Mục đích thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên là nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo dự thảo, những đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn, gồm: Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; Giáo viên tiểu học, THCS chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên. 

Tính từ ngày 1/7/2020, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS trừ thời gian đào tạo theo quy định, còn đủ 5 năm công tác tính đến tuổi được nghỉ hưu phải thực hiện nâng trình độ chuẩn.

Theo dự thảo, lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030.

Lộ trình được thực hiện thành 2 giai đoạn.

Từ 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp.

Từ ngày 1/1/2026 đến hết 31/12/2030, thực hiện nâng chuẩn đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn theo quy định.

{keywords}
Giáo viên còn đủ 5 năm công tác trước nghỉ hưu phải thực hiện nâng chuẩn. Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên từ nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước cấp bổ sung theo phân cấp ngân sách hiện hành; đóng góp của giáo viên và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn được miễn học phí.

Kinh phí đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên thực hiện theo các quy định hiện hành về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn sẽ được cơ quan quản lý, sử dụng tạo điều kiện về thời gian và được hỗ trợ, cấp kinh phí đào tạo theo quy định; được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục; được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật.    

Về thời gian, đào tạo trình độ cao đẳng được thực hiện từ 1 năm rưỡi đến 2 năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo.

Đào tạo trình độ đại học được thực hiện từ 2 năm rưỡi đến 4 năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp cùng ngành đào tạo; từ 1 năm rưỡi đến 2 năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng cùng ngành đào tạo.

Đối với giáo viên đào tạo theo phương thức đào tạo tích lũy theo hệ thống tín chỉ thì thời gian đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định tối đa không quá 4 năm học kể từ ngày trúng tuyển.

Thời gian đào tạo được thực hiện linh hoạt trong năm.

Bộ GD-ĐT xin góp ý cho dự thảo đến hết ngày 9/3/2020.

Thanh Hùng

Vẫn thi giáo viên dạy giỏi nhưng trên tinh thần tự nguyện

Vẫn thi giáo viên dạy giỏi nhưng trên tinh thần tự nguyện

- Bộ GD-ĐT vừa có thông tư ban hành quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi; giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.