử của ông cho rằng hầu hết sách giáo khoa chỉ dạy bọn trẻ về Nhật Bản theo hướng tiêu cực.
“Cơ chế cấp phép sách giáo khoa Nhật Bản có cái gọi là ‘điều khoản quốc gia láng giềng’, trong đó yêu cầu sách giáo khoa phải thể hiện sự cảm thông trong cách ứng xử với các sự kiện lịch sử liên quan tới các quốc gia láng giềng châu Á. Điều đó thật vô lý” – ông nói.
Ông Fujioka từng nổi tiếng với việc gây áp lực cho các chính trị gia nhằm loại bỏ cụm từ ‘phụ nữ giải khuây’ ra khỏi tất cả các cuốn sách giáo khoa trung học. Cuốn sách giáo khoa đầu tiên của ông chỉ đưa ra một tài liệu tham khảo ngắn gọn về cái chết của các binh sĩ Trung Quốc và dân thường ở Nam Kinh, tuy nhiên ông dự định sẽ giảm nhẹ hơn nữa chi tiết này trong cuốn sách tiếp theo.
Tuy nhiên, lờ đi sự thật có phải là một giải pháp?
“Dựa trên hướng dẫn của Bộ, các trường tự quyết định sẽ tập trung giảng dạy về sự kiện nào tùy thuộc vào mỗi địa phương và hoàn cảnh của nhà trường cũng như độ trưởng thành của học sinh”. |
“Điều đó đồng nghĩa với việc các trường phải dạy về sự ảnh hưởng của quân đội Nhật và sự mở rộng sức mạnh của nó (vào những năm 1930) cũng như cuộc chiến kéo dài ở Trung Quốc” – phát ngôn viên Akihiko Horiuchi của Bộ này cho hay.
“Học sinh cần biết về mức độ thiệt hại mà Nhật Bản đã gây ra ở nhiều quốc gia trong cuộc chiến này cũng như những đau khổ mà người Nhật đã trải qua, đặc biệt ở Hiroshima, Nagasaki và Okinawa để hiểu được tầm quan trọng của hòa bình và hợp tác quốc tế.
“Dựa trên hướng dẫn của Bộ, các trường tự quyết định sẽ tập trung giảng dạy về sự kiện nào tùy thuộc vào mỗi địa phương và hoàn cảnh của nhà trường cũng như độ trưởng thành của học sinh”.
Tuy nhiên, bà Matsuoka cho rằng Chính phủ đã cố tình không dạy người trẻ các chi tiết về sự tàn ác của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới thăm ngôi đền Yasukuni gây tranh cãi |
Đã trải qua 2 nền giáo dục ở 2 quốc gia, tôi nhận thấy cách dạy Lịch sử ở Nhật ít nhất cũng có một ưu điểm. Đó là học sinh sẽ có một hiểu biết toàn diện về các sự kiện đã xảy ra theo niên đại.
Dù sao, tôi và bạn bè thật may mắn. Vì tất cả học sinh trung học cơ sở đều có một chỗ ngồi chắc chắn ở trường trung học phổ thông, trong khi nhiều người phải trải qua cái được gọi là “cuộc chiến thi cử”.
Với những học sinh phải cạnh tranh để được vào một trường phổ thông hoặc đại học xuất sắc, cuộc đua này cực kỳ khó khăn và đòi hỏi phải học thuộc lòng hàng trăm ngày tháng, sự kiện.
Họ không có thời gian để dừng lại ở một vài trang nói về tội ác chiến tranh ngay cả khi đọc được chúng trong sách giáo khoa.
Tất cả những điều này dẫn đến việc các quốc gia láng giềng châu Á – đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc – cáo buộc Nhật Bản bưng bít tội ác chiến tranh.
Trong khi đó, tân Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vẫn chỉ trích chương trình giảng dạy của Trung Quốc là ‘chống Nhật thái quá’.
Tân Thủ tướng – cũng giống như ông Fujioka – muốn thay đổi cách dạy Lịch sử ở Nhật Bản để bọn trẻ có thể tự hào về quá khứ của chúng ta. Họ cũng đang xem xét sửa đổi lại lời xin lỗi năm 1993 của Nhật Bản về vấn đề ‘phụ nữ giải khuây’.
Nếu chuyện đó xảy ra, chắc chắn nó sẽ gây ra một khuấy động lớn với các nước láng giềng châu Á. Và nhiều người Nhật sẽ không biết tại sao các sự kiện lịch sử thế kỉ 20 lại là một vấn đề lớn với những người láng giềng.
- Nguyễn Thảo (lược dịch từ BBC)