Giá như kinh phí của những chuyến đi công tác cho các vị quan chức “khiến chủ nhà sợ đón tiếp” chuyển bớt sang cho giáo viên tiếng Anh. Thật thiệt thòi cho giáo viên dạy tiếng Anh mà chỉ biết đến Big Ben qua tranh ảnh.
Việc Bộ GD &ĐT dự định bỏ môn Ngoại ngữ khỏi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vì lý do hiệu quả dạy- học môn này thấp khiến nhiều người trong ngành giáo dục tin rằng hiệu quả môn này sẽ chỉ ngày càng thấp hơn nữa nếu dự định này thành hiện thực.
Các cố gắng liệu có trở nên vô hiệu?
Theo quan sát của người viết, ít nhất nhận xét đó của Bộ đúng với đa số học sinh trong hệ thống trường phổ thông Việt Nam, trừ số ít học sinh chuyên ngoại ngữ hoặc học chương trình khác. Mặc dù chưa có thống kê chính thức, những nhận xét tương tự của những nhà tuyển dụng lao động, người nước ngoài, … cũng là những thông tin đáng quan tâm.
Chất lượng dạy- học môn này thường được thể hiện ở khả năng sử dụng ngoại ngữ đó để đọc, nghe, nói, và viết – lưu loát và đúng chuẩn mực văn phạm. Đã có nhiều lời bàn của các nhà chuyên môn từ phương pháp dạy- học đến tài liệu giáo khoa, ...
Ảnh minh họa: Văn Chung |
Về phương pháp, mặc dù giáo viên ngoại ngữ trẻ ngày nay năng động hơn, tiếp thu được những kỹ thuật dạy hiện đại, nhanh nhạy hơn thế hệ trước, một thực tế là việc dạy-học ngoại ngữ trong trường phổ thông vẫn nặng về dạy ngữ pháp thuần túy, chưa lồng ghép được ngữ pháp vào kỹ năng giao tiếp.
Tuy nhiên, ta phải thừa nhận một thực tế khác là trong khoảng thời gian 45 phút với một lớp học 40- 60 học sinh, các cố gắng cải tiến phương pháp trở nên vô hiệu. Cho nên, người ta nói chúng ta đang dạy về tiếng Anh hơn là dạy tiếng Anh.
Về tài liệu, một giáo viên có thâm niên 07 năm tâm sự rằng trong quá trình học, vốn từ vựng của anh khá lớn, anh biết rất nhiều từ ngữ cao siêu, nào là “làm chủ tập thể”, “tính siêu việt của CNXH”, … thế nhưng một hôm học sinh hỏi cái tuốc-nơ-vít trong tiếng Anh là gì, anh ngớ ra vì… không biết!
Để tiếp cận với sinh ngữ xác thực, tài liệu giáo khoa ngoại ngữ nên sử dụng có chọn lọc những bộ sách của người bản ngữ được biên soạn khoa học và công phu thay cho việc “toàn dân viết sách giáo khoa”[2 ]. Longman, Oxford, Cambridge, v.v… đã có kinh nghiệm cả trăm năm biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh cho khắp thế giới.
Nói đến người dạy, theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục, số lượng người đăng ký học tiếng Anh chiếm trên 97%, số 3% còn lại cho tiếng Pháp, Nga, ... Với tốc độ tăng đột biến như vậy, số giáo viên tiếng Anh không đủ đáp ứng nhu cầu học. Khá nhiều người có trình độ tiếng Anh thuộc các ngành khác hoặc chuyển từ ngoại ngữ khác sang dạy tiếng Anh.
Nhiều trong số họ thành công, nhưng họ cần được bồi dưỡng, chuẩn hóa bằng các chứng chỉ nội địa hoặc quốc tế về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Đơn giản vì mỗi ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu và phản ánh một nền văn hóa đòi hỏi cách dạy-học rất khác nhau.
Các chương trình bồi dưỡng cần thiết thực, liên tục và hệ thống, không nên nặng về lý thuyết suông. Những chương trình như Teacher Development Interactive (Longman) hay ELTeach (Nat Geo Learning), TKT (Cambridge), …là những chương trình phù hợp. Trong thời đại Internet, chương trình tự bồi dưỡng trực tuyến như trên giải quyết được vấn đề áp lực thời gian của giáo viên đang tại chức.
Giáo viên tiếng Anh cần được tiếp xúc với nguồn ngữ liệu bản ngữ, như người bản ngữ tiếng Anh, kênh TV, sách báo tiếng Anh …, trừ một số ít trường được đầu tư, đa số thiếu phương tiện dạy- học.
Nói về độ chuẩn xác, như trên đã bàn, người dạy từ nhiều nguồn đào tạo, độ chuẩn xác về ngôn ngữ cũng như phương pháp giảng dạy cần được chấn chỉnh. Cần tạo điều kiện cho giáo viên tiếng Anh tiếp xúc với đời sống thực, văn hóa thực của nước bản ngữ. Giá như kinh phí của những chuyến đi công tác cho các vị quan chức “khiến chủ nhà sợ đón tiếp” chuyển bớt sang cho giáo viên tiếng Anh. Thật thiệt thòi cho giáo viên dạy tiếng Anh mà chỉ biết đến Big Ben qua tranh ảnh.
Nói bằng ngôn ngữ thống kê, người viết bài cho rằng khoảng 40% cử nhân làm được việc (cao hơn số 30% công chức “cắp ô”). Tương tự như các ngành khác trong hệ thống đào tạo của Việt Nam, 60% còn lại nếu là bác sỹ, họ có thể… “ngộ sát” bệnh nhân, còn nếu là giáo viên tiếng Anh, họ sẽ tạo ra hàng nghìn học sinh nói không ai hiểu?
Người học: Cái mà không ai có thể cho là động cơ học tập. Học để làm gì; biết ngoại ngữ thì được cái gì…, là những câu hỏi hết sức “cơm áo” được ươm sẵn trong đầu khá nhiều bậc cha mẹ. Thiếu cái “muốn học” là thiếu cái cơ bản. Họ quên một điều: Ngoại ngữ làm người ta sử dụng tiếng mẹ đẻ trong sáng hơn. Người học nên tìm ra phương pháp và phương tiện học tập thích hợp nhất cho mình. Học không nhất thiết bám vào tài liệu giáo khoa hay bó gọn trong giờ học. Tiếng Anh có mặt khắp nơi quanh ta, từ trên vỏ hộp đến đĩa ca nhạc, …
Một buổi dã ngoại gặp khách du lịch có giá trị bằng chục giờ học trong lớp. Một yếu tố khác cản trở tiến bộ trong học tập, ngoài môi trường học tập, là yếu tố tâm lý- văn hóa. Sự e dè, nhút nhát, thiếu tự tin từ trong tư duy bằng tiếng mẹ đẻ, phải “nhìn trước ngó sau” hay “uốn lưỡi bảy lần trứơc khi nói”, kèm theo rất nhiều nỗi sợ … là những cái làm người ta ‘cứng hàm’. Người phương Tây học tiếng Việt nhanh giỏi vì họ rất tự tin trong giao tiếp.
Điểm yếu nữa của người học là ít đọc. Cái vòng luẩn quẩn sợ sai vì lập trường, vì sĩ diện, thiếu tự tin trước đám đông, thiếu môi trường giao tiếp, … tất cả làm người học vừa câm vừa điếc ngoại ngữ.
Nói về tư duy của nhà quản lý giáo dục, từ lâu đời, người Việt do ảnh hưởng của văn hóa canh nông nghìn năm có xu hướng coi nhẹ các nghề “không mang lại cơm gạo” như âm nhạc, thể thao, nghệ thuật, coi nghệ sỹ là “phường con hát”, dẫn đến coi nhẹ những môn học liên quan. Trong trường phổ thông Việt Nam, người ta chia các môn học theo cách của các bác thợ cày thành môn “văn hóa” và các môn còn lại trong đó âm nhạc, hội họa, … và ngoại ngữ - chắc là những môn “vô văn hóa”?
Tư duy ấy đã thay đổi ngoài xã hội, nhưng hình như chưa bước qua ngưỡng cửa vào ngành giáo dục? Mong đến ngày các nhà quản lý giáo dục cũng vượt ra khỏi cái tư duy nông canh ấy để vinh danh một ca sỹ như một học sinh đoạt giải toán, như Anh quốc phong tước Sir cao quý cho Alex Ferguson, một huấn luyện viên bóng đá.
Tư duy sạch, quyết sách sáng
Một điều cần nữa ở các nhà quản lý giáo dục là “cần lắng nghe”. Trong một trao đổi với một cán bộ phụ trách ngoại ngữ của một thành phố lớn, tôi có nêu băn khoăn quanh thông tin 30% giáo viên tiếng Anh nghe bài giảng cần phiên dịch, vị cán bộ này bảo: “Báo chí chúng nó giật tít ấy mà. Làm gì mình cứ làm thôi!”
Giáo dục nói chung không thay đổi được là phải. Không biết có bao nhiêu cán bộ hành xử theo cách của “đà điểu” như vị này?
Có bạn đọc sẽ thắc mắc: “Vậy, giải pháp là gì?”.Mọi giải pháp phải bắt đầu bằng việc phát hiện và phân tích các nguyên nhân. Tự nó đã bao hàm giải pháp: Biết nguyên nhân là biết giải pháp. Tuy nhiên, từ việc biết nguyên nhân đến tìm ra giải pháp là cả một chặng đường dài, đôi khi không đến được đích nếu thiếu nỗ lực của những người liên quan.
Vai trò trước hết không thể thiếu là “cái muốn” của chính người học và “cái có thể” của người dạy với sự hỗ trợ của bộ máy quản lý bằng những tư duy sạch và quyết sách sáng.
Nguyễn Phương
Xem các bài cùng chủ đề Bao năm ta mải mê đào tạo những thế hệ học sinh chỉ biết cắm cúi làm bài tập ngữ pháp và chọn đáp án đúng trong những câu trắc nghiệm nhưng khi cần lại không thể vận dụng được ngoại ngữ như một công cụ giao tiếp. Không ngoại ngữ, cán bộ như vịt nghe sấm Ở mức độ nào đó, thói quen ‘học gì thì nấy’ có ở khắp nơi và đúng với khá nhiều học sinh. Tất nhiên những người cần đến ngoại ngữ vẫn học cho dù Bộ GD& ĐT bỏ ngoại ngữ. |