Mới đây, một phụ huynh có con đang học lớp 7 ở một trường THCS tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) trải lòng về mức điểm tổng kết của con khiến chị khó hiểu: “Tổng kết học kỳ, con được 7,3 điểm, xếp thứ 50/50. Chuyện con xếp ở top nào trong lớp là do cá nhân con, nhưng mình chỉ băn khoăn 7,3 điểm đâu có phải mức điểm thấp nhỉ”.
“Thời chúng tôi, học ngày học đêm, điểm tổng kết 7,5 là cao lắm rồi. Nên mình đưa mục tiêu cho con 7 phẩy những tưởng hợp lý. Đầu năm mình chỉ bảo con cố gắng, đừng để dưới 5. Mình không ép con học nhiều như mình trước đây, không đi học thêm và hoàn thành bài trên lớp. Nhưng hôm rồi đi họp phụ huynh thấy con xếp bét lớp mà choáng quá”.
Chị V. băn khoăn, liệu mình có đặt ra mục tiêu thấp cho con hay không?
Chia sẻ của vị phụ huynh nhanh này chóng thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Bởi không ít phụ huynh cũng đồng cảnh ngộ, thậm chí, con có điểm trung bình 8,5 vẫn xếp thứ hạng gần cuối của lớp.
“Lớp con mình thì 8,0 là điểm thấp nhất”, một phụ huynh khác chia sẻ.
Ảnh minh họa. |
Chia sẻ với VietNamNet, một giáo viên ở quận Hà Đông (Hà Nội) lý giải: “Do bây giờ, trước mỗi kỳ kiểm tra, các con được ôn tập rất kỹ, chứ không như trước đây. Dù đề thi cuối kỳ, giáo viên không hề được biết, chỉ đúng chương trình học mà ôn thôi nhưng kết quả nhìn chung vẫn cao”.
Cô giáo này cho hay, thời trước việc học nhẹ nhàng, kiến thức cơ bản. Hơn nữa, việc dạy học thời trước không thể bài bản và kỹ lưỡng như bây giờ.
“Khách quan mà nói, tôi nghĩ học sinh giờ đây cũng sẽ giỏi hơn. Một phần cũng bởi giáo viên dạy và ôn với chất lượng tốt hơn”.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, hiện nay, nhiều trường, đặc biệt các trường có đầu vào học sinh tốt thì chuyện điểm trung bình cao là không có gì lạ.
Thầy Cường cho hay, Bộ GD-ĐT đã có thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Theo đó, số điểm kiểm tra thường xuyên và định kỳ được điều chỉnh theo tổng số tiết của môn học. Điểm kiểm tra định kỳ chỉ còn lại 2 điểm/học kỳ (điểm giữa kỳ và điểm cuối kỳ).
Điều này cũng khiến học sinh cũng xác định ôn tập và quyết tâm đạt điểm cao ở 2 đợt kiểm tra quan trọng này. Với hình thức kiểm tra đa dạng, học sinh càng có cơ hội phát huy năng lực, phẩm chất. "Những điều đó thể cũng là một trong những lý do giúp cho kết quả học tập ngày càng tốt lên", thầy Cường nói.
Ngoài ra, theo thầy Cường, hiện nay, phong trào học tập ở nhiều tỉnh thành ngày càng mạnh. Sự quan tâm, đồng hành, đầu tư cho giáo dục của nhiều gia đình, đặc biệt là ở trung tâm các huyện thị, thành phố thay đổi rõ rệt.
"Ngay tại Trường THCS Thái Thịnh chúng tôi, quan điểm học tập là con đường ngắn nhất để cải thiện cuộc sống cho mình và gia đình mình đã được các lớp thế hệ học sinh, phụ huynh thấu hiểu. Chính bởi sự quan tâm, đồng hành, đầu tư cho con em của họ cũng góp phần nâng cao kết quả học tập của học sinh", thầy Cường nói.
Một lý do nữa theo thầy Cường là các thầy cô được nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu sâu sắc ý nghĩa của việc giúp học sinh tiến bộ và thực hiện theo cách đánh giá hướng tới đánh giá năng lực phẩm chất của người học; của việc điểm số không phải là đích đến cuối cùng của kiểm tra đánh giá.
Sự đánh giá quá trình cũng giúp cho học sinh có được kết quả khả quan hơn rất nhiều so với việc chỉ nhìn vào điểm số cuối cùng.
Tuy nhiên, Cô H, giáo viên một trường THCS ở quận 1, TP HCM thì cho rằng cũng vì áp lực từ phụ huynh, rồi ban giám hiệu nhà trường sợ ảnh hưởng thành tích nên có thể giáo viên cũng có tâm lý nới điểm… để 'đẹp lòng' cha mẹ.
Đông Hà
Giáo viên ít 'ngồi ghế', học sinh đọc thông viết thạo sau một học kỳ
Sau một học kỳ triển khai chương trình phổ thông mới, nhiều giáo viên đánh giá học sinh đọc trơn và tính toán nhanh hơn. Còn giáo viên thì "ít ngồi ở ghế hơn", thay vào đó là sự tương tác liên tục với học trò.