Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, Giáo sư - Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh - hội viên Hội nhà văn Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 12h55 ngày 24/2, hưởng thọ 91 tuổi. Ông là một nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà báo và nhà dịch thuật uy tín của Việt Nam.
Lễ viếng và đưa tang sẽ diễn ra từ 11-12h ngày 28/2 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô.
"Ông là một trí thức dâng hiến trọn đời cho nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật và đã sống một cuộc đời mẫu mực của một trí thức, một nhà văn. Với hơn 30 tác phẩm đã xuất bản, nổi bật là những đầu sách học thuật mới mẻ và nhiều giá trị như: Puskin (bút ký chân dung, 1983), M.Gorki với văn nghệ dân gian (1985), Lênin và sự hình thành người nghệ sĩ kiểu mới (1986), Tư duy mới và phẩm chất văn nghệ sĩ (1989), Văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới (2002), Về bản lĩnh văn hóa Việt Nam (2005), Văn hóa Việt Nam – Những nét đặc sắc, Có một nền văn minh Nga – Văn hóa học, Triết học văn hóa – Một lĩnh vực mới của triết học hiện đại, Văn hóa hòa giải – Một khái niệm mới trong văn hóa toàn cầu, Văn hóa con người... ông đã đóng góp lớn vào lĩnh vực khoa học nhân văn", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết.
Ông từng giảng dạy tại nhiều trường đại học hàng đầu của Việt Nam, như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Qua 12 chương của cuốn sách Văn hóa Việt Nam - Những nét đặc sắc, Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh tận dụng mỗi chương để khám phá và phân tích một khía cạnh độc đáo của văn hóa Việt Nam. Tác giả đã giới thiệu về khái niệm văn hóa Việt Nam và nguồn gốc của nó, nêu bật sự đa dạng và độc đáo của văn hóa này, cũng như sự sáng tạo và tác động của nó trong quá trình phát triển.
Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh cũng nghiên cứu về triết học văn hóa và văn hóa hòa giải. Ông tin rằng văn hóa có thể là cầu nối giữa các quốc gia và giúp hòa giải những mâu thuẫn. Ông còn đề xuất một khái niệm mới là "văn hóa hòa giải", tức là sử dụng các giá trị, nguyên tắc và phương pháp của văn hóa để giải quyết các xung đột và tạo ra hòa bình. Viện sĩ đã áp dụng triết học văn hóa vào nghiên cứu văn học Việt Nam, nhằm tìm ra những đặc trưng, giá trị và ý nghĩa của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và văn hóa toàn cầu.