VietNamNet giới thiệu bài viết của độc giả Cao Nguyên - giáo viên THPT ở TP.HCM - gửi tới diễn đàn "Dạy ‘làm người’ trong trường học" (nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả).
Là một giáo viên dạy bậc THPT, tôi nhận thấy nhiều thầy cô đang ngộ nhận về quyền lực. Chẳng hạn, giáo viên mặc định cho mình quyền được la mắng, thậm chí đánh đập học sinh với lời ngụy biện “Thương cho roi cho vọt”. Và mỗi khi có một giáo viên nào đó la mắng, đánh đập học sinh bị phê bình, kỉ luật thì nhiều đồng nghiệp lên tiếng thở dài rằng, “công cụ” giáo dục của nhà trường đã bị bẻ gãy.
Một khi giáo viên ngộ nhận về quyền lực thì sẽ gây ra hệ lụy khôn lường. Minh chứng là một số vụ việc gây rúng động dư luận: năm 2018, một cô giáo ở TP.HCM “tịnh khẩu” suốt 3 tháng đứng lớp hay cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh súc miệng bằng nước giẻ lau bảng. Và mới đây, một nữ sinh xưng “mày-tao” với thầy giáo ở Khánh Hòa nhận được nhiều sự quan tâm bình luận...
Tâm lí của học sinh thời nay đã khác
Chúng ta cần hiểu rằng, tâm lí của học sinh thời nay khác với tâm lí học sinh thế hệ 7x, 8x của các ông bố bà mẹ ngày trước.
Ngày nay, từ thành thị đến nông thôn, đa phần mỗi gia đình chỉ có 1, 2 đứa con. Và nhiều bậc cha mẹ xem con cái không khác gì ông hoàng bà chúa, rồi nhu cầu cuộc sống là phải ăn ngon mặc đẹp. Cùng với đó, học sinh được học hành đến nơi đến chốn, các em hiểu được những quyền cơ bản của trẻ em là không ai được xúc phạm, xâm phạm thân thể.
Mỗi khi bị la rầy, học sinh cảm thấy bị tổn thương và chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí. Các em rất sợ bị đánh đập vì đau đớn, thương tích và đó còn là sự xấu hổ trước bạn bè. Đã có những chuyện đau lòng xảy ra vì giáo viên ngộ nhận quyền lực và hậu quả là học sinh lãnh đủ.
Ngoài ra, về hành lang pháp lí, tại khoản 4 điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT về việc giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo quy định: “Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác”.
Tại Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 28/2020/BGDĐT và Điều lệ trường THCS, THPT cũng đều có quy định: Giáo viên, nhân viên không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp (theo điều 31 Thông tư 28, điều 31 Thông tư 32).
Cần phân biệt "quyền lực” và “quyền uy”
Bàn về giáo viên ngộ nhận quyền lực, Takaka Yoshitaka, một chuyên gia người Nhật đã có 3 năm (2004-2007) làm việc ở Việt Nam trong vai trò cố vấn giáo dục nói đại ý rằng, mối quan hệ thầy trò ở nước ta bị phá hỏng vì người thầy thường ngộ nhận giữa “quyền lực” và “quyền uy”.
Theo Takana, “quyền uy” của người thầy đối với học sinh là việc cho dù người thầy có ý đồ hay không có ý đồ đối với những lời nói, hành động của mình thì học trò vẫn lắng nghe và có thái độ vâng lời. “Quyền uy” là thứ mà học sinh tự nguyện tạo ra rồi trao cho người giáo viên.
Còn “quyền lực” là thứ mà bản thân người giáo viên có thể đơn phương quyết định. Do đó, người thầy “quyền lực” luôn tuyệt đối hóa tính đúng đắn của những chân lý mà họ truyền đạt và không chấp nhận các phương thức tiếp cận, diễn giải chân lý khác. Người thầy ấy cũng sẽ có tham vọng ép học sinh phải tuân lệnh vô điều kiện và không bận tâm xem học sinh nghĩ gì. Hậu quả là tạo ra một mối quan hệ trên - dưới giữa giáo viên và học sinh rất nặng nề.
Tôi cho rằng giáo viên muốn có quyền uy thì trước hết phải giỏi chuyên môn, đồng thời ứng xử sư phạm hợp tình hợp lí trong mọi tình huống. Ngoài ra, giáo viên cũng cần am hiểu tâm lí lứa tuổi và đối xử thật công bằng với học sinh.
Vậy nên, giáo viên hãy thôi ngộ nhận về quyền lực, thay vào đó thầy cô hãy nâng cao khả năng ứng xử sư phạm, đối xử với học sinh bằng tình yêu thương… thì sẽ hóa giải được nhiều khó khăn trong sự nghiệp trồng người.
Ngược lại, giáo viên ngộ nhận về quyền lực thì khó nâng cao hiệu quả giảng dạy, khó dạy học “làm người”, thậm chí có thể để lại hệ lụy khôn lường.
Cao Nguyên (giáo viên THPT ở TP.HCM)
Những năm vừa qua, đặc biệt là thời gian gần đây, những biểu hiện lệch lạc về hành vi, đạo đức trong học sinh, giáo viên và cả phụ huynh thể hiện ngày càng nhiều. Xã hội đã dần nhận ra kết quả học tập hay điểm các cuộc thi cao ngất ngưởng dù đem lại sự tự hào và được coi trọng trong nhà trường nhưng thực ra không có giá trị bền vững, không đem lại cho học sinh những phẩm chất, kỹ năng cần thiết trong "trường đời" sau này. Trong khi đó, đạo đức, tình yêu thương, sự trung thực, khả năng sáng tạo, phản biện và nhiều kỹ năng mềm khác lại thực sự thiếu vắng trong môi trường học đường hiện nay. Ban Giáo dục Báo VietNamNet xin được mở diễn đàn "Dạy ‘làm người’ trong trường học", mong nhận được những ý kiến đóng góp của độc giả, nhằm giúp cho trẻ khi đến trường không chỉ thu nhận được kiến thức mà còn học được cách sống tự lập, đối nhân xử thế, cách làm việc chung... trong đời sống trưởng thành sau này. Ý kiến đóng góp xin gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn . Xin chân thành cảm ơn! |