Ngày 24/3/2015 tại khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội đã diễn ra “Hội thảo - Giao thương doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực nội dung số và phầm mềm”. Đây là sự kiện do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch ASEAN-Nhật Bản, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đồng tổ chức nhằm tăng cường hợp tác về công nghệ thông tin, gia công sản phẩm phần mềm ứng dụng trên nền tảng di động…giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia nổi lên hàng đầu trong khu vực về lĩnh vực gia công phần mềm và nội dung số. Đây là một ngành hàng xuất khẩu rất được chú trọng phát triển và được sự ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết 36 NQ-TW ngày 01/07/2014 của Bộ Chính trị đã đánh giá Công nghệ thông tin là một trong những nền tảng hết sức quan trọng của phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Đây là văn bản hết sức quan trọng, làm định hướng xuyên sốt cho chiến lược ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin của Việt nam từ nay đến năm 2030. Mục tiêu từ nay đến năm 2030 là sẽ đưa năng lực nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin trong đó có game của Việt nam đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, Việt nam trở thành một quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và bằng công nghệ thông tin.

Đoàn doanh nghiệp mua hàng của Nhật Bản sang Việt Nam lần này gồm 15 doanh nghiệp kinh doanh  trong các lĩnh vực phần mềm về nền tảng di động, game online do ông Ohnisi - Tổng thư ký Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch ASEAN-Nhật Bản dẫn đầu. Mục đích của chuyến đi sang Việt Nam lần này của đoàn mua hàng Nhật Bản là tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nội dung số và phần mềm và cụ thể là game online.

Qua tìm hiểu thị trường, Nhật Bản đánh giá Việt Nam là quốc gia xếp thứ 7 trong khu vực Đông Nam Á về nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong đó, các kỹ sư thuộc các đơn vị phát triển trò chơi (game) thuộc một bộ phận không nhỏ. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam cũng được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng trong ngành game nên các doanh nghiệp Nhật Bản có tiếng như Marvelous, Red Entertainment, TV Tokyo Communications Corporation, Quan Thailand...tỏ rõ thành ý muốn tìm kiếm đối tác tại Việt Nam trong lĩnh vực phát hành game mà cụ thể là phát hành game do các studio Việt Nam phát triển tại thị trường Nhật Bản, phát hành các game online Nhật Bản tại thị trường Việt Nam hoặc có sự hợp tác trong các khía cạnh sản xuất, phân phối và truyền thông. Đó cũng là tiêu chí của JOGA - Hiệp hội trò chơi trực tuyến Nhật Bản (Japan Online Game Association). 

Tuy nhiên, theo một số đơn vị phát triển game nhỏ có mặt tại hội thảo, việc hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ còn rất khó khăn vì nhiều yếu tố. Đầu tiên là khác biệt về nhu cầu. Các đơn vị Nhật Bản muốn giao thương với các studio có sản phẩm game đã hoàn chỉnh cả về hình ảnh và tính năng nhưng các studio nhỏ do thiếu vốn, thiếu nhân lực nên phần lớn chỉ hoàn thành bản demo là đã chào hàng sản phẩm nhằm kiếm thêm đầu tư để tiếp tục phát triển. Thứ hai, "gu" game của 2 nước cũng có nhiều điểm khác biệt. Nếu các tựa game online của Nhật Bản phần lớn đều hướng tới hình ảnh trong sáng, dễ thương với nội dung không quá bạo lực thì ở Việt Nam, các họa sĩ hoặc game designer (người thiết kế game) đều hướng đến những nét vẽ cầu kỳ kiểu thần thoại phương tây và gameplay được ưa chuộng vẫn là kiếm hiệp, khuyến khích tính cạnh tranh của người chơi. Cuối cùng, sự chênh lệch về trình độ cũng sẽ là rào cản không nhỏ giữa các doanh nghiệp hai nước. Là một nước phát triển nền công nghiệp trò chơi giải trí từ rất lâu, Nhật Bản sở hữu nền tảng kiến thức nhiều hơn, sâu hơn và tất nhiên yêu cầu được đặt ra cho một sản phẩm cũng cao hơn. Việc một tựa game online Việt Nam do những nhà phát triển Việt Nam có thể chưa được đào tạo qua trường lớp khó có thể lọt qua vòng kiểm định ban đầu. 

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng gần nhất ở Việt Nam và chiều 26/11/2014, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt với 366/430 tán thành, chiếm tỷ lệ 73,64%. Qua đó mặt hàng game online không thuộc diện đánh thuế TTĐB bởi nếu áp dụng thuế TTĐB chỉ đánh vào trò chơi điện tử của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, không góp phần hạn chế được các trò chơi trực tuyến xâm nhập từ bên ngoài, dẫn tới giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Như vậy, ít nhất việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp game trong nước phát triển đã phần nào nhận được sự ủng hộ từ phía Nhà nước còn việc hợp tác với nước ngoài trong việc xuất khẩu và nhập khẩu game online với Nhật Bản, xem ra vẫn còn phải... từ từ tính.

Thu Hương