- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: “Trong khuôn khổ kết quả đánh giá của PISA, cái gì mình hơn các nước thì mình tự hào. Lâu nay chất lượng giáo dục VN bị đánh giá thấp nên chúng tôi rất lo lắng. Kết quả này cũng mang thêm niềm tin cho ngành”.

Chiều 4/12, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo công bố kết quả kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển quốc tế vừa công bố ngày 3/12. Nhiều băn khoăn, thắc mắc của PV đã được giải đáp.

Kinh phí VN bỏ ra rất thấp

Kinh phí VN phải bỏ ra khi tham gia PISA?

Bà Lê Mỹ Hà, Giám đốc trung tâm kiểm định thuộc Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT: Chi phí tham gia VN phải đóng là 160.000 euro cho mỗi chu kỳ tham gia. Số tiền này Việt Nam chi trả cho toàn bộ kĩ thuật mà OECD cung cấp. Còn lại là các chi phí khác do chúng ta tự lo như: mỗi năm tập huấn 2-3 lần/năm, khảo sát thử nghiệm, khảo sát chính thức cho học sinh, những lần đi học ở nước ngoài, sao in đề thi, chấm bài,…Theo thông tin, ở Canada mỗi chu kỳ chi phí hết 8 triệu USD.

{keywords}
Bà Lê Mỹ Hà (Ảnh: Văn Chung)

Ở VN chưa thống kê chu kỳ hết bao nhiêu nhưng chi phí rất thấp vì ta phải làm mọi biện pháp tiết kiệm trong điều kiện tài chính eo hẹp. Khi chương trình phát triển bậc trung học có số liệu chúng tôi sẽ cung cấp sau.

Kết quả PISA có ý nghĩa thế nào với giáo dục Việt Nam?.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:Đổi mới phương pháp đánh giá về giáo dục được coi là một trong giải pháp đột phá của đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Việc học của học sinh cũng chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. PISA hỗ trợ rất nhiều trong việc thay đổi cách đánh giá giáo dục của VN.

Ta đang trong hội nhập kinh tế quốc tế, PISA góp phần trả lời học sinh Việt Nam đang đứng ở đâu, yếu gì, mạnh gì để cải thiện chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu hội nhập với thế giới. Qua đó, ngành giáo dục sẽ chấn chỉnh, tạo điều kiện về mặt chính sách để cải thiện chất lượng giáo dục.

Lâu nay, chúng ta chỉ quan tâm đến chất lượng các kỳ thi mà chưa đánh giá về chất lượng giáo dục của đất nước, của địa phương. Vì vậy, PISA là cách để chúng ta nhìn nhận, đánh giá về chất lượng giáo dục của từng vùng miền, qua đó điều chỉnh những bất cập. Đây cũng là cách đánh giá thiên về năng lực học sinh.

Cái gì hơn thì tự hào

Ngành giáo dục có tự hào với kết quả này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trong khuôn khổ kết quả đánh giá của PISA, cái gì mình hơn các nước thì mình tự hào.

Nhưng phải thừa nhận PISA không đánh giá  được toàn bộ năng lực của học sinh, chỉ là ở 3 năng lực mà họ khảo sát.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trao đổi với báo chí chiều 4/12. (Ảnh:V.Chung)

Chúng ta chưa có điều kiện để so sánh, đánh giá về năng lực ở học sinh ở Việt Nam ở các mặt khác. Vì vậy, tới đây ngành giáo dục đang nỗ lực điều chỉnh những hạn chế để chuyển giáo dục theo hướng phát triển năng lực toàn diện của học sinh.

Cách đánh giá của PISA thiên về năng lực vận dụng kiến thức của học sinh để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Ông có bất ngờ với kết quả này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đây là kết quả khá bất ngờ đối với giáo dục Việt Nam. Vì quan niệm thế giới cho rằng  quốc gia kinh tế kém phát triển thì không thể có chất lượng giáo dục tốt. Tôi cũng không ngờ là học sinh mình khá vậy.

Lâu nay chất lượng giáo dục VN bị đánh giá thấp nên chúng tôi rất lo lắng. Kết quả này cũng mang thêm niềm tin cho mình (ngành GD-PV).

Không phải là không có những băn khoăn khi tham gia PISA, có sợ không khi nói ra những yếu kém của ngành. Có sợ không? Có, cả nhạy cảm. Nhưng ngành giáo dục và Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khi đó chỉ đạo phải dũng cảm để nhìn thẳng sự thật những mặt mạnh-yếu của giáo dục phổ thông.

Đây là danh dự quốc gia của Việt Nam. Kết quả này là hoàn toàn trung thực. Việt Nam không làm gì sai sót. Chúng ta cũng không vì áp lực tâm lý nào, không vì mục đích đánh giá thành tích của bất kỳ tổ chức, cá nhân, địa phương nào. Đó không phải là một kỳ thi để lấy thành tích. Đó là một cuộc khảo sát để nhận diện chất lượng giáo dục phổ thông của cả một quốc gia.

Kết quả tốt giáo dục phổ thông như vậy rồi, có nhất thiết phải đổi mới toàn diện giáo dục hay tập trung cho những lĩnh vực khác như cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo,…?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: So với giáo dục đại học và nghề nghiệp, chất lượng giáo dục phổ thông có phần yên tâm hơn. Điều quan trọng tới đây là tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông.

Nghị quyết TƯ 8 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã khẳng định chất lượng giáo dục đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu nhất là chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp. Như vậy cũng có phần so sánh với chất lượng giáo dục phổ thông. Kiến thức tốt rồi sắp tới đổi mới mạnh hơn về nội dung, mục tiêu làm sao để con người phát triển toàn diện hơn, phát triển năng lực giải quyết vấn đề. Năng lực không chỉ một mình mình mà năng lực sống với cộng đồng.

Nói như UNESCO đã tổng kết học để biết mình khá rồi, học để làm còn hơi yếu, học để chung sống nghe cũng khó.

Quy trình kỹ thuật thực hiện PISA ở VN như thế nào?

Bà Lê Mỹ Hà: Khi tham gia, Việt Nam phải tuân thủ toàn bộ quy trình kỹ thuật của chương trình nghiêm ngặt, trong đó có việc chọn mẫu. Tất cả các nước phải xây dựng dữ liệu mẫu nộp cho OECD.

Khác các kỳ thi Olympic quốc tế, mẫu chọn là dân số ở tuổi 15. Các em học ở bất kỳ loại hình trường nào: trường phổ thông công lập, trường nghề, bổ túc, TT GDTX, kể cả trường nghề đều có thể lọt vào mẫu này.

Việt Nam gửi mẫu, chọn mẫu là do OECD lựa chọn. Bìa đề thi được niêm yết tên tuổi, năm sinh của thí sinh và do OECD cung cấp.

Ở Việt Nam, mỗi trường chọn 35 học sinh, thi 13 bộ đề thi hoàn toàn khác nhau về nội dung. Không có chuyện học sinh trao đổi bài với nhau vì đề thi của mỗi học sinh là khác. Kết quả hoàn toàn khách quan.

Nếu OECD phát hiện 2 học sinh ngồi cùng trường có trả lời giống nhau sẽ không được công nhận. Không trung thực, họ sẽ không xử lý và công nhận kết quả của quốc gia đó.

Toàn bộ các em có em Bản thân OECD, khi xem xét kết quả cũng đã chất vấn Việt Nam vì họ bất ngờ khi thường những nước kinh tế thấp kết quả không cao. Bất kỳ chất vấn nào của họ mà VN không trả lời được hoặc có vấn đề kết quả sẽ bị hủy. Đã từng có nước bị hủy kết quả. Tuy nhiên, kết quả của Việt Nam đã được công nhận vì hoàn toàn trung thực.

  • Văn Chung (ghi)