Chuyển từ áp lực này sang áp lực kia
Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ xét để công nhận giáo viên dạy giỏi thông qua các tiêu chí cốt lõi của chuẩn nghề nghiệp, thay vì tổ chức các hội thi hàng năm. Cụ thể, việc xét giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ được xem xét qua sự tiến bộ của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh, học sinh và cộng đồng. Ngoài ra, việc xét giáo viên giỏi nhằm mục đích tôn vinh nhà giáo, lan tỏa sự đổi mới, sáng tạo của giáo viên, không gắn với thi đua của ngành để giảm áp lực cho giáo viên.
Một giáo viên ở Nghệ An khi nghe điều này đã cho rằng, tổ chức thi giáo viên giỏi thì chỉ đúng cho một giai đoạn nào đó. Cụ thể, giáo viên chỉ cần có bài thi làm tốt, có hai tiết dạy thi tốt là được công nhận. Còn nếu xét theo các tiêu chí thì buộc giao viên phải hoàn thành tốt nhiều tiêu chí từ thực tế và cần thời gian dài. Thế nhưng, để lựa chọn giữa thi và xét công nhận thì thi sẽ thực tế hơn bởi "thi" phần nào minh bạch còn các tiêu chí xét thực tế có thể không chuẩn.
Dự giờ tại một trường tiểu học |
"Bây giờ có nhiều cách để giáo viên đạt được tiêu chí. Do vậy nếu duy trì giáo viên giỏi thì vẫn nên tổ chức thi như học sinh giỏi. Tức là ngoài tiêu chí dự thi thì mỗi trường chỉ nên cho phép 10% giáo viên đăng ký"- cô nói.
Cô cho hay, dù mang tính hình thức nhưng do số lượng giáo viên được thi hiện nay rất ít nên không ảnh hưởng tới việc dạy học của nhà trường hay học sinh."Ở trường tôi hiện nay mỗi môn chỉ được thi 1 người. Giáo viên thi lý thuyết đỗ mới được thi thực hành dựa vào năng lực thực tế. Mỗi lần thi chỉ khoảng được hai người đỗ nên cũng không có vấn đề gì tiêu cực." - cô nói.
Trong khi đó thầy Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3, TP.HCM, cho rằng chuyển từ thi sang công nhận chỉ là một hình thức chuyển từ áp lực này qua áp lực khác.
"Có nghĩa, áp lực không tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác" - thầy Du nói.
Theo thầy Du, do hiện tại chưa có các tiêu chí để xét giáo viên giỏi nên thầy chưa dám bàn nhiều. Tuy nhiên để được xét công nhận thì giáo viên cũng phải làm rất nhiều việc để đạt được các tiêu chí đề ra.
"Nếu xét thì dựa trên các tiêu chí nào. Dù ít hay nhiều để thỏa mãn các tiêu chí, giáo viên vẫn phải có áp lực. Chưa kể các loại hồ sơ giấy tờ khi xét sẽ nhiều hơn là thi. Rồi sự công nhận mang tính chất phong trào nhiều hơn là thực chất"- thầy Du nhận định.
Nếu xét công nhận thì cần tiêu chí cụ thể
Là người chứng kiến nhiều cuộc thi giáo viên giỏi, bà Nguyễn Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT quận 5, TP.HCM, cho rằng nếu cuộc thi giáo viên giỏi đúng nghĩa sẽ rất hay cho người khác học tập, nhưng những năm gần đây, các cuộc thi giáo viên giỏi từ Bộ tới địa phương tổ chức đã không còn thực chất.
Cô giáo viết chữ đẹp |
"Một giáo viên đi thi giáo viên giỏi thì học sinh bị bỏ tiết. Giáo viên thi phải viết sáng kiến kinh nghiệm mà chủ yếu lấy từ "Google". Người chấm sáng kiến kinh nghiệm thì không am hiểu thực tế. Giáo viên thi lý thuyết thì mông lung, còn thi tiết dạy chủ yếu là diễn. Nếu thi ở quận thì hiệu trưởng, hiệu phó các trường bỏ giờ bỏ giờ, bỏ trường để chấm thi…"- bà Thu liệt kê một loạt bệnh hình thức từ thi giáo viên giỏi.
Bởi vậy, chuyển từ thi sang xét công nhận là điều đáng mừng, bởi "công nhận" là đánh giá được cả quá trình.
"Cần rõ ràng các tiêu chí khi công nhận giáo viên dạy giỏi. Cụ thể như các tiêu chí thông qua chất lượng của học sinh, ý kiến của phụ huynh, kiểm tra đột xuất tiết học, như vậy sẽ nắm được học sinh như thế nào. Giáo viên giỏi thể hiện qua chất lượng học sinh"- bà Thu nói.
Theo bà Thu, điều hài lòng nhất là Bộ sẽ không lấy giáo viên giỏi để làm tiêu chí thi đua tập thể, nên các trường sẽ không áp lực cho giáo viên. Như vậy, giáo viên cũng không áp lực "cố bằng được" mà bám trường, bám lớp và dạy thực chất.
Tương tự, một giáo viên ở TP.HCM cũng đặt câu hỏi nếu thực hiện xét để công nhận thì các tiêu chí lõi gồm tiêu chí nào? Ai là người xét. Đơn vị nào công nhận? Tiếu chí gắn với thực tế giáo dục và hoạt động giảng dạy là gắn như thế nào?. Theo cô, các tiêu chí này nên được công bố rộng rãi để giáo viên góp ý cụ thể.
Bỏ hẳn giáo viên giỏi để vinh danh vì sự nghiệp
Trong khi đó, một số giáo viên cho rằng họ không cảm thấy hài lòng khi vẫn duy trì tiêu chuẩn "giáo viên giỏi" trong các trường hiện nay. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10 băn khoăn:
"Bây giờ không thi mà công nhận thì giám hiệu, hội đồng sư phạm nhà trường lại phải ngồi để "lọc" hay chỉ định những giáo viên để được công nhận. Làm như vậy rất rắc rối và chính điều này sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực như thiên vị, gây mất đoàn kết nội bộ trong trường".
Đồng ý với quan điểm này, thầy Nguyễn Viết Đăng Du cũng cho rằng, nếu được, nên bỏ hẳn giáo viên dạy giỏi và chuyển qua vinh danh nhà giáo bằng kỷ niệm chương, có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, hay các giải thưởng như Giải thưởng Võ Trường Toản mà hàng năm TP.HCM vẫn tổ chức.
"Thầy cô dạy giỏi như thế nào thì học sinh biết và yêu quý. Giáo viên chỉ cần được học sinh, đồng nghiệp yêu quý là phần thưởng quý báu nhất. Được công nhận giáo viên giỏi chưa chắc đã nói lên điều gì. Mặt khác giỏi chưa chắc cống hiến nhiều như giáo viên ở vùng sâu vùng xa"- thầy Du nhận định.
Hiện nay có nhiều giáo viên Việt Nam tham gia vào các sân chơi nghề nghiệp toàn cầu. Vừa qua, cô Trần Thị Thúy, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Đức Hợp (huyện Kim Động, Hưng Yên) đã lọt top 50 Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu (Global Teacher Prize). Giải thưởng này được coi như “giải Nobel” về giảng dạy để ghi nhận công lao nổi bật của giáo viên trên toàn thế giới. Hay nhiều thầy cô tham gia và được vinh danh ở Diễn đàn Giáo dục toàn cầu Microsoft…Những "sân chơi" này vừa giúp các thầy cô đánh thức tiềm năng mới mẻ của mình, vừa thiết thực cho học sinh bởi luồng gió mới trong lớp học mà thầy cô mang tới.
Lê Huyền
Bỏ thi, chuyển sang xét công nhận giáo viên dạy giỏi
-Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ xét để công nhận giáo viên dạy giỏi thông qua các tiêu chí cốt lõi của chuẩn nghề nghiệp, thay vì tổ chức các hội thi.