Thật ngạc nhiên khi “Kho báu xanh” bạc tỷ ấy không phải ở nơi xa xôi mà hiện hữu ngay trên đất thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) của lão nông người Tày Nông Văn Thắng.
Từ người lính dám nghĩ, dám làm
Ông Nông Văn Thắng sinh năm 1955, từng tham gia quân ngũ chiến đấu ở chiến dịch Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào). Năm 1976, ông phục viên trở về quê hương, đối mặt với bao khó khăn thường nhật khi không vốn, không nghề nghiệp. Chính vì thế, những tháng ngày thiếu thốn cứ đeo bám ông trong cả một thời gian dài. Có ít đất vườn đồi, gia đình ông từng canh tác nhiều loại cây như đu đủ, trồng chè rồi chăn nuôi gà đẻ, lợn thịt... song vẫn chỉ đủ ăn...
Vườn sưa bạc tỷ của lão nông Nông Văn Thắng (bên trái) ở thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Có cây sưa lâu năm của ông Thắng được trả giá tới 300 triệu đồng mà ông chưa bán. |
Ông Thắng bảo, không phải mình kém cỏi gì mà đất vườn đồi cứ “mùa nào thức ấy”, canh tác luân phiên, năng suất rất tốt nhưng cứ “được mùa thì mất giá” nên thu nhập không cao. Bao đêm trằn trọc suy nghĩ rồi đọc sách, báo đến “mòn kính”, chợt ông nhận thấy hướng đi mới với mô hình trồng cây sưa của một đại gia đất kinh Bắc.
Sau hôm đó, ông Thắng lặn lội bắt xe xuống tận nơi để học hỏi rồi về Sơn Tây mua giống cây sưa đỏ quý hiếm, quyết nuôi chí làm giàu từ cây “quý tộc” trên chính mảnh đất quê hương.
Để có diện tích đất vườn rừng hơn 3 ha, vợ chồng ông Thắng đã phải chắt chiu từng đồng để mua thêm của người dân ở trong thôn. Hết tiền, ông phải đánh liều cầm cố sổ đỏ để vay ngân hàng mua giống cây sưa về trồng.
Nhiều người thấy ông đưa loại cây lạ về trồng không khỏi lo lắng, có người góp ý “giống cây thì quý thật nhưng chẳng biết mai này thế nào bởi ai cũng trồng thì có khi sau này bán củi đun cũng chẳng ai mua”.
Bỏ ngoài tai mọi lời than phiền, ông Thắng vẫn cặm cụi với những luống cây mới trồng. Có những lúc chiếc cuốc bật vào đá, văng vào chân đến tứa máu nhưng ông lại lấy lá cây rừng đắp vào và miệt mài làm việc tiếp.
Để “lấy ngắn nuôi dài”, ông Thắng trồng xen vào các loại cây ăn quả như bưởi, quýt và trồng cây màu. Mỗi thứ một ít, cứ có tiền là ông lại mang đi mua thêm cây gỗ sưa giống trồng khắp khu vườn, đồi nhà mình.
Trong quá trình chăm sóc, ông còn tích cực tìm hiểu kỹ thuật trồng loại cây này qua các tài liệu hướng dẫn và mất không ít kinh phí để ngược xuôi tham quan các mô hình khắp cả nước.
Một cây sưa của gia đình ông Nông Văn Thắng có tuổi đời hơn 15 năm được thương lái trả giá hơn 300 triệu đồng. |
Trải qua hơn 15 năm, kể từ ngày trồng cây gỗ sưa không bao giờ ông Thắng nghĩ mình lại có một gia tài lớn như ngày hôm nay, bởi thế người dân Đồng Danh đi đâu cũng tự hào “khoe” ông Thắng là “tỷ phú” của thôn.
Bà Vũ Thị Hằng, người dân xã Đức Ninh nói, giá trị khu vườn sưa của ông Thắng giờ ai cũng biết bởi nó quá lớn. Bà con ai cũng mừng bởi ông ấy là người hiền lành, chất phác nên được trời phật phù hộ.
... thành người giàu nhất xã
Đến tận bây giờ, khi nhắc lại chuyện trồng cây gỗ sưa ông Thắng vẫn khẳng định đây như là một ván bài đầy may rủi. Bởi lẽ, nếu chẳng may gỗ sưa mất giá thì bao công lao của ông lại trở nên “công cốc”. Nhưng thật may, gỗ cây sưa từ trước đến nay vẫn luôn là gỗ quý cung không đủ cầu.
Chính sự tin tưởng về tương lai của loại cây này khiến ông nhiều lần quyết định mở rộng diện tích. Đến nay, cả vườn sưa của ông Thắng có gần 2.000 cây, cây lâu nhất được hơn 15 năm, cây ít cũng đã trồng được 5 năm tuổi. Có những cây thương lái đến tận gốc trả giá hơn 300 triệu đồng nhưng ông Thắng không bán.
Nhiều người hỏi số tiền lớn thế sao ông không bán đi thì ông bảo, gỗ sưa đắt chủ yếu là phần lõi, chính vì thế cây càng lâu năm thì giá trị càng lớn nên không phải vội. Năm 2017, gia đình ông bán tỉa 25 cây sưa thu được gần 1 tỷ đồng, năm 2018 ông bán 5 cây thu được hơn 300 triệu đồng.
Với giá gỗ sưa hiện nay, khoảng vài triệu đồng/kg thì tính ra cả vườn sưa của ông Thắng ước có giá trị đến hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm nguồn thu từ trồng cây ăn quả (bưởi, chanh) và chăn nuôi (gà đẻ, lợn thịt) cũng đem lại cho gia đình ông hơn 150 triệu đồng.
Thấy chúng tôi lo lắng bởi một “kho báu” bạt ngàn nằm lộ thiên trong khi lại chỉ có 2 vợ chồng ông trông coi (2 con gái của ông đã lấy chồng ở xa) thì ông Thắng cười xòa: “Ở đây là đường độc đạo, xung quanh nhà tôi toàn anh em, họ hàng nên hầu như chưa xảy ra trộm cắp bao giờ. Người thôn Đồng Danh dù giàu, nghèo đều rất đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và mọi việc”.
Ngay như bản thân ông Thắng, không chỉ làm giàu cho mình, ông còn không ngần ngại chia sẻ những bí quyết trong phát triển kinh tế, giúp đỡ nhiều hộ gia đình trong thôn về vốn và cây trồng. Ai cần hỗ trợ về kỹ thuật trồng, nguồn giống sưa quý, ông đều rất sẵn sàng cung cấp.
Ông Vũ Văn Thuyên, Trưởng thôn Đồng Danh nói, ông Thắng là người sống gần gũi, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Gia đình ông Thắng còn là điển hình trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nhân tố tốt như gia đình ông Thắng đã góp phần tích cực để xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới.
(Theo Báo Tuyên Quang)