Grab hồi tuần trước chính thức ra mắt dịch vụ GrabMart, liên kết với các đối tác bán thực phẩm để khách dùng ứng dụng có thể đặt hàng trực tiếp, tài xế của Grab sẽ giao hàng tận nơi.
Một số siêu thị của BigC và Co.op Mart đã hợp tác với Grab. Một số cửa hàng thực phẩm, trái cây, thịt tươi,... cũng đưa sản phẩm lên ứng dụng gọi xe đang có thị phần số 1 Việt Nam. Khách khi đặt hàng thì đơn hàng đến thẳng các cửa hàng/siêu thị, nhân viên tại đây sẽ chuẩn bị hàng hoá, tài xế Grab chỉ đến lấy mang đi giao cho khách.
Dịch vụ mới này giúp người dân thuận tiện hơn trong việc mua hàng online trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời góp phần thay đổi thói quen mua sắm trong thời gian tới.
Trước Grab, Now hay Loship đã có dịch vụ tương tự. Ứng dụng be cũng có dịch vụ đi chợ giúp. Việc này giúp hàng hoá từ nhiều cửa hàng được đến tay người dùng nhanh hơn, thuận tiện hơn. Tuy vậy, không phải đơn vị bán lẻ nào cũng muốn đưa hàng của mình “lên app”.
Chẳng hạn, khách hàng có thể mua thuốc, thực phẩm chức năng,... của nhà thuốc Long Châu trên ứng dụng Now. Tuy nhiên trên thực chất, tài xế của Now khi nhận được đơn hàng của khách sẽ đến nhà thuốc mua hàng như một người dùng bình thường - đúng nghĩa “mua giúp” - sau đó đem giao cho khách.
Khi được hỏi về việc này, đại diện chuỗi nhà thuốc Long Châu cho biết, do mặt hàng thuốc là mặt hàng có điều kiện đặc biệt, tuỳ nhóm sản phẩm mà yêu cầu cần phải có toa thuốc, chỉ định của bác sĩ hay tư vấn của dược sĩ… nên không phải sản phẩm nào cũng có thể bán hàng online và giao hàng mà không có kiểm soát. Chuỗi này cho biết có giới thiệu và giao hàng tận nhà các sản phẩm không phải là thuốc như: Thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, dược mỹ phẩm…
“Để phối hợp với các kênh giao hàng tận nhà như Now hay Grab, chúng tôi cần cân nhắc kỹ lưỡng mô hình hợp tác, đảm bảo tuân thủ qui định của ngành cũng như của nhà nước”, đại diện Long Châu cho biết.
Nhiều ứng dụng hiện nay do nhiều lý do khác nhau nên đa số hoạt động theo mô hình “mua giúp”. Tuy nhiên cả Now, Loship đều có các đối tác được chứng thực, tức cả hai bên hợp tác chính thức, liên kết hệ thống công nghệ với nhau tương tự như GrabMart. Việc liên kết hệ thống giúp thực hiện đơn hàng nhanh hơn, minh bạch hơn, và nhiều lợi điểm khác.
Một số nhà bán lẻ truyền thống như Co.op Mart, BigC có lẽ chưa có đội giao hàng phủ rộng nên sẵn lòng hợp tác với bên giao hàng thứ 3 như Grab. Một số cửa hàng nhỏ hơn rõ ràng thấy được lợi ích khi không phải trả lương cho nhân viên giao hàng, chỉ cần thuê bên thứ 3.
Dù vậy, tương tự trường hợp Long Châu nói trên, một số chuỗi chỉ muốn xây đội giao hàng riêng nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Chẳng hạn mặc dù người dùng ứng dụng Now vẫn có thể mua hàng do Bách hoá Xanh bán, đúng theo nghĩa tài xế Now đi mua hộ. Tuy nhiên đại diện Bách hoá Xanh cho biết hiện tại không có kế hoạch trở thành đối tác chính thức với các nền tảng giao nhận.
“Chúng tôi muốn xây dựng đội giao hàng của riêng mình để bảo đảm dịch vụ tốt. Các bên thứ ba có giao hàng đến tận cửa nhà khách hàng như chúng tôi không hay sẽ gọi khách xuống nhận nếu giao lên chung cư? Thái độ nhân viên giao hàng có được đào tạo bài bản như chúng tôi không?”, đại diện chuỗi siêu thị này cho biết, đồng thời tự tin cho rằng sẽ xây dựng được đội ngũ giao nhận đủ để phục vụ nhu cầu khách hàng. Đó là chưa kể họ phải chia sẻ doanh thu với bên thứ ba.
Nói rộng hơn về lợi thế khi tự xây dựng một đội giao hàng riêng, ông ông Henry Low - Tổng Giám đốc Điều hành TikiNOW Smart Logistics, đơn vị giao hàng chủ chốt của Tiki - cho biết tại nhiều quốc gia trên thế giới nơi mà mua sắm online đã trở thành thói quen của đa phần người tiêu dùng, những nhà bán lẻ có thể kiêm nhiệm luôn cả chuỗi dịch vụ cung ứng hàng hóa đầu-cuối chính là những nhà cung cấp đáng tin cậy nhất khi họ luôn thực hiện đúng cam kết với khách hàng.
Điều này là bởi các sản phẩm được cung ứng bởi những đơn vị này đều được đảm bảo chất lượng một cách ổn định nhất khi sản phẩm luôn được kiểm tra chất lượng ở từng bước trong toàn bộ quy trình xử lý đơn hàng, gồm Nhận hàng – Xếp hàng – Lấy hàng trong kho – Giao hàng. Ngoài ra, việc sở hữu đội ngũ giao hàng cũng giúp tỷ lệ giao hàng đúng giờ luôn được kiểm soát chặt chẽ. Ở khâu giao hàng, đội ngũ vận chuyển này cũng sẽ chủ động kiểm soát và điều chỉnh thời gian và tần suất để thuận tiện nhất cho khách hàng.
Tuy nhiên để xây dựng và sở hữu chuỗi dịch vụ đầu-cuối đòi hỏi rất nhiều về mặt ngân sách cũng như cần đảm bảo dòng tiền hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các startup. Vì vậy, sở hữu cơ sở hạ tầng, nhân sự, quy trình, hệ thống công nghệ… không phải lúc nào cũng áp dụng được cho tất cả doanh nghiệp.
Mặc dù sở hữu đội ngũ giao hàng riêng sẽ mang đến dịch vụ đáng tin cậy nhất, tuy nhiên vẫn luôn có các yêu cầu giao hàng đến những vùng nông thôn hay hải đảo xa xôi, những địa điểm này không khả thi về mặt kinh tế để TikiNOW Smart Logistics có thể tự thực hiện được. Vì vậy, các đối tác giao vận bên thứ ba (thường được biết đến với thuật ngữ 3PL) với mô hình kinh doanh phù hợp sẽ là đối tác hỗ trợ tốt cho chúng tôi. Đó cũng là lý do TikiNOW Smart Logistics luôn đẩy mạnh sự hợp tác với những đối tác này với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo mang đến dịch vụ giao hàng đáng tin cậy nhất cho tất cả người tiêu dùng và nhà cung cấp.
"Chúng tôi luôn cho rằng, hoàn toàn dựa vào đội ngũ giao hàng trong nhà không hẳn là một quyết định kinh doanh hoàn hảo. Bởi luôn có những đối tác có thể cung cấp một số dịch vụ giao vận hiệu quả hơn về mặt chi phí và mức độ dịch vụ. Vậy tại sao lại không tận dụng các dịch vụ sẵn có của các đối tác, kết hợp cùng thế mạnh nội tại của doanh nghiệp để phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng", ông Henry Low nhấn mạnh.
Tuy vậy, không phải ai cũng xây dựng được đội giao hàng riêng nên các nền tảng như Grab, be, Now vẫn là kênh đáng giá đóng góp vào dịch vụ giao hàng nói chung, mảng giao hàng tức thời nói riêng.