Trong 2 giờ, các chuyên gia y tế đã giải đáp các thắc mắc của bạn đọc về các dịch bệnh nguy hiểm mùa Đông - Xuân, tư vấn phòng tránh lây nhiễm sởi, rubella, ho gà, cúm A/H1N1, liên cầu khuẩn từ lợn.
Những năm gần đây, cứ dịp năm hết Tết đến, Bộ Y tế lại gửi các tỉnh thành và nhiều ban ngành cảnh báo về sự gia tăng của các dịch bệnh tay-chân-miệng, viêm màng não mô cầu, viêm màng não do virus... Danh sách cảnh báo của Bộ Y tế chưa bao giờ vắng mặt các bệnh sởi, rubella, ho gà, cúm A/H1N1...
Đặc biệt, bệnh liên cầu khuẩn- một bệnh nguy hiểm chết người do ăn tiết cạnh lợn, liên tục được cơ quan chức năng cảnh báo phòng tránh, nhưng các ca cấp cứu vẫn không ngừng gia tăng mỗi dịp lễ Tết.
Theo giải thích của các chuyên gia y tế, thời tiết đông - xuân khô-lạnh, hoặc mưa dầm-thiếu nắng, cùng với sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội khiến dịch bệnh dễ bùng phát. Đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bao gồm các chủng cúm gia cầm độc lực cao gây bệnh cho người và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
Tết cũng là dịp gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc lưu thông mạnh qua biên giới; an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến và tiêu thụ thực phẩm trở nên lơi lỏng và đây chính là nguồn lây bệnh dịch sang người.
Trong khi đó, nhiều gia đình, mải vui Xuân mới, lơi lỏng vệ sinh cá nhân, coi nhẹ ăn chín uống sôi, thậm chí quên lịch tiêm chủng vắc xin cho trẻ, khiến bệnh nguy hiểm mùa Đông - Xuân dễ lây nhiễm, lây lan mạnh trong cộng đồng, bùng phát thành dịch.
Để cung cấp đến bạn đọc thông tin cụ thể về các bệnh dễ mắc phải dịp lễ Tết, tư vấn cách phòng - chữa hiệu quả, cấp cứu kịp thời, VietNamNet tổ chức Giao lưu trực tuyến Dịch bệnh mùa lễ Tết.
Giao lưu diễn ra từ 14h ngày 28/12/2018, với sự tham gia của 2 khách mời - chuyên gia, từ Bộ Y tế và bệnh viên:
- BS Nguyễn Bá Đăng - Chuyên viên Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)
- BS. Trần Thị Hải Ninh- Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Bà Hoàng Thị Bảo Hương, Phó Tổng Biên tập báo VietNamNet tặng hoa cho các khách mời. Ảnh: Lê Anh Dũng |
NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU
Phạm Gia Hưng , Nam - 36 Tuổi
Dịch bệnh nhiều nhưng khi con ốm, tôi rất ngại cho đi khám vì sợ lây nhiễm chéo. Xin hỏi dấu hiệu ban đầu và sớm nhất để nhận biết chân tay miệng là gì? Xin cảm ơn
BS Nguyễn Bá Đăng: Các biểu hiện ban đầu thường gặp của bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ bao gồm : mệt mỏi , chán ăn hoặc bỏ bú , quấy khóc nhiều , sốt thường là sốt cao trên 38 độ C. Ở giai đoạn tiếp theo có thể thấy phát ban ở tay chân, mông, niêm mạc miệng.
Toàn cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng |
An Na , Nữ - 30 Tuổi
Người lớn có nguy cơ mắc chân tay miệng không? Nếu có thai dịch này có ảnh hưởng gì đến thai nhi hay không?
BS. Trần Thị Hải Ninh: Người lớn vẫn có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, tỷ lệ gặp thấp hơn ở trẻ nhỏ rất nhiều, biểu hiện lâm sàng cũng thường nhẹ hơn, ít biến chứng hơn.
Trường hợp phụ nữ có thai mắc bệnh tay chân miệng, tương tự như nhiễm các vi rút khác, việc nhiễm vi rút tay chân miệng có thể ảnh hưởng đến thai nhi như gây dị tật thai, đẻ non, nhiễm tay chân miệng ở trẻ trong thời gian chu sinh.
Nguyễn Thị Việt Thành , Nữ - 52 Tuổi
Tôi nghe nói có thể phòng nhiều bệnh mùa đông bằng uống nước tía tô. Xin hỏi thực hư việc này? Nếu được tôi có thể dùng cho cháu tôi 4 tuổi được không?
BS. Trần Thị Hải Ninh: Hiện tại chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh vai trò của nước lá tía tô trong phòng bệnh mùa đông. Vì vậy, bác cần hết sức thận trọng khi sử dụng cho trẻ nhỏ với mục đích phòng bệnh.
BS Trần Thị Hải Ninh đang tư vấn cho bạn đọc VietNamNet. Ảnh: LAD |
Vũ Hồng Nhung , Nữ - 26 Tuổi
Cứ mỗi khi Tết về, nhà tôi lại đụng lợn và đánh tiết canh. Thấy mấy ca nhiễm liên cầu lợn tôi cũng hơi rờn rợn nhưng người nhà bảo lợn nhà nuôi thì yên tâm, lo gì. Xin BS tư vấn giúp. Cũng xin hỏi thêm BS là ăn tiết canh vịt có bị bệnh do liên cầu không? Cảm ơn BS.
BS Nguyễn Bá Đăng: Người dân thường có quan điểm cho rằng lợn do gia đình nuôi là lợn sạch và có thể ăn tiết canh. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ cao nhiễm liên cầu lợn do thông thường thì vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng của lợn mà không gây bệnh cho con vật do đó những con lợn này trở thành lợn lành mang mầm bệnh và bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu. Với lợn nhiễm liên cầu khuẩn (cả lợn lành mang mầm bệnh và lợn bệnh), trong máu (tiết canh) và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn.
Tiết canh vịt thường có nguy cơ nhiễm nhóm vi rút cúm gia cầm độc lực cao như A/H5N1, H5N6,...
Vì vậy không nên ăn các loại tiết canh.
BS Nguyễn Bá Đăng giải đáp thắc mắc về các bệnh dễ gặp dịp Tết. Ảnh: LAD |
Đinh Thành Nam , Nam - 41 Tuổi
Tôi vẫn rèn cho con thói quen rửa tay khi về nhà. Tuy nhiên xà phòng liệu có diệt được các vi khuẩn gây bệnh?
BS. Trần Thị Hải Ninh: Việc rèn luyện các thói quen giữ vệ sinh cá nhân như : rửa tay trước khi ăn , sau khi vui chơi , sau khi đi vệ sinh, ... là rất hữu ích trong phòng chống lây nhiễm các bệnh. Xà phòng diệt khuẩn có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh đặc biệt là các bệnh lí lây truyền qua đường ăn uống.
Lã Hải Anh , Nữ - 30 Tuổi
Con tôi bị tay chân miệng được 5 ngày, đến nay các mụn nước đã lành nhưng vẫn còn nổi lên vài mụn nước. Vậy cho tôi hỏi, con tôi đã hết tay chân miệng hay chưa? Bé có bị tái phát lại hay không? Cần chăm sóc bé nhưng thế nào để phòng tránh tay chân miệng ạ?
BS. Trần Thị Hải Ninh: Thời gian biểu hiện lâm sàng của bệnh tay chân miệng thể thông thường thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Nếu con bạn đã nhiễm bệnh 5 ngày, một số mụn nước đã lành và vẫn còn nổi thêm một số mụn nước khác thì bệnh đang tiến triển theo chiều hướng thuyên giảm. Nhiễm vi rút tay chân miệng thường tạo miễn dịch bền vững, trẻ không bị mắc lại đúng chủng vi rút đã gây bệnh lần trước, tuy nhiên ở những trẻ bị suy giảm miễn dịch như trẻ suy dinh dưỡng, trẻ nhiễm HIV, ... vẫn có nguy cơ bị mắc lại bệnh. Cách phòng trách bệnh tay chân miệng bao gồm: Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, có thể lau sàn ở các nhà trẻ/trường mẫu giáo bằng dung dịch diệt khuẩn, khử trùng đồ chơi của trẻ ; đảm bảo chế độ dinh dưỡng an toàn sạch sẽ ; trong trường hợp có trẻ mắc bệnh thì cần được cách li để tránh lây lan.
Nguyễn Thanh Tú , Nữ - 23 Tuổi
Cho tôi hỏi cách phòng tránh các dịch bệnh dễ mắc phải khi ăn uống nhậu nhẹt, các thức ăn dầu mỡ liên tục trong các ngày lễ tết.
BS. Trần Thị Hải Ninh: Khi ăn uống nhậu nhẹt trong dịp lễ tết thường dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như tiêu chảy - ngộ độc thực phẩm do ăn phải thức ăn ôi thiu, đầy bụng khó tiêu do ăn thức ăn nhiều đạm hoặc nhiều dầu mỡ, ngộ độc rượu thậm chí suy gan cấp, viêm tụy cấp do uống rượu bia. Cách phòng tránh đảm bảo thực phẩm tươi sống có nguồn gốc xuất xử rõ ràng, ăn nhiều rau xanh uống nhiều nước, hạn chế rượu bia và các chất kích thích.
Kiên Cường , Nam - 35 Tuổi
Tôi có một vài câu hỏi dành cho bác sĩ: 1. Vắc xin có tác dụng phòng bệnh khi đã tiếp xúc với virus sởi không, thưa bác sĩ? 2. Tiêm vắc xin sởi có thể phòng được hoàn toàn không mắc bệnh sởi? Miễn dịch sau tiêm vắc xin sởi có bền vững suốt đời không thưa ông? 3. Phân biệt bệnh sởi và các bệnh tương tự bằng cách nào, thưa bác sĩ? Cám ơn bác sĩ rất nhiều.
BS. Trần Thị Hải Ninh: Thời gian kể từ khi tiêm vắc xin sởi cho đến khi vắc xin có tác dụng bảo vệ trung bình là 1 tháng. Do vậy, khi đã tiếp xúc với bệnh nhân mắc sởi, thì việc tiêm vắc xin tại thời điểm đó không có tác dụng bảo vệ chống lại việc nhiễm virus sởi từ lần tiếp xúc đó.
Về cơ bản, việc tiêm vắc xin sởi có hiệu quả phòng ngừa mắc bệnh sởi tuy nhiên hiệu quả không đạt được trên 100% người được tiêm vắc xin. Vì vậy khuyến cáo được đưa ra là cần tiêm nhắc lại vắc xin sởi. Miễn dịch sau khi tiêm vắc xin sởi có hiệu quả bảo vệ cao nhưng chưa được khẳng định là sẽ tạm miễn dịch bền vững suốt cuộc đời.
Để chuẩn đoán xác định bệnh sởi ngoài việc căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng điển hình còn cần thêm các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh như huyết thanh chẩn đoán bệnh sởi được thực hiện tại các cơ sở y tế.
Hoài Lam , Nữ - 32 Tuổi
Xin hỏi Cục Y tế dự phòng có kế hoạch phòng, chống các dịch bệnh giao mùa như thế nào?
BS Nguyễn Bá Đăng: Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương xây dựng, trình phê duyệt và triển khai ngay từ đầu năm kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2019.
Chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu, cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng có dịch; tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh; lưu ý các bệnh do các chủng cúm gia cầm độc lực cao như cúm A(H7N9), Cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), cúm mùa, các bệnh lây qua đường hô hấp như ho gà, bạch hầu, sởi,… không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.
Chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh để nắm chắc tình hình bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nhập viện trong dịp tết Nguyên đán và trong mùa lễ hội đầu năm để phát hiện sớm các ổ dịch cũng như chia sẻ tình hình dịch bệnh tại cộng đồng để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở y tế; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa các bệnh lây truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.
Tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018 -2019, cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố nguy cơ cao. Đồng thời tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch; sẵn sàng các đội cơ động phòng chống dịch, tổ chức thường trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ lễ, tết để kịp thời triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Minh Hằng , Nữ - 22 Tuổi
Con tôi vừa bị hắt hơi sổ mũi, ho và sốt nhẹ. Đi khám BS BV Hồng Ngọc thì BS nói là cúm H1N1 và kê cho kháng sinh và tamiflu. Tuy nhiên, tôi thấy triệu chứng của cháu rất nhẹ. Như mọi lần tôi chỉ cần cho con uống siro ho và nhỏ nước muối là con tự khỏi. Xin BS tư vấn giúp là tôi có nên cho con uống kháng sinh và taminflu không ạ. Cảm ơn bác sĩ nhiều.
BS. Trần Thị Hải Ninh: Nhiễm cúm H1N1 thể thông thường chỉ cần điều trị các triệu chứng như hạ sốt, giảm hắt hơi, sổ mũi nghẹt mũi. Trên 1 số cơ địa đặc biệt như người già, trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai, người mắc 1 số bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hoặc các trường hợp nhiễm H1N1 có biến chứng viêm phổi ... thì cần được điều trị bằng Tamiflu. Kháng sinh không có tác dụng đối với các trường hợp nhiễm H1N1 thông thường, không có bộ nhiễm vi khuẩn. Đối với trường hợp con của bạn do bạn chỉ mô tả 1 số triệu chứng nên chúng tôi chưa thể chẩn đoán chính xác và đưa ra lời khuyên hợp lý. Bạn có thể liên hệ trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn.
Nguyễn Thị Tươi , Nữ - 36 Tuổi
Tôi hay bị đầy bụng khó tiêu, cơ thể muốn đi ngoài nhưng lại không đi được. cần phải ăn uống rất điều độ hệ tiêu hóa mới hoạt động trơn chu. Vậy với dịp lễ tết tôi phải làm thế nào để hệ tiêu hóa ổn định nhất.
BS. Trần Thị Hải Ninh: Trong dịp lễ Tết, chế độ ăn uống của chúng ta thường thay đổi: thời gian dùng bữa thường không cố định, lượng thực phẩm tiếp nhận nhiều hơn so với ngày thường, hay sử dụng rượu bia chất kích thích... những điều này thường gây tác động xấu đến tiêu hóa. Để đảm bảo cho hệ tiêu hóa hoạt động ổn định, chúng ta cần duy trì thói quen ăn uống lành mạnh như ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, dùng bữa vào thời gian cố định trong ngày, ăn ít thực phẩm nhiều dầu mỡ, hạn chế rượu bia.
Nguyễn Thành Giang , Nam - 35 Tuổi
Xin hỏi thời tiết giá lạnh thì những dịch bệnh nào dễ xảy ra nhất? Biên pháp phòng chống là gì?
BS Nguyễn Bá Đăng: Thời tiết lạnh trong mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi rút và vi khuẩn phát triển mạnh. Cùng với sự giao lưu đi lại, buôn bán vận chuyển, sử dụng gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội làm cho các bệnh lây từ động vật sang người như cúm gia cầm, liên cầu lợn, cúm mùa, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như sởi, thủy đậu, quai bị, Adeno vi rút,… bệnh lây qua đường tiêu hóa,… có nguy cơ bùng phát.
Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm ta cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin: thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; vệ sinh môi trường; thông thoáng nhà ở; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; không ăn tiết canh, không giết mổ, vận chuyển mua bán, không ăn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín uống chín; khi nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm cần tự cách ly và đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Nguyễn Thị Hạnh , Nữ - 58 Tuổi
Cho tôi hỏi với những người bị mỡ máu, tiểu đường dịp lễ tết cần tránh ăn những thực phẩm gì?
BS. Trần Thị Hải Ninh: Đối với những trường hợp bị tăng mỡ máu hay tiểu đường thì cần hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ như đồ chiên rán, các thực phẩm có nguy cơ làm tăng mỡ mãu như phủ tạng động vật, hạn chế các thức ăn nhiều đường như bánh kẹo, mứt , hoa quả sấy khô,.. hạn chế rượu bia và các chất kích thích.
Hoàng Thu Trang , Nữ - 33 Tuổi
Xin hỏi trời lạnh như hiện nay còn nguy cơ sốt xuất huyết không? Hiện đã có vắc xin phòng bệnh này chưa? Cảm ơn bác sĩ.
BS Nguyễn Bá Đăng: Trời lạnh vẫn có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nếu bị muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết đốt, tuy nhiên thấp hơn so với thời tiết ấm do muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết không phát triển mạnh trong thời tiết lạnh.
Hiện nay tại Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, hiện đang được nghiên cứu tại một số quốc gia trên thế giới.
Đào Thị Hồng Bưởi , Nữ - 28 Tuổi
Cho tôi hỏi tôi định bổ sung probiotic trước ngày lễ để cơ thể khỏe mạnh và tiêu hóa tốt trước nhứng bữa nhậu, việc đó có cần thiết không. và nên bổ sung probiotic như thế nào cho đúng?
BS. Trần Thị Hải Ninh: Việc bổ sung Probiotic giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, cũng như tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể hiện tại có nhiều sản phẩm chứa Probiotic như sữa ,sữa chua, men tiêu hóa ... có thể sử dụng mỗi ngày. Tuy nhiên, những sản phẩm này cũng không thể giúp cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh nếu sử dụng quá nhiều rượu bia.
Huyền My , Nữ - 32 Tuổi
Xin BS tư vấn giúp: bé nhà tôi 3 tuổi, khi trời lạnh cháu hay ngứa ngáy cả người và gãi xước cả da. Liệu cháu có mắc bệnh da liễu gì không hay chỉ do dị ứng thời tiết. Tôi có thể làm gì cho con bớt khó chịu. Cảm ơn BS.
BS. Trần Thị Hải Ninh: Khi trời lạnh, da trẻ hay bị khô, nứt nẻ làm trẻ ngứa , gãi nhiều có thể gây các tổn thương da thậm chí viêm da, nhiễm khuẩn. Để trẻ bớt khó chịu, bạn có thể sử dụng các sản phẩm giữ ẩm cho da trẻ nên bôi thường xuyên vào buổi sáng và tối ngay sau khi trẻ tắm hoặc rửa mặt và bôi nhắc lại nếu cần để cung cấp đủ độ ẩm cho da. Trong trường hợp, trẻ ngứa và gãi nhiều, bạn nên đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán phù hợp.
Thu Hương , Nữ - 37 Tuổi
Mùa này tôi thấy xuất hiện nhiều loại cúm. Hiện có những vắc xin chống cúm nào?
BS Nguyễn Bá Đăng: Hiện có vắc xin phòng các chủng cúm mùa như cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B,... Tuy nhiên chưa có vắc xin phòng chống các chủng cúm gia cầm độc lực cao như cúm A(H7N9), cúm A(H5N1), cúm A(H5N6).
Chu Thúy , Nữ - 28 Tuổi
Chào BS Ninh. Đợt này đúng là đợt lạnh nhất trong năm, trẻ em thường hay hắt hơi, sổ mũi, ho. Vậy BS tư vấn giúp cha mẹ cần chăm sóc con như thế nào để tăng sức đề kháng cho con ạ. Trong trường hợp nào cần đưa con đi khám ngay ạ? Xin cảm ơn BS nhiều
BS. Trần Thị Hải Ninh: Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ trong mùa lạnh cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ: rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đồ chơi. Bố mẹ nên cho trẻ mặc đồ đủ ấm, nhưng tránh mặc quá nhiều quần áo dày làm trẻ khó thoát mồ hôi khi chơi đùa. Cần đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ có các biểu hiện bất thường như trẻ nhỏ bỏ bú, quấy khóc nhiều, mệt lả, ngủ gà; sốt cao hoặc hạ thân nhiệt.
Thu Việt , Nữ - 25 Tuổi
Con tôi 1 tuổi rất hay bị ho có đờm khi thay đổi thời tiết. Mỗi lần ho lại cả tuần mới khỏi. Cháu đã bị viêm tiểu phế quản một lần. Xin hỏi bác sĩ, thời tiết lạnh như hiện nay cần làm gì để con không bị ho ạ? Tôi có cần cho con uống thêm loại tăng đề kháng?
BS. Trần Thị Hải Ninh: Để giúp trẻ không bị ho khi trời lạnh, bạn cần giữ ấm cho con, tránh cho trẻ chơi ngoài trời vào lúc sáng sớm hay tối muộn. Cha mẹ cần chú ý cho trẻ mặc đủ ấm, nhưng tránh quần áo quá dầy khó thoát mồ hôi; đặc biệt lưu ý giữ ấm vùng cổ và bàn chân cho trẻ. Bạn có thể cho trẻ dùng những phương thuốc dân gian như : quất ngâm mật ong, lá húng chanh hấp đường phèn,... Lưu ý cho trẻ tiêm đủ vắc xin phòng chống một số bệnh dịch mùa đông như cúm, sởi,...
Thanh Nga , Nữ - 30 Tuổi
Xin hỏi BS Nguyễn Bá Đăng, Tôi là phụ nữ đang cho con bú, tôi muốn hỏi tôi có thể tiêm vắc xin sởi được không?
BS Nguyễn Bá Đăng: Nếu bạn chưa từng bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin sởi, bạn có thể tiêm vắc xin sởi trong thời kỳ cho con bú, việc này tạo ra kháng thể bảo vệ cả người mẹ đồng thời bài tiết qua sữa bảo vệ trẻ khỏi mắc bệnh sởi.
Thanh Hà , Nữ - 2 Tuổi
Mùa lễ tết, trẻ em cũng dễ bị các tai nạn hóc dị vật hạt hướng dương, hạt dưa, bí, hóc thạch hoặc đồ chơi kích thước nhỏ bé. Vậy xin BS tư vấn giúp các sơ cứu hóc dị vật? Cảm ơn BS
BS. Trần Thị Hải Ninh: Trước hết, cha mẹ nên để các đồ vật như hạt hướng dương, hạt dưa, bí, hóc thạch hoặc đồ chơi kích thước nhỏ bé tránh xa tầm tay của trẻ .Khi trẻ ăn hoặc chơi nên có sự giám sát của cha mẹ. Trong trường hợp trẻ bị hóc, cha mẹ cần thực hiện nghiệm pháp Heimlich để giúp đẩy dị vật ra ngoài.
Cách thực hiện nghiệm pháp Heimlich như sau:
Người cấp cứu đứng phía sau nạn nhân.
Dùng hai tay vòng quanh eo nạn nhân. Giữ người bệnh ngả nhẹ ra phía trước.
Dùng một tay làm nắm đấm. Đặt nắm đấm ngay phía trên rốn.
Dùng tay còn lại đặt trên nắm đấm, sau đó ép nhanh, mạnh lên phía trên - giống như nhấc bổng nạn nhân lên.
Làm liên tục 5 lần như vậy khi thấy cần thiết.
Nếu nạn nhân vẫn chưa hết tắc đường thở, lặp lại chu trình 5 và 5.
Nạn nhân có thể tự làm nghiệm pháp Heimlich: Đặt nắm đấm ngay phía trên rốn, dùng tay kia áp chắc lên nắm đấm, sau đó ép mạnh ngược lên trên. Làm liên tục 5 lần.
Bình Bình , Nữ - 29 Tuổi
Mới đây con tôi ở trường mẫu giáo được cô giáo nhắc tiêm sởi vì xuất hiện chủng mới. Xin hỏi con tôi đã tiêm đủ mũi thì có cần tiêm thêm ở trường không?
BS Nguyễn Bá Đăng: Trước hết phải khẳng định là hiện nay vi rút sởi chưa có sự biến đổi và không có chủng mới của bệnh sởi. Trước nguy cơ bùng phát bệnh sởi, việc tiêm bổ sung vắc xin sởi là rất cần thiết để tăng cường miễn dịch bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh sởi theo khuyến cáo của ngành y tế.
Hoàng Yến , Nữ - 29 Tuổi
Xin BS tư vấn giúp triệu chứng của bệnh cúm mùa khác gì với bệnh cảm cúm thông thường. Trời lạnh tôi bị các triệu chứng của cảm thì có cần đi xét nghiệm để biết có phải bị cúm mùa không? Thuốc taminflu thì được uống khi nào?
BS Nguyễn Bá Đăng: Triệu chứng của bệnh cúm mùa và cảm cúm thông thường có biểu hiện giống nhau, khó phân biệt về mặt lâm sàng, chỉ có xét nghiệm thì mới phát hiện được chính xác tác nhân gây bệnh. Đối với tamiflu là thuốc điều trị bệnh cúm nhưng phải theo chỉ định điều trị của bác sĩ, người dân không nên mua thuốc để tự sử dụng.
Việt Hùng , Nam - 30 Tuổi
Bố tôi năm nay 59 tuổi. Gần đây ông hay kêu đau vùng quanh rốn, đau lâm râm kéo dài, có lúc thành từng cơn, toát mồ hôi. Đau nhiều nhất là sau mỗi bữa ăn hoặc có uống rượu bia. Tôi nghe nói như vậy là bị bệnh viêm tụy có đúng không thưa bác sĩ? Tết sắp đến rồi, lại phải chúc tụng nhiều, xin BS cho tôi lời khuyên để giúp bố mình ạ? Cảm ơn BS
BS. Trần Thị Hải Ninh: Các biểu hiện như bạn miêu tả có thể gặp trong nhiều bệnh như viêm dạ dày cấp, viêm tụy, viêm dạ dày ruột cấp do ngộ độc thức ăn ... Để phòng tránh các bệnh trên , bố bạn nên hạn chế uống rượu bia. Trong trường hợp bất đắc dĩ phải uống thì nên ăn nhẹ một số thức ăn trước khi uống như bánh mì, cơm, uống ít sữa; trong quá trình uống rượu bia nên bổ sung thêm nhiều nước lọc.
Thanh Tú , Nam - 33 Tuổi
Cách phòng bệnh liên cầu lợn như thế nào?
BS Nguyễn Bá Đăng: Để chủ động phòng chống bệnh Liên cầu lợn ở người, cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.
2. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
4. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
5. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Hoàng Nam Giang , Nam - 33 Tuổi
Ngộ độc rượu bia biểu hiện như thế nào? tết nhất không thể tránh được, vậy làm cách nào để phân biệt được ngộ độc rượu bia và say rượu bia, nó khác nhau như thế nào? thua bác sỹ
BS. Trần Thị Hải Ninh: Thời gian chậm nhất là 24 giờ sau khi uống rượu pha cồn Methanol, các triệu chứng của ngộ độc rượu sẽ xuất hiện gồm:
- Bất tỉnh, gọi hỏi không biết.
- Co giật.
- Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.
- Thở khò khè, ứ đọng đờm rãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.
- Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.
- Đại tiện, tiểu tiện ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường)
- Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai, Rối loạn cảm nhận về màu sắc.
- Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.
- Mệt nhiều
Biểu hiện của say rượu bia thường không nặng nề, không đe dọa đến tính mạng nhiều như ngộ độc rượu bia. Các biểu hiện thường gặp khi say rượu là :
- Chếnh choáng.
- Nói líu lưỡi.
- Mất thăng bằng.
- Buồn nôn, nôn.
Minh Thái , Nữ - 31 Tuổi
Ngoài việc lây truyền do ăn tiết canh, bệnh liên cầu lợn trên người còn lây truyền bằng cách nào khác?
BS Nguyễn Bá Đăng: Ngoài việc lây bệnh do ăn tiết canh, bệnh liên cầu lợn ở người có thể lây truyền qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…) hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da (đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…).
Minh Thư, Nữ - 28 tuổi
Ai được coi là đối tượng nguy cơ cao với bệnh cúm gia cầm độc lực cao?
Nguyễn Bá Đăng: Những đối tượng nguy cơ cao với bệnh cúm gia cầm độc lực cao đó là những người trực tiếp chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, giết mổ, chế biến thịt, trứng gia cầm ốm; nhân viên thú y có nhiệm vụ giám sát và phòng chống dịch cúm gia cầm tại ổ dịch; người trực tiếp thu gom, tiêu hủy hay xử lý đàn gia cầm đang có trong vùng dịch hoặc xử lý nguồn chất thải của chúng; cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân cúm gia cầm và đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch trong ổ dịch. Ngoài ra, trẻ em, người già, người đang mắc các bệnh mạn tính đường hô hấp, có tình trạng thiểu năng miễn dịch hiện sống trong ổ dịch cúm gia cầm... cũng có nguy cơ cao.
Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số câu hỏi chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến các chuyên gia.
Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!
VietNamNet