GS.TS. Thái Hồng Quang, chuyên gia đầu ngành về Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ với PV VietNamNet về việc bị lừa một số tiền lớn.
GS. Thái Hồng Quang kể, ngày 18/3/2022, ông bị đối tượng lạ gọi vào điện thoại bàn tự xưng là cảnh sát đang điều tra một vụ án có liên quan đến ông.
“Tôi nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là trung úy Hoàng Văn Tuân, hiệu sĩ quan 1053.. Người này xưng đơn vị công tác ở đội 6 Phòng cảnh sát điều tra tội phạm, Công an TP Đà Nẵng. Người này nói rằng tôi đã có mặt trên xe Toyota Innova và gây tai nạn tại Đà Nẵng, yêu cầu tôi có mặt tại Đà Nẵng để điều tra vụ án”, GS. Thái Hồng Quang kể.
Theo lời GS. Thái Hồng Quang, lúc tiếp nhận thông tin, ông sửng sốt vì những năm gần đây không đi Đà Nẵng. Lúc đó, ông chỉ nghĩ rằng có người nào đó muốn hại mình nên nhờ người đã liên lạc xử lý từ xa, làm việc qua điện thoại. Ngoài ra, đây cũng là khoảng thời gian ông rất bận vì phải chủ trì một hội nghị toàn quốc, nên muốn giải quyết cho nhanh còn tập trung vào công việc.
GS.Thái Hồng Quang kể, qua trao đổi điện thoại, người tự xưng là trung úy Hoàng Văn Tuân còn nói sẽ có cán bộ tên Huỳnh Đức Thơ hướng dẫn tiếp.
Sau đó, một người tự xưng tên là Huỳnh Đức Thơ liên tục gọi điện cho ông Quang để dọa nạt, nói đây là vụ án nghiêm trọng, yêu cầu ông phối hợp điều tra. Qua trao đổi điện thoại, người có tên Huỳnh Đức Thơ nói với GS. Thái Hồng Quang về việc sẽ có giấy tạm giam gửi tới sớm. Đồng thời thông báo, nếu GS. Thái Hồng Quang muốn tại ngoại, cần nộp 300 triệu đồng.
Từ những cuộc điện thoại liên tục, đối tượng có tên Huỳnh Đức Thơ liên tục yêu cầu ông Quang mở tài khoản cá nhân và chuyển tiền vào đây.
"Các đối tượng đã hướng dẫn tôi mở tài khoản và yêu cầu nộp tiền vào để được tại ngoại. Do thời điểm đó tôi đang bị áp lực tâm lý nên đã rút toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời của mình là 420 triệu để nộp vào tài khoản, trong tài khoản đã có sẵn 30 triệu, tổng là 450 triệu. Sau đó tôi còn đi vay tiếp 300 triệu để nộp vào tài khoản.
Sau khi chiếm đoạt được tài khoản ngân hàng, bọn chúng tiếp tục gọi điện thoại cho tôi và hướng dẫn từng bước để yêu cầu tôi chuyển mã số OTP được gửi vào số điện thoại cá nhân. Sau khi tôi gửi mã số OTP, nhóm này tiếp tục dọa nạt, yêu cầu tôi phải liên tục mở điện thoại để cùng tham gia phá án, bắt các kẻ chủ mưu. Có ngày chúng gọi tới 120 cuộc điện thoại”, ông Quang kể.
Sau vụ việc nêu trên, ông Thái Hồng Quang có đơn gửi Cơ quan CSĐT-CATP Hà Nội, tố giác các đối tượng có hành vi giả danh công an thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đến ngày 28/7/2022, Cơ quan CSĐT-CATP Hà Nội có thông báo, căn cứ kết quả điều tra, xác minh, xác định vụ việc nêu trong đơn của ông Thái Hồng Quang có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Thông báo cũng nêu, từ căn cứ trên, Cơ quan CSĐT-CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tổ chức điều tra. Tuy nhiên, vụ án này đang tạm đình chỉ điều tra vì chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia khuyến cáo, các lực lượng chức năng nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng, điện thoại. Để tránh "sập bẫy" loại tội phạm mạo danh để lừa đảo, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an các cấp, cần nhất vẫn là ý thức phòng ngừa, cảnh giác của người dân. Người dân phải hết sức thận trọng, bình tĩnh trước những thông tin đe dọa, uy hiếp, phải dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại. |