Một ngôi trường gồm 1.600 học sinh ở Liphook, Hampshire, nước Anh đã thực hiện một thử nghiệm táo bạo và triệt để nhằm cải thiện tình hình học tập của học sinh. Họ mời 5 giáo viên tới từ các trường hàng đầu của Trung Quốc tới dạy 50 học sinh lớp 9 của mình trong vòng 4 tuần.

{keywords}
Cô Li Aiyun (trái), cô Yang Jun (giữa) và thầy Zou Hilian và các học sinh ở trường Bohunt

Tại sao lại thế? Đơn giản là thành tích học tập của học sinh châu Á cao gấp 3 lần học sinh Anh. Nhận thức rõ về việc học sinh của mình sẽ phải cạnh tranh với người lao động Trung Quốc trên thị trường việc làm toàn cầu, trường Bohunt đã quyết định kiểm tra xem học sinh của trường có chịu nổi sự khắt khe, những giờ học kéo dài và kỷ luật nghiêm khắc của hệ thống giáo dục Trung Quốc hay không.

Câu trả lời có vẻ chưa được làm rõ.

{keywords}
Cô Yang đang hướng dẫn học sinh luyện tập mắt

Cuối tháng này, 50 học sinh được thử nghiệm sẽ làm một loạt bài kiểm tra để so sánh kết quả với các bạn cùng lớp vẫn đang được dạy theo phương pháp Anh thông thường.

Trong khi đó, những học sinh đang được “nếm mùi” giáo dục Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu nổi loạn. Họ phải điều chỉnh giờ học bắt đầu từ 7 giờ sáng, mỗi ngày học 12 tiếng, bài tập tràn ngập.

Và đây là một cảnh tượng mới trong lớp học Trung Quốc ở trường Anh quốc: Lớp học ồn ào. Một học sinh đứng phía cuối lớp, ngang nhiên pha cho mình một tách trà trong khi giáo viên môn khoa học cố gắng giữ trật tự lớp học trong vô vọng.

Lớp học ồn ào như chợ vỡ. Josh, 14 tuổi tuyên bố rằng nhà trường “đang tước đi quyền con người” của cậu bằng cách bắt cậu làm việc suốt 12 tiếng mà không được uống một tách trà. Cậu đã mang ấm đun trà từ nhà tới trường. Giáo viên rất tức giận. “Các em đến đây là để học” – cô nói.

Nhưng Josh không hề tỏ ra ăn năn hay sợ hãi. “Bình thường em rất chăm chỉ. Nhưng em không quen với cách giảng dạy này một chút nào” – cậu nói.

“Giáo viên càng nghiêm khắc thì tôi càng muốn chống đối” – Sophie liên tục nói chuyện riêng trong giờ khi giáo viên môn Khoa học Yang Jun đang thực hiện một thí nghiệm trước lớp.

Cô Yang yêu cầu Sophie lên trước lớp, đứng úp mặt vào tường. Hình phạt này có thể khiến một học sinh Trung Quốc xấu hổ nhưng Sophie thì chỉ cười.

Trong khi, phương pháp Trung Quốc lấy sự tôn trọng thầy cô và sự cạnh tranh khốc liệt làm trọng tâm thì ở các trường Anh, học sinh được khuyến khích đặt câu hỏi và thảo luận. Họ đặt trọng tâm vào sự “tự phát hiện”. Ở Hampshire, cô Yang phải giữ trật tự lớp học trước khi dạy. Còn ở châu Á, học sinh im lặng mỗi khi cô giảng bài.

“Ở Trung Quốc, học sinh tôn trọng và nghe lời giáo viên. Học sinh Trung Quốc không làm lãng phí thời gian của người khác. Chúng tôi không cần các kỹ năng quản lý lớp học bởi vì ai cũng tự giữ kỷ luật. Còn ở đây, giữ trật tự lại là kỹ năng thách thức nhất trong công việc giảng dạy” – cô Yang nói.

{keywords}
Thầy Zou cho rằng tập thể dục sẽ giúp các em học tập tốt hơn

Cô cũng tỏ ra kinh ngạc khi một nữ sinh tự tiện ra khỏi lớp, nước mắt đầm đìa khi biết tin chàng ca sĩ Zayn Malik rời khỏi nhóm One Direction. “Tôi thấy thật khó hiểu khi em ấy thể hiện cảm xúc như vậy chỉ vì một ban nhạc pop” – cô vừa nói vừa ngờ vực.

Thầy Wei Zhoa thì cho rằng chính chế độ phúc lợi của chính phủ Anh đã khiến học sinh thiếu tham vọng và vô kỷ luật khi đến trường. “Ngay cả khi họ (thanh niên) không làm việc thì họ cũng có tiền, vì thế họ không phải lo lắng gì cả”.

Nhưng ở Trung Quốc thì khác, họ không nhận được gì cả nên họ biết “mình cần phải học tập chăm chỉ, mình cần phải làm việc chăm chỉ để kiếm tiền giúp đỡ gia đình”.

“Nếu Chính phủ Anh thực sự cắt giảm phúc lợi để buộc mọi người phải làm việc thì các em có thể sẽ nhìn nhận mọi thứ theo cách khác” – thầy Zhoa nói.

“Kiến thức thay đổi số phận một con người. Nếu không có hệ thống phúc lợi, họ sẽ tập trung hơn. Như bây giờ họ không đánh giá cao nền tảng giáo dục”.

Trong khi đó, thầy Zou Hilian – một giáo viên toán nổi tiếng là kiên nhẫn và dạy tốt ở Trung Quốc – đã phải nổi khùng khi không thể kiểm soát lớp học ở đây. “Tập trung!” – thầy Hilian hét lên. Giọng thầy hầu như chìm nghỉm trong không khí đinh tai nhức óc của lớp học.

Ở Trung Quốc, học sinh luôn dọn vệ sinh lớp học mỗi khi giờ học kết thúc – đó là trách nhiệm. Thầy Hilian đã thử làm việc đó ở Hampshire. Khi nhìn các em quét lớp, thầy có thể tượng tượng ra những cuộc đấu khẩu không ngừng nếu như việc này được thực hiện thường xuyên.

{keywords}
Các giáo viên Trung Quốc cho rằng chế độ phúc lợi xã hội hào phóng của Anh là nguyên nhân khiến học sinh không chịu học tập, thiếu tham vọng.

Cũng có một thử nghiệm khác về lòng yêu nước. Ở Trung Quốc luôn có màn chào cờ, hát quốc ca mỗi sáng. Tất cả nghi lễ đều được thực hiện với sự tôn kính. Còn ở đây, khi giáo viên Trung Quốc kéo cờ và hát quốc ca nước Anh mỗi ngày, rất ít học sinh thuộc lời “God Save The Queen”. “Tại sao lại phải làm thế?” là câu hỏi điệp khúc của các em.

Vài tuần trôi qua, hành xử của học sinh ngày càng tệ hơn. Các em nói chuyện, ăn uống khi giáo viên cố gắng giảng bài trong vô vọng.

Thầy Zou trở nên bực tức: “Các em không sẵn sàng học tập. Các em chỉ muốn vui vẻ. Tôi thấy lo lắng về chuyện học tập của các em”.

Vẫn lịch sự, cố gắng giữ bình tình nhưng khá tức giận, thầy Zou nói với cả lớp: “Trải nghiệm của chúng tôi với học sinh Anh sẽ chủ yếu là ở các em và chúng tôi hi vọng sẽ trở về nước với những kỷ niệm tốt đẹp. Tôi chưa bao giờ mong chờ những hành vi như thế này”.

Học sinh bên dưới chẳng hề tỏ ra xấu hổ. Ở cuối lớp, Josh vẫn đang pha trà. Thầy Zou buộc phải triệu hồi mẹ cậu – hình thức kỷ luật cuối cùng ở Trung Quốc và thường là nỗi xấu hổ ghê gớm của học sinh. Ấm pha trà đã được mang về nhà.

Công bằng mà nói thì mẹ Josh cũng chẳng bận tâm gì đến chuyện con trai bà đang làm xáo trộn lớp học, mà bà chỉ cho rằng cậu bị phạt vì lý do “sức khỏe và an toàn”.

{keywords}
Học sinh thậm chí còn không thuộc quốc ca của nước mình.

Thầy Zou tỏ ra thất vọng: “Chúng tôi tới đây để mang tới cho các em cách giảng dạy kiểu Trung Quốc để làm phong phú thêm trải nghiệm cuộc sống cho các em. Không có công việc nào dễ dàng, nhưng tôi không nghĩ rằng dạy học ở đây lại vất vả đến thế. Chúng tôi không thể xoay sở nổi. Thật xấu hổ. Nó khiến tất cả chúng tôi xấu hổ”.

Hầu hết học sinh Anh – ngay cả những học sinh xuất sắc nhất – cũng không theo kịp tốc độ bài giảng môn toán của thầy Zou, trong khi về Trung Quốc, ông sẽ dạy toán bằng tiếng Anh cho học sinh của mình để họ có lợi thế cạnh tranh hơn.

Một số em thậm chí còn gặp khó khăn trong việc nắm bắt các khái niệm ngữ pháp được giảng dạy bởi giáo viên Trung Quốc.

“Các em không có nhiều kiến thức ngữ pháp tiếng Anh và tôi rất ngạc nhiên về điều đó” – cô Li Aiyun, hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ Nam Kinh nhận xét. “Học sinh của chúng tôi còn làm tốt hơn”.

“Em không quan tâm tới vị từ và động từ” – một học sinh tuyên bố. “Tại sao bọn em lại cần học cái này? Tất cả bọn em đều có thể nói tiếng Anh cơ mà” – một em khác nói thêm. (Một em còn nghi ngờ không biết “swum” có phải là quá khứ phân từ của động từ “swim” không).

Cuối buổi, cô Li giao bài tập về nhà, hi vọng rằng các em sẽ tập trung như học sinh Trung Quốc. Nhưng một lần nữa, cô lại thất vọng. “Một số nói chuyện, một số ăn uống, một số thì trang điểm. Chỉ có một nửa lớp là theo dõi những gì tôi nói. Còn một nửa, ai biết là các em đang làm gì. Tôi phải cố kiềm chế bản thân, không thì tôi phát điên mất!”.

Hiệu trưởng Neil Strowger bắt đầu vào cuộc. Ông tỏ ra lo lắng về thái độ của học sinh và hứa rằng sẽ có biện pháp kỷ luật nếu như tình trạng này còn tiếp diễn.

“Không em nào được nói khi giáo viên đang nói” – ông nói. “Nếu các em còn tiếp tục, các em sẽ bị cảnh cáo và đưa ra hội đồng nhà trường”. Mặc dù, khi rời khỏi lớp, chúng tôi biết rằng cả ông và đội ngũ của ông đều đồng ý rằng học sinh của mình đang được cung cấp một “chế độ dinh dưỡng thông tin rất tẻ nhạt”.

“Tôi đã có cảm giác rất mạnh rằng cách dạy Trung Quốc này sẽ thất bại” – thầy Strowger dự đoán. “Và tôi thực sự hi vọng như thế bởi vì nếu chúng tôi phải dạy theo cách đó, chỉ có Chúa mới giúp được chúng tôi”.

Trong khi đó, việc phải đối mặt với sự náo loạn của lớp học cũng khiến các giáo viên Trung Quốc bắt đầu nản chí.

Cô Yang bật khóc: “Chúng tôi không thể thất bại. Tôi đứng đây là để đại diện cho phương pháp giảng dạy của Trung Quốc. Khi còn sống, bố tôi luôn nói với tôi rằng ‘Thứ mà bố để lại cho các con gái là kiến thức, kỹ năng và khả năng tồn tại trong một xã hội đầy cạnh tranh”.

“Tôi muốn truyền đạt lại điều này cho học sinh của mình bởi vì tôi nghĩ bố tôi là người thầy tốt nhất trong cuộc đời mình. Tôi muốn dạy cho học sinh những thứ mà tôi đã được dạy”.

Thế nhưng, trừ khi có một phép màu nào đó, còn không thì hi vọng của cô Yang tội nghiệp chắc cũng sẽ chỉ là một sự thất vọng.

  • Nguyễn Thảo (Theo Daily Mail)