tu choi tai tro nghien cuu tu google anh 1

Theo CNN Business, vào cuối tháng 11, Luke Stark - Phó giáo sư nghiên cứu về các tác động xã hội và đạo đức của trí tuệ nhân tạo (AI ethics) gửi đơn tham gia giải thưởng Google Research Scholar, một khoản tài trợ nghiên cứu không ràng buộc trị giá 60.000 USD.

Stark đã giành được giải thưởng. Tuy nhiên, một sự kiện xảy ra sau đó thay đổi suy nghĩ của nhà nghiên cứu này.

Bắt nguồn từ cách Google đối xử với nhân viên

Vào đầu tháng 12/2020, Timnit Gebru, đồng trưởng nhóm nghiên cứu đạo đức AI của Google, bất ngờ rời khỏi Google. Ngày 2/12/2020, cô đăng dòng tweet chia sẻ “bị sa thải ngay lập tức” vì gửi email vào danh sách nội bộ.

Cụ thể, trong thư Gebru bày tỏ sự thất vọng về sự thiếu đa dạng tại công ty. Đồng thời, cô tỏ ra thất vọng về quy trình nội bộ liên quan đến việc xem xét những rủi ro khi xây dựng các mô hình ngôn ngữ AI.

Gebru cho biết ban lãnh đạo AI của Google yêu cầu cô rút lại ý định đưa báo cáo vào phát biểu trong một hội nghị, hoặc họ sẽ gạch tên cô ra khỏi danh sách nhân viên công ty. Google sau đó tuyên bố họ đã chấp nhận đơn từ chức của Gebru sau khi nhận được một danh sách việc công ty cần chấp thuận nếu muốn cô tiếp tục làm việc tại công ty.

tu choi tai tro nghien cuu tu google anh 2

Timnit Gebru bị Google sa thải vì gửi email vào danh sách email nội bộ. Ảnh: Kimberly White/TechCrunch.

Sự ra đi của Gebru đã gây ra khủng hoảng cho công ty trong một thời gian dài, bao gồm việc nhân viên nghỉ việc, sự xáo trộn trong ban lãnh đạo và lời xin lỗi từ CEO của Google vì hoàn cảnh ra đi của Gebru đã khiến một số nhân viên mất lòng tin vào công ty.

Google đã tiến hành một cuộc điều tra nội bộ về vấn đề này. Kết quả, trong cùng ngày Gebru bị sa thải, đồng trưởng nhóm của cô, Margaret Mitchell, người luôn chỉ trích công ty trên Twitter cũng buộc rời khỏi Google

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu bên ngoài Google, cụ thể trong ngành AI, dần nghi ngờ về suất học bổng được đánh giá cao trong lịch sử của công ty và tức giận với cách đối xử của công ty với Gebru và Mitchell.

Thông tin về toàn bộ sự việc đã trở thành tâm điểm chú ý đối với Stark. Vào ngày 10/3, Google gửi lời chúc mừng anh và đề xuất giải thưởng 60.000 USD cho dự án nghiên cứu dùng AI để phát hiện cảm xúc. Tuy nhiên, Stark chia sẻ rằng lúc đó, anh cảm thấy phải từ chối giải thưởng này vì Gebru và Mitchell và những người vẫn tiếp tục làm việc trong đội ngũ nghiên cứu đạo đức AI của Google.

“Suy nghĩ đầu tiên của tôi là, ‘Tôi phải từ chối nó’”, Stark chia sẻ với CNN Business.

Không chỉ Stark, có nhiều người trong giới học thuật vì trường hợp của Gebru và Mitchell đã từ chối nhận tài trợ hoặc những cơ hội từ Google. Một số đơn vị tổ chức hội nghị AI đang xem xét lại việc nhận tài trợ từ Google. Trong đó, người từng nhận một tấm séc lớn từ Google tuyên bố rằng ông sẽ nhận hỗ trợ tài chính từ công ty này cho đến họ thay đổi.

“Lương tâm không cho phép tôi nhận tài trợ từ một công ty đối xử với nhân viên kiểu này”, Vijay Chidambaram, Phó Giáo sư tại trường Đại học Texas ở Austin chuyên nghiên cứu về hệ thống lưu trữ, chia sẻ với CNN Business. Chidambaram đã từng được Google tài trợ 30.000 USD cho một dự án nghiên cứu vào năm 2018.

Với Google, tài chính không phải vấn đề lớn nhất. Tuy nhiên, hậu quả xuất phát từ những căng thẳng giữa Google với đội ngũ đạo đức AI có nguy cơ ảnh hưởng đến danh tiếng và sự phát triển của công ty trong cộng đồng AI.

Sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người tài của Google. Thậm chí, mối quan hệ của nhân viên Google với cộng đồng bên ngoài công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Từ chối vì tinh thần đoàn kết

Stark không từ chối giải thưởng của Google ngay lập tức. Anh chia sẻ với đồng nghiệp về kế hoạch của mình và họ ủng hộ mọi quyết định của anh. Một ngày sau, Stark gửi thư hồi đáp cho Google, anh cảm ơn công ty đã chọn dự án của mình. Tuy nhiên, anh đã “từ chối giải thưởng trên tinh thần ủng hộ hai tiến sĩ Gebru và Mitchell cũng như đồng đội của họ và những người ở trong hoàn cảnh tương tự”.

“Tôi mong có cơ hội hợp tác với Google Research lần nữa, khi tổ chức và các nhà lãnh đạo phản hồi lại về quyết định của họ trong trường hợp này, giải quyết những hậu quả mà họ đã gây ra và cam kết thúc đẩy nghiên cứu và sản phẩm bằng lời nói và hành động, đề cao công bằng và công lý”, Stark viết.

Vị giáo sư trẻ cũng đăng trên Twitter công khai quyết định từ chối giải thưởng, vì nhiều người giống anh không thể từ chối khoản tài trợ đó từ Google hoặc các công ty khác. Stark có thể bỏ qua khoản tiền này vì khoa của anh ở Đại học Western có đủ quỹ tài trợ để hoạt động.

“Tất cả những gì chúng ta có thể làm là làm một cách hợp lý, và đây là việc tôi cảm thấy mình có thể làm được”, trích đoạn tweet của Stark.

Gebru đánh giá cao hành động của Stark. Chia sẻ với CNN Business, cô ấy nói rằng: “Đó là số tiền không nhỏ, thật không dễ gì từ chối sự tài trợ này từ Google. Đặc biệt với những ai đang khởi đầu sự nghiệp”.

Đại diện phía Google chia sẻ rằng hơn 15 năm qua, công ty đã hỗ trợ hơn 6,500 học giả không làm việc cho Google và tài trợ nghiên cứu cho họ. Theo lời người đại diện, Stark là người đầu tiên từ chối nhận sự tài trợ này.

“Đây là thất bại của Google khi đối xử với nhân viên như vậy”

Quyết định của Stark chỉ là phản ứng mới nhất trong việc ủng hộ Gebru và Mitchell.

Dấu hiệu đầu tiên của sự phẫn nộ xuất hiện ngay khi Gebru rời khỏi Google. Một bài đăng trên Medium đã công khai chỉ trích sự ra đi của cô và yêu cầu Google giải thích rõ ràng về quyết định của họ, bao gồm bài báo nghiên cứu đã nhanh chóng nhận được nhiều chữ ký của các nhân viên làm việc tại Google và những người ủng hộ trong giới học thuật và lĩnh vực về AI. Vào cuối tháng 3, con số những người ủng hộ đã tăng lên gần 7,000 người, trong đó gần 2,700 nhân viên của Google và hơn 4,300 người khác.

tu choi tai tro nghien cuu tu google anh 3

Google ý thức được rằng danh tiếng viện nghiên cứu của họ đang bị tổn hại trong vài tháng nay và họ đã thông báo rằng công ty đang sửa chữa sai lầm.

Đầu tháng 3, hội nghị mà Gebru và vị đồng tác giả của cô nộp bài báo nghiên cứu đã tạm dừng thỏa thuận tài trợ với Google. Gebru là một trong những nhà sáng lập của hội nghị và đóng vai trò là một trong những thành viên Uỷ ban Quản trị đầu tiên. Google tài trợ mỗi năm cho hội nghị kể từ khi bắt đầu vào năm 2018.

Cũng trong tháng 3, hai học giả đã kháng nghị hành động của Google bằng đoạn tweet nói rằng họ quyết định không tham gia sự kiện nghiên cứu chế tạo người máy dành cho những người được mời được tổ chức online. Hadas Kress-Gazit, một giáo sư chế tạo người máy tại Cornell, là một trong số họ.

“Đây thực sự là sự thất bại khi đối xử với Gebru và Mitchell như vậy. Thậm chí không có ai nói lời xin lỗi với họ”, Gazit chia sẻ với CNN Business trong một bài phỏng vấn gần đây.

Google ý thức được rằng danh tiếng viện nghiên cứu của họ đang bị tổn hại trong vài tháng nay và họ đã thông báo rằng công ty đang sửa chữa sai lầm. Theo ReutersCNN Business, trong một cuộc họp tại trụ sở Google, công ty đã vạch ra những sự thay đổi mà họ đang thực hiện đối với hoạt động nghiên cứu và xuất bản nội bộ của họ.

Tuy nhiên, đối với Stark và những người khác trong cộng đồng nghiên cứu học thuật, tiêu chuẩn chấp nhận quỹ tài trợ từ Google của họ đã thay đổi.

“Có thêm quỹ để phục vụ nghiên cứu là tốt, nhưng tôi cảm thấy mình không thể nhận theo cách này”, Stark chia sẻ.

Theo Zing/CNN Business

Điều gì khiến nhân viên Huawei cống hiến không mệt mỏi?

Điều gì khiến nhân viên Huawei cống hiến không mệt mỏi?

Khởi đầu với số vốn ít ỏi 3.300 USD, người sáng lập Huawei - ông Nhậm Chính Phi đã làm thế nào để giữ chân những nhân sự cốt cán từ ngày đầu?